lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Bình sách: Lột Xác

Mấy nay trang giữa của báo Tuổi Trẻ đang đăng tự truyện Lột Xác của Lâm Khánh Chi (tên của Lâm Chí Khanh sau khi chuyển giới). Mình không biết và không đọc từ kỳ 1, nhưng sau khi nghe những lời bàn luận rất kỳ thị của người nhà thì mình quyết định đọc từ kỳ 5 trở đi, đọc xong thì cảm thấy muốn viết gì đó. Lúc đầu thì mình có ý định Google search để biết dạo này cô ấy ra sao, nhưng nghĩ là truyền thông sẽ chẳng viết được điều gì tốt đẹp hoặc đúng đắn về cô ấy nên mình quyết định chỉ viết về cảm nhận và suy nghĩ của mình.

Mình biết đến Lâm Chí Khanh khi đang học cấp 2, đi học về ngang những tiệm CD, nhìn vào thấy poster rất to chụp anh ấy mặc đồ da màu đen, ngồi trên chiếc Motor phân khối lớn màu đen bóng. Hình ảnh đó đẹp ấn tượng đến nỗi sau rất nhiều năm mà mình vẫn nhớ rõ. Mình đã – đang – sẽ không là fan hâm mộ của anh ấy / cô ấy vì mình không thích giọng hát đó. Sau đó chỉ nghe nói anh ấy đã phẫu thuật chuyển giới thành nữ nhưng mình cũng không quan tâm lắm, dù trước đó mình cũng đọc nhiều tài liệu đủ để hình dung ra chuyển giới là 1 quá trình như thế nào.

Trong quyển tự truyện, đoạn “Phẫu thuật” khiến mình vừa đọc vừa rùng mình, thậm chí muốn rơi nước mắt vì sự đau đớn và ý chí kiên cường mà cô ấy đã trải qua. Mình chưa từng tưởng tượng là phẫu thuật chuyển giới mà chỉ gây tê đường xương sống chứ không gây mê toàn diện. Mình là loại người sợ đau đến mức nhổ răng mà mình cũng ước được gây mê! Sự đau đớn mà cô ấy đã trải qua không phải là điều có thể diễn tả bằng lời hoặc bằng chữ viết, nếu mười mấy tầng địa ngục là có thật thì mình nghĩ cái đau đó cũng tương tự như đi qua các tầng địa ngục. Mình không phải fan của cô ấy, nhưng mình thật sự khâm phục khả năng chịu đau và nghị lực lớn lao của cô ấy để có thể tự đem lại cho bản thân 1 con người mới, 1 cuộc sống mới. Nói theo kiểu duy tâm thì con người không thể giành quyền của Tạo Hóa, kẻ nào hành động thay cho thần thánh thì kẻ đó phải bị trừng phạt __ nhưng mình nghĩ Lâm Khánh Chi (và tất cả những người đã Muốn và Dám thay đổi giới tính bản thân) là những người đã đạt được thành công rất lớn lao và đáng kể.

Có ý kiến cho rằng “Lâm Khánh Chi viết quyển tự truyện là muốn tự lăng xê chính mình; là để lôi kéo người yêu cũ trở lại với mình; báo Tuổi Trẻ đã trở thành báo lá cải khi đăng những thể loại này; chắc là Lâm Khánh Chi đã trả rất nhiều tiền để báo đăng bài về mình; thật là điên rồ, có nhiều tiền như vậy mà lại bỏ ra để làm chuyện vô nghĩa”… Khi nghe những tư tưởng sai lệch và kỳ thị đó thì mình khá mệt tai và đau đầu. Đau đầu là vì mình phải cố kiềm chế để không trả lời tiếng nào đối với những quan điểm đó. Mình đã quyết định là sẽ không tốn hơi sức để cãi lại quan điểm của người khác (nhất là những người bảo thủ, phong kiến, sùng đạo quá mức), không tốn hơi sức để thuyết phục người khác nghĩ theo cách của mình, nhưng để hết đau đầu (vì phải kiềm chế) thì mình muốn trả lời ở đây.

Trước Lâm Khánh Chi, đã có người khác viết tự truyện về quá trình chuyển giới. Mình đã đọc qua. Hầu hết những quyển tự truyện chuyển giới (cũng như tác giả của chúng) đều bị người đời đọc với sự tò mò phê phán hơn là sự thấu hiểu cảm thông. Cho nên, mình không nghĩ Lâm Khánh Chi viết quyển sách đó để tự lăng xê hay để lôi kéo người yêu cũ trở lại. Thứ nhất, cô ấy đã có người yêu cùng đồng hành sang Thái khi cô ấy chuyển giới (mình cũng muốn có lời khen dành cho sự tận tụy của anh người yêu đó); thứ hai, nếu thật sự đối tượng mà quyển sách hướng đến là người yêu cũ, thì chẳng qua Lâm Khánh Chi muốn bộc bạch ít cảm xúc và kể lể về quá trình chuyển giới, đó là quyền tự do ngôn luận của cô ấy, còn anh kia có chấp nhận hay không là quyền của anh kia, và độc giả - những người xa lạ hoàn toàn – không có quyền phê phán cuộc sống riêng của cô ấy. ____ Nhưng cá nhân mình nghĩ mục đích mà Lâm Khánh Chi viết quyển tự truyện là vì 1. muốn kể lại quá trình chuyển giới của bản thân và 2. muốn đem đến 1 tài liệu tâm lý và y khoa khá chi tiết dành cho những người đang cân nhắc đến việc chuyển giới. Đó được xem như 1 quyển tự truyện kiêm tài liệu học thuật cần thiết cho giới LGBT và tất cả những ai quan tâm đến giới đó. Mình cũng cảm thấy biết ơn báo Tuổi Trẻ với tư tưởng rất cởi mở, thông cảm, hiện đại nên đã đồng ý đăng tự truyện này của Lâm Khánh Chi, dù mình cũng hơi thắc mắc rằng để tự truyện này được đăng ngay trang giữa báo thì ai là người phải trả tiền cho ai.

Mọi danh xưng gọi Lâm Khánh Chi là “PD, bóng, quái vật, đồ điên…” đều hoàn toàn Sai. Trước khi phẫu thuật thì anh ấy là đồng tính nam bẩm sinh. Sau khi phẫu thuật thì cô ấy là người chuyển giới, tuy mình tin rằng cô ấy sẽ rất vui nếu được gọi là “1 cô gái, 1 phụ nữ”. Cô ấy dùng tiền bản thân kiếm ra để sống theo ý cô ấy muốn, thậm chí nếu cô ấy có đi vay xã hội đen hoặc mượn tiền ngân hàng để chuyển giới và sau đó lâm vào cảnh nợ nần khổ sở thì đó cũng là quyết định và trách nhiệm của cô ấy. Việc chuyển giới của Lâm Khánh Chi (và tất cả những người chuyển giới khác ở khắp nơi từ trước đến giờ) đều bị 1 phần nào đó của xã hội cho rằng đó là điên khùng, dư tiền, làm chuyện trái tự nhiên. Mình không phải người chuyển giới nên mình không hiểu được cảm giác thôi thúc mãnh liệt để có thể chịu đau mà trở thành 1 người thuộc giới tính khác, nhưng mình nghĩ sống thế nào là quyền của mỗi người, miễn là không làm chuyện thất đức và không vi phạm pháp luật. Điều gì mình không hiểu thì mình nên tìm hiểu để có thể thấu hiểu và thông cảm, chứ không phải miệt thị và dìm người khác xuống bùn đen, coi họ như 1 thứ rác rưởi cần đốt đi. Dù họ là đồng tính, chuyển giới, dù họ khao khát tình cảm và làm những cách rất-thông thường để thỏa mãn sự khao khát đó thì mình cũng không có quyền phê phán và miệt thị họ. Khi phê phán miệt thị người khác tức là mình đang coi như họ thấp kém hơn mình, mà con người là bình đẳng với nhau. Nếu không phải tội phạm hoặc biến thái thì ai cũng có quyền được trân trọng và sống dễ chịu trên đời này.

Khi quyết định chọn tựa đề cho note này là “Lột Xác”, mình chưa hề biết rằng tựa quyển tự truyện của Lâm Khánh Chi cũng là Lột Xác. Mình không muốn bắt chước đâu, nhưng mình vẫn giữ và không cố tìm 1 tựa khác, vì mình nghĩ 2 chữ Lột Xác phản ánh rất rõ ràng quá trình chuyển giới. Có khác gì bị lột da sống  để từ đó hình thành 1 con người mới? Có khác gì Phượng Hoàng phải tự bốc cháy để được tái sinh?

Tình cờ cũng đọc được chuyện ông Bruce Jenner – bố của Kim Kardashian – sau khi trải qua 3 cuộc hôn nhân với 6 đứa con, ông đã phẫu thuật chuyển giới thành cô Caitlyn Jenner. Hành động này còn được Tổng thống Barack Obama viết trên Twitter rằng “Phải thật sự dũng cảm bạn mới dám chia sẻ câu chuyện của mình như vậy” (trích Thanh Niên tuần san số 467 ra ngày 12/6/2015). Mà Tổng thống Barack Obama cũng bị phê phán rất nhiều khi thông qua luật cho phép kết hôn đồng tính tại Mỹ. Có người cho rằng sao dạo này “bọn đồng tính” xuất hiện nhiều vậy, theo thời thượng hoặc trào lưu hay sao. Mình nghĩ khác. Với sự phổ biến của các tài liệu kiến thức về LGBT và sự thông hiểu của mọi người, giới LGBT đã dám bộc lộ bản thân nhiều hơn chứ không sợ bị dọa giết, bị thiêu sống, bị bắn chết như ngày xưa nữa. LGBT là người, dị tính cũng là người, nên tại sao dị tính cho mình cái quyền coi LGBT như quái vật? Trong bộ phim hoạt hình 3D “Họa giang hồ chi linh chủ” chuyển thể từ game của TQ cũng có vài nhân vật đồng tính rất thú vị.

Nói chung, cuộc đời ngắn ngủi, có khi những kẻ phê phán / chửi bới / miệt thị mình nhiều nhất lại là những kẻ chẳng nuôi mình được ngày nào, chẳng liên quan gì đến cuộc đời mình, cho nên cứ sống sao cho thật lộng lẫy, cháy hết mình, làm những gì mình cho là đúng trong khuôn khổ pháp luật cho phép, và cố gắng bỏ ngoài tai những lời ko phù hợp với quan điểm của mình. Keep fighting ^_^


(written by Sea, 17-8-2017)