1 câu truyện quá đẹp, tuy là truyện TQ =)) ♥♥♥
Thế là 3 tháng nữa đã trôi qua rồi.
Thời điểm này of 3 tháng trước, đang buồn vì nghĩ sẽ xa 1 người bạn mãi mãi,
nhưng giờ đã hiểu ra có nhiều khi gần kề bên nhưng tư tưởng vẫn rất xa, thôi
thì なるようになるよ!
Đọc xong truyện bên dưới, cảm thấy
mình có thể cười trở lại :D Thế là sẽ có 1 cuối tuần dzui dzẻ rồi ^.^ Have a
nice weekends to everybody ^.^
š¯›
Quân
sinh ta chưa sinh, ta sinh quân đã lão
Tác giả: Đậu Đĩnh
Biên tập: Stranger
Tôi là một đứa trẻ mồ côi,
có lẽ là hậu quả của việc trọng nam khinh nữ, cũng có thể là đứa con của mối
quan hệ nam nữ mà không ai phụ trách.
Là Triết Dã đã đưa tôi
về nhà.
Năm ấy chú thực thi
chính sách từ nông thôn trở về thành phố, thấy tôi ngồi cạnh đống rác ở nhà ga,
một bé gái xinh xắn, lặng lẽ, có rất nhiều người vây quanh. Chú tiến lên, nở nụ
cười xán lạn với cô bé kia.
Chú cho tôi một
căn nhà, còn cho tôi một cái tên rất đẹp, Đào Yêu. Về sau chú nói, nụ cười lúc
trước của tôi có thể nói là đào non mơn mởn, hoa nở tốt tươi.(1)
Cuộc sống của Triết Dã
vô cùng đáng thương, cha mẹ chú đều là học giả về nước nhưng vẫn không tránh
được đợt tai vạ văn hóa, căm phẫn mà qua đời cùng nhau. Triết Dã tất nhiên
cũng không may mắn thoát được, bị đẩy đến nông thôn, lìa xa bạn gái đã yêu nhau
nhiều năm. Từ đó về sau chú sống cô độc, cho đến khi ba lăm tuổi trở về thành
phố thì nhặt được tôi.
Tôi gọi Triết Dã là chú.
Ký ức thuở ấu thơ của
tôi không có nhiều bóng đen, ngoại trừ một chuyện.
Khi đi học, trong
lớp có mấy bạn nam nghịch ngợm gọi tôi là “con hoang”. Về nhà, tôi vừa khóc vừa
kể cho Triết Dã nghe. Ngày hôm sau, Triết Dã cố ý đến đón tôi tan học, hỏi mấy
bạn nam kia: Ai nói cô bé là con hoang? Mấy bạn nam vừa nhìn thấy Triết
Dã cao lớn cường tráng liền không nói được tiếng nào. Triết Dã cười lạnh: Lần
sau ai dám nói vậy nữa mà để chú nghe được, chú sẽ đánh người đó! Có đứa
thì thầm: Nó không phải là con của chú, đúng là con hoang. Triết Dã nắm
tay tôi quay đầu lại cười: Nhưng chú lại cưng chiều cô bé như con gái ruột.
Ai không tin thì đứng ra đây xem, ai có đồng phục đẹp như của cô bé? Túi xách
của người nào được hơn cô bé? Mỗi buổi sáng bé đều uống sữa ăn bánh kem, các
cháu nói thử xem, các cháu ăn cái gì? Mấy đứa trẻ lập tức nổi giận.
Từ đó, không có ai
dám nói tôi là con hoang nữa. Sau khi lớn lên, mỗi lần nhớ đến việc này tôi
liền buồn cười.
So với những đứa
trẻ mồ côi khác, cuộc sống của tôi may mắn hơn nhiều lắm.
Nơi tôi thích nhất
là phòng đọc sách. Trong phòng chất đầy sách, phía dưới cửa sổ lớn kê một cái
bàn học của Triết Dã, khi mặt trời lên cao, khuôn mặt chăm chú công tác của chú
tạo thành một bức tranh phản quang tuyệt đẹp. Tôi tự mình chọn lấy một cuốn
sách ngồi đọc trên sô pha. Cứ cách một lúc là Triết Dã lại quay sang nhìn tôi,
nụ cười của chú ấm áp tựa như ánh mặt trời trong mùa đông lạnh lẽo xuyên thấu
qua cửa sổ. Khi mệt mỏi, tôi liền gục đầu trên vai chú, lẳng lặng nhìn chú vẽ
đồ án.
Chú cười: Lớn
lên cũng theo nghề của chú đi.
Tôi bĩu môi: Cháu không thích, phơi nắng đen chết đi được,
lại còn bẩn nữa chứ.
A, tôi đã quên nói, Triết Dã là kỹ sư công trình. Nhưng dầm
mưa dãi nắng lại chẳng hề làm ảnh hưởng đến vẻ ngoài của chú. Lúc nào chú cũng
gọn gàng tao nhã, phong độ bảnh bao.
Thành thật mà nói,
không phải là không có phụ nữ muốn tiếp cận chú.
Lúc tôi tám tuổi,
Triết Dã suýt nữa kết hôn với một người phụ nữ. Cô ấy là giáo viên, thông minh
xinh đẹp. Không biết tại sao tôi lại không thích cô ấy, cứ cảm thấy nụ cười của
cô ấy quá giả tạo. Có Triết Dã, cô ấy cười với tôi vừa ngọt ngào vừa dịu dàng,
không có chú, nụ cười đó biến mất như trò ảo thuật. Tôi sợ cô ấy.
Có một ngày tôi
đang vẽ tranh trên sân thượng, cô ấy hỏi tôi: Cha mẹ ruột của cháu đâu?
Không đến thăm cháu lần nào sao? Tôi ngây người nhìn cô ấy, không biết nói
gì cho phải. Cô ấy chậc chậc hai tiếng, nói tiếp, con bé này ngốc thật, khó
trách họ không cần cháu. Tôi giật mình, bỗng nhiên Triết Dã xanh mặt đi đến
dắt tay tôi, không nói không rằng quay trở về phòng.
Buổi tối tôi cuộn
mình trong chăn khóc thầm, Triết Dã đi vào ôm tôi bảo, đừng sợ, Yêu Yêu đừng
khóc.
Sau đó không thấy người phụ nữ kia đến nhà của chúng tôi nữa.
Một lần tôi nghe bạn tốt của Triết Dã là Khưu Phi hỏi chú: Đang êm thắm sao
lại muốn chia tay? Triết Dã nói: Người đàn bà này không tốt, cưới cô ấy,
sau này Yêu Yêu sẽ không hạnh phúc. Khưu Phi nói: Cậu chỉ không quên được
Diệp Lan thôi. Cái tên này tôi nhớ rõ từ lúc tám tuổi. Lớn lên tôi mới biết,
Diệp Lan chính là bạn gái cũ của Triết Dã.
Chúng tôi vẫn sống
nương tựa lẫn nhau. Triết Dã thu xếp mọi việc rất ngăn nắp, bao gồm cả việc
giúp tôi thuận lợi khỏe mạnh trải qua thời kì trưởng thành.
Tôi đỗ đại học, bởi vì
trường học cách nhà rất xa nên phải ở lại kí túc xá, cuối tuần mới về nhà.
Đôi lúc Triết Dã
hỏi tôi: Cháu đã có bạn trai chưa? Tôi cười cười không nói. Sự thật là có mấy
bạn nam khá xuất sắc trong trường theo đuổi tôi, nhưng tôi lại chẳng ưng ai cả.
Người X thì cao to đẹp trai đấy, có điều thành tích lại tệ vô cùng; bạn Y học
hành rất khá, tài ăn nói cũng không kém, tiếc cái bề ngoài cực kì bình thường;
tên Z có được tướng tá và thành tích đều tốt, nhưng phong độ cứ như một tên lỗ
mãng…
Tôi ít khi nói
chuyện với các bạn khác giới. Trong mắt tôi, bọn họ rất nông cạn và ấu trĩ, chỉ
cần ở trước mặt người khác liền nóng lòng muốn khoe ra những ưu điểm của bản
thân, không hề điềm đạm.
Sinh nhật hai mươi
tuổi, Triết Dã tặng tôi một chiếc nhẫn ruby. Mấy thứ trang sức linh tinh này
đều do Triết Dã mua cho tôi, chú nói là: Con gái lớn, phải có mấy món trang
sức. Ăn cơm xong chúng tôi liền đi mua sắm, tôi thích cái gì chú đều mua
cho.
Trở về trường học,
tôi nhạy cảm phát hiện mọi người rất thích bàn tán sau lưng tôi. Tôi không để
tâm, bởi vì xuất thân của mình, tôi đã quen việc người khác thì thầm đánh
giá. Cho đến một ngày, có một người bạn tốt cùng lớp nói với tôi: Bọn họ nói
cậu có một người bạn trai đáng tuổi ba mình, có phải thế không? Tôi ngạc
nhiên: Ai nói thế? Cô ấy trả lời: Nghe đồn có vài người nhìn thấy cậu
đi mua sắm cùng ông ấy, rất thân thiết! Thảo nào cậu không thích mấy người cùng
tuổi…thì ra là mê chút tiền trinh! Tôi suy tư một lúc, hai má từ từ nóng
lên, qua một lúc mới cười nói: Bọn họ hiểu lầm rồi.
Tôi không giải thích. Im lặng ngồi đọc sách, hơi ấm trên má
thật lâu mới tan.
Cuối tuần về nhà
tổng vệ sinh theo thường lệ. Phòng của Triết Dã rất sạch sẽ, cái áo khoác lông
dê chú thường mặc khoác ở trên mép giường. Cái áo đó màu cà phê, lúc trước chú
định mua một cái màu xám, nhưng tôi lại chỉ thích cái này. Triết Dã cười nói: Được
rồi, theo ý cháu đi, xem ra Tiểu Yêu Yêu chê chú già, muốn chú mặc đồ trẻ một
chút.
Chậm rãi sắp xếp quần áo, mỉm cười nghĩ đến mấy chuyện vụn
vặt.
Thời gian sau đó
tôi phát hiện tinh thần của Triết Dã rất tốt, đi lại nhanh nhẹn mà phấn chấn.
Thỉnh thoảng còn nghe chú ngâm nga vài bài hát, có vẻ giống hồi tôi thi đỗ đại
học. Tôi khó hiểu. Cuối tuần tôi nhận được điện thoại của Triết Dã nói muốn tôi
về nhà sớm, đi ra ngoài ăn tối cùng chú.
Chú cạo râu thay
quần áo. Tôi nghi ngờ: Có người giới thiệu bạn gái cho chú à? Triết Dã
cười: Chú đã già rồi, còn nói chuyện bạn gái chi nữa, là chú Khưu và một
người bạn cũ nữa, lát nữa cháu gọi cô Diệp là được.
Tôi biết, nhất định là Diệp Lan.
Trên đường đi
Triết Dã nói cho tôi, khoảng thời gian trước thông qua Khưu Phi mà chú đã liên
hệ với Diệp Lan, chồng của cô ấy vừa qua đời. Lần này gặp lại bọn họ đều có cảm
giác với nhau, nếu như không có gì ngoài ý muốn sẽ chuẩn bị kết hôn.
Tôi ậm ừ đáp trả,
dần dần cảm thấy bàn chân vô cùng lạnh lẽo, rồi cái lạnh lan đến toàn thân.
Tới nhà hàng, tôi
khách quan đánh giá Diệp Lan: Hơi phát tướng nhưng không quá béo, trong ánh mắt
vẫn còn sót lại vài phần thướt tha của tuổi trẻ, so với người phụ nữ năm xưa
đương nhiên cô ấy vượt trội hơn. Nhưng nếu đứng chung với Triết Dã tuấn tú, cô
ấy già hơn nhiều lắm.
Cô ấy rất tốt với
tôi, rất thân thiết, đúng kiểu yêu ai yêu cả đường đi lối về.
Về tới nhà Triết
Dã hỏi tôi: Cháu thấy cô Diệp như thế nào? Tôi đáp: Cô chú đã chuẩn
bị kết hôn rồi, còn hỏi cháu làm gì.
Tôi thức trắng đêm không ngủ được.
Trở lại trường học
tôi lăn ra ốm. Mặc dù sốt cao nhưng tôi vẫn cố đi học, rốt cục ngất xỉu trên
giảng đường.
Tỉnh lại thấy mình
nằm trong bệnh viện, tay treo một bình nước biển, Triết Dã ngồi đọc sách ở kế
bên.
Tôi mệt mỏi cười: Cháu
đang ở đâu?
Triết Dã nhanh chóng ấn đầu tôi vào gối: Cuối cùng cũng
tỉnh, bị cảm chuyển sang viêm phổi, đứa nhỏ này thật bất cẩn. Tôi cười: Nếu
bị bệnh thật thì cẩn thận có ích lợi gì?
Ngoài giờ đi làm Triết Dã đều trông ở bệnh viện. Mỗi khi tôi
thức giấc liền tìm bóng dáng của chú, thấy được rồi mới có thể yên tâm. Tôi
nghe chú gọi điện thoại cho Diệp Lan: Yêu Yêu bị bệnh, mấy ngày nay anh
không rảnh, chờ cháu khỏe rồi lại anh sẽ liên lạc với em. Tôi cười khổ, nếu
như bệnh của tôi có thể khiến chú ở bên cạnh tôi mỗi ngày, tôi sẵn sàng bị bệnh
liệt giường.
Nằm viện một tuần
mới có thể về nhà. Triết Dã đặt một cái ghế sô pha trước cửa phòng tôi, buổi
tối nằm ngủ ở trên đó, tôi có động tĩnh gì liền ngồi dậy hỏi han.
Tôi nhớ đến lúc
tôi còn nhỏ, bô để ở trong phòng Triết Dã, nửa đêm tỉnh dậy liền tự đi lục lọi.
Triết Dã lúc nào cũng nhanh chóng phát hiện, giúp tôi bật đèn, nói: Yêu Yêu
ngoan lắm. Mãi cho đến khi tôi vào tiểu học mới ngủ riêng.
Diệp Lan mua hoa
tươi và trái cây đến thăm bệnh. Tôi lễ phép cám ơn cô ấy, cô ấy nấu đồ ăn rất
ngon, nhưng tôi lại ăn không vô. Tôi vội trở về phòng nằm nghỉ.
Tôi nằm mơ. Mơ
thấy Triết Dã cuối cùng cũng kết hôn với Diệp Lan, bọn họ vẫn còn trẻ, chiếc
váy trắng của Diệp Lan đẹp vô cùng, mà tôi lớn như vậy lại còn làm phù dâu xách
váy.(2) Triết Dã sung sướng nở nụ cười, nhưng không hề nhìn về phía tôi một lần
nào, tôi còn có thể ngửi được mùi hương bách hợp thơm ngát từ bó hoa của cô
dâu…Tôi giật mình ngồi dậy, tỉnh ngủ. Một lát sau lại nằm xuống, tuyệt vọng nhắm
mắt lại.
Trong bóng tối,
tôi nghe được tiếng bước chân của Triết Dã. Đèn ở đầu giường sáng lên. chú thở
dài: Mơ thấy cái gì không biết? Khóc nhiều như thế. Tôi giả bộ ngủ,
nhưng nước mắt cứ như cái vòi nước bị hỏng, từ khóe mắt chảy xuôi xuống bên tai.
Cho dù có đầu ngón tay ấm áp của Triết Dã có lau đi bao lần cũng không thể
ngừng được.
Lần bệnh đó kéo
dài đến mười ngày. Chờ khỏi hẳn, tôi và Triết Dã đều sút mất mấy kg. Triết Dã
bảo: Cháu về nhà đi, kí túc xá ở trường học nhiều người ở, môi trường không
tốt.
Ngày ngày chú chạy xe máy đưa đón tôi. Áp má vào lưng chú,
tâm tình lúc vui lúc buồn.
Về sau Diệp Lan
không tới nhà chúng tôi nữa. Trải qua một thời gian rất dài, tôi mới dám tin
rằng Diệp Lan cũng giống như cô giáo đó, chỉ là quá khứ.
Tôi thuận lợi tốt
nghiệp, kiếm được việc làm.
Từng ngày vui vẻ
nhẹ nhàng trôi qua, không có ngăn cách, chỉ có tôi và Triết Dã. Nếu tôi không
thể nói, vậy cứ duy trì tình trạng như hiện giờ cũng rất tốt.
Nhưng ông trời không cho
tôi được hạnh phúc.
Triết Dã ngất xỉu
tại công trường, bác sĩ chẩn đoán là ung thư gan thời kì cuối. Tôi đau xót vô
cùng, nhưng vẫn rất bình tĩnh hỏi ông ấy: Chú tôi còn bao nhiêu ngày? Bác
sĩ nói: Một năm, có thể lâu hơn một chút.
Tôi đưa Triết Dã về nhà. Chú phải nằm trên giường, ban ngày
tôi đi làm nên thuê một y tá đến, buổi trưa và buổi tối tôi tự chăm sóc chú.
Triết Dã cười nói:
Xem này, chú phiền quá, đáng lẽ ra lúc này cháu đang đi hẹn hò cùng bạn
trai.
Tôi cũng cười: Bạn trai ạ? Còn cách muôn sông ngàn núi cơ.
Mỗi ngày sau khi ăn tối xong, tôi luôn đi dạo cùng Triết Dã.
Tôi kéo lấy tay chú. Ngoài việc gầy hơn, chú vẫn cao lớn khôi ngô như trước,
trong mắt những người khác đây tất nhiên là một bức tranh gia đình hạnh phúc,
chỉ có tôi thấy được sự thật tàn khốc dưới vỏ bọc xinh đẹp của nó. Tôi đau
thương trong tỉnh táo, tôi rõ ràng thấy được thời gian cuối cùng của tôi và
Triết Dã đang lướt gió bay nhanh.
Triết Dã rất bình
tĩnh, sinh hoạt như thường lệ. Đọc sách, thiết kế bản vẽ. Chú cứ chiếu theo
thời gian mà làm việc, phân nửa ngày đã ngồi trong phòng đọc sách.
Càng ngày tôi càng
thích phòng đọc sách. Sau khi ăn xong tôi luôn pha một ly trà, ngồi xuống đánh
cờ rồi chơi một ván bài tây. Sau đó tôi giúp Triết Dã thu dọn tài liệu. Có một
vật chú không cho tôi đụng vào. Tôi tò mò, rốt cuộc một ngày thừa dịp chú không
có mặt mà đọc lén.
Đó là một quyển
nhật kí rất dày.
“Yêu Yêu mọc hai
cái răng cửa, tan tầm đến đón bé, bé loạng choạng tiến đến muốn tôi ôm.”
“Sinh nhật mười
tuổi của Yêu Yêu, cô bé ước tôi trẻ mãi không già. Tôi rất vui, Tiểu Yêu Yêu,
cô bé đúng là đóa hoa giải ngữ trong cuộc đời tịch mịch của tôi.”
“Hôm nay Yêu Yêu
đến báo danh ở trường đại học, cô bé giành làm mọi thứ, lúc ấy tôi mới phát
hiện cô bé đã trưởng thành, trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, mà tôi đã già đi.
Hy vọng cô bé không phải sống một cuộc đời đau khổ như tôi.”
“Khưu Phi nói cho
tôi biết tình hình gần đây của Diệp Lan, nhưng khi gặp lại cũng không xúc động
như trong tưởng tượng của tôi. Cô ấy già đi rất nhiều, tuy vậy sự tao nhã lúc
còn trẻ vẫn không thay đổi.”
“Yêu Yêu bị viêm
phổi. Lúc hôn mê luôn gọi tên tôi, nhưng khi tỉnh lại thì chỉ biết nhìn tôi
khóc. Tôi kinh hãi, tôi không ngờ việc kết hôn cùng Diệp Lan lại ảnh hưởng sâu
sắc tới cô bé như vậy.”
“Đưa Yêu Yêu từ
trường về, cảm thấy trên lưng lạnh buốt nên cởi áo ra kiểm tra, thế mới phát
hiện ướt cả một mảng lớn. Haiz, đứa nhỏ này.”
“Bác sĩ nói tôi
chỉ sống được một năm nữa. Tôi không sao, nhưng Yêu Yêu chính là chuyện chuyện
tôi lấn cấn. Sau khi tôi chết, làm sao mới có thể cho cô bé một cuộc sống khỏe
mạnh hạnh phúc, đây là vấn đề tôi lo lắng nhất.”
…
Tôi cầm quyển nhật
kí, nước mắt rơi xuống. Thì ra chú biết, thì ra chú biết.
Vài ngày sau cuốn
sổ biến mất. Tôi biết Triết Dã đã xử lý nó. Chú không muốn tôi biết chú biết
tình cảm của tôi, nhưng chú lại không biết tôi đã biết.
Triết Dã ra đi vào
mùa xuân năm thứ hai. Lúc lâm chung, chú nắm tay tôi nói: Vốn muốn giao cháu
cho một người đàn ông tốt, chứng kiến người ấy đeo nhẫn cho cháu, nhưng giờ
không kịp nữa rồi.
Tôi mỉm cười, chú đã quên, nhẫn của tôi là do chú mua vào năm
tôi hai mươi tuổi.
Trong ngăn kéo bàn
học có một lá thư của chú, chỉ có vài câu ngắn gọn: Yêu Yêu, chú đi rồi. Cháu
có thể nghĩ đến chú, nhưng đừng lúc nào cũng nhớ nhung, cháu có thể sống bình
an phẳng lặng mới là niềm an ủi lớn nhất với chú. Chú.
Tôi không khóc đến chết
đi sống lại.
Nửa đêm tỉnh giấc, dường
như tôi còn nghe thấy chú nói: Yêu Yêu, cẩn thận một chút.
Trong lúc quét dọn phòng
đọc sách, tôi phát hiện ra một cái bình đầy bụi ở một ngăn tủ nằm sát góc
phòng, bình này mang phong cách cổ xưa, tôi lấy ra rửa sạch, ngây người, trên
mặt bình không vẽ trang trí gì, chỉ có bốn câu thể chữ Nhan(3):
Quân sinh ta chưa
sinh,
ta sinh quân đã
lão,
hận không sinh
đồng thời,
ngày ngày cùng
quân hảo.(4)
Đến lúc này, nước
mắt của tôi mới lã chã tuôn rơi.
- Hoàn -
Chú thích:
(1) Đào non mơn mởn, hoa
nở tốt tươi: Nguyên văn là ‘Đào chi yêu yêu, chước chước kì hoa’, trích trong
bài thơ dân gian ‘Đào yêu’ của Khổng Tử.
(2) Phù dâu xách váy:
Nguyên văn là ‘hoa đồng’, chỉ mấy cô bé khoảng 4, 5 tuổi xách váy cưới cho cô
dâu và tung hoa đi trước cô dâu chú rể.
(3) Thể chữ Nhan: Thể
chữ của Nhan Châu Khanh thời Đường.
(4) Quân sinh ta chưa
sinh, ta sinh quân đã lão, hận không sinh đồng thời, ngày ngày cùng quân hảo:
Nguyên văn là ‘quân sinh ngã vị sinh, ngã sinh quân dĩ lão. Hận bất sinh đồng
thì, nhật nhật dữ quân hảo’.
Nguồn gốc: Bài thơ vốn là thơ đề trên các đồ sứ thời Đường, có thể là do
người làm gốm sáng tác hoặc là ca dao phổ biến trong dân gian, được khai quật
khoảng năm 1974-1978 trong di chỉ ở Trường Sa, Hồ Nam. Theo quyển hạ của ‘Toàn
Đường thi bổ biên’, cuốn năm mươi sáu ‘Toàn Đường thi tục tập’, thơ năm chữ của
người vô danh, trang 1642, xuất bản tháng 10 năm 1992, toàn thơ là: “Quân sinh
ngã vị sinh, ngã sinh quân dĩ lão. Quân hận ngã sinh trì, ngã hận quân sinh tảo.”
Còn bài thơ ‘Quân sinh ngã vị sinh, ngã sinh quân dĩ lão’ có xuất xứ trên mạng,
có lẽ tác giả muốn biểu đạt tình cảm của mình nên có cải biến so với nguyên
tác. Câu thơ đẹp và đau thương, từ đó được phổ biến trên các trang web.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét