lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Nhà giả kim - Đá tạo vàng và Thuốc trường sinh là không có thật



Tác giả: Paulo Coelho. Dịch giả: Lê Chu Cầu
Thể loại: Truyện cổ tích kiêm triết lý sống
.
“Nếu những gì ta tìm thấy là thật, là vàng ròng thì chúng sẽ không bao giờ hư hao và bất cứ lúc nào ta quay về thì chúng vẫn còn nguyên vẹn đó; còn nếu chúng chỉ là thoáng qua như ánh sao băng thì khi trở về ta sẽ chẳng tìm thấy gì nữa cả. Nhưng dẫu sao cậu cũng đã được sống cái phút thoáng qua ấy và bấy nhiêu đã là quý rồi”.

“Nhà giả kim” của tác giả Paulo Coelho là cuốn sách mình được tặng vào dịp Tết 2016, tính đến nay mình đã đọc ba lần. Hai lần đầu mình thấy nội dung rất hay và cảm động, đến lần ba thì mình hết thấy hay và hết cảm động, nhưng tình cảm của mình dành cho quyển sách này sẽ vẫn còn mãi nên mình muốn viết vài dòng về nó.

Nội dung sách kể về một đoạn đời của chàng trai chăn cừu Santiago ở Tây Ban Nha. Cậu đã không đi theo con đường trở thành linh mục như cha mẹ mong muốn mà quyết định chăn cừu để có dịp đi đây đi đó. Trong bối cảnh truyện, nghề chăn cừu cũng là một nghề chính đáng và có thu nhập ổn định, Santiago kiếm đủ sống, hằng đêm gối đầu lên một quyển sách dày để ngủ và thỉnh thoảng tơ tưởng đến một cô con gái nhà buôn vải. Trong thời gian trú lại một ngôi nhà thờ cổ hoang phế, cậu hai lần nằm mơ thấy kho tàng được chôn ở Kim Tự Tháp bên Ai Cập. Sau khi nhờ một bà Digan giải mộng và tình cờ gặp một ông vua có cách nói năng rất bí hiểm, Santiago quyết định bán đàn cừu, lên đường đi tìm kho tàng ở Ai Cập. Chuyến đi đem đến cho cậu những trải nghiệm chưa từng tưởng tượng nổi, bị cướp, bị đánh, nhưng cũng gặp được những người hết sức tử tế, trong số đó có cả vị hôn thê tương lai của cậu.

Hai lần đầu đọc cuốn này, mình thích nó vì câu “khi anh quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để anh đạt được điều ấy”. Mình thích khái niệm “Tâm Linh Vũ Trụ” đến mức đã tưởng tượng hẳn một hình tượng Tâm Linh Vũ Trụ như một vị thiên thần có mái tóc dài màu bạch kim, sẵn sàng lắng nghe và thỏa mãn mọi nguyện vọng của mình. Nhưng, đến lần thứ ba đọc “Nhà giả kim”, mình chú ý hơn đến “các dấu hiệu”. Phải biết nhận ra các dấu hiệu do vũ trụ gửi đến để biết mình có đang đi lầm đường không. Vậy nếu mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng điều ta đang khao khát là sai lầm hoặc không có khả năng trở thành sự thật thì liệu Tâm Linh Vũ Trụ có chìu theo những mong ước viễn vông đó hay không? Mình nghĩ là không. Mơ tưởng thì màu hồng nhưng thực tế thì màu đen, hầu như luôn là vậy.

Cho nên, thay vì xem quyển sách này như một tập hợp những triết lý sống để noi theo, mình chỉ còn coi nó như một quyển truyện cổ tích mang đậm màu sắc tôn giáo dành cho lứa tuổi dưới 15, đọc để nuôi dưỡng niềm tin ngây thơ và những khát vọng cao đẹp trong cuộc sống. Không phải vì thực tế quá phũ phàng mà ta đành lòng làm ngơ trước mọi lời thì thầm của trái tim, nhưng cũng phải tỉnh táo để hướng trái tim đi theo đường nên đi, tránh để sau này bị thương máu chảy đầm đìa thì khi đó chẳng có băng gạc nào có thể băng bó nổi.

Tuy nhiên, có một đoạn đối thoại mình vẫn sẽ luôn thích trong cuốn “Nhà giả kim”:
“Thế là quá nhiều so với những gì tôi đã làm” – tu sĩ nói.
“Thầy chớ nói thế nữa, kẻo Đời nghe thấy thì lần tới thầy sẽ được ít hơn đấy”.
Tuy biết là “chớ nói thế nữa” nhưng mỗi khi “nhận được quá nhiều so với những gì đã làm” thì lòng mình vẫn rất hân hoan vì cảm nhận được sự ưu ái từ phía đối phương.

Trong cuốn này cũng có nói đến tính cách độc lập mạnh mẽ của người phụ nữ vùng sa mạc. Tình yêu của họ dành cho người đàn ông sa mạc không mang theo sự chiếm hữu, mà họ biết phải để người đàn ông ra đi, rồi ngọn gió sa mạc sẽ mang người ấy quay về. Nếu vì lý do gì đó mà người đàn ông không thể quay về (chiến trận, cướp bóc…) thì người phụ nữ sa mạc sẽ luôn nhìn thấy hình ảnh người yêu quý của mình trong những đám mây, trong những tạo vật của sa mạc, trong dòng nước giếng mát lành của ốc đảo. Đọc đoạn này, mình học được một điều: nếu mình nhớ ai đó mà không thể gặp họ, mình sẽ ngẩng nhìn mây trắng trên trời và coi như đang nhìn thấy họ. Cũng đỡ buồn được một chút!

Chính vì câu quảng cáo “Cuốn sách bán chạy chỉ sau Kinh Thánh” được in trên bìa trước ngay dưới tựa sách khiến nhiều người không thích và không thèm đọc, cho rằng mang nặng tính PR. Khi mình hăm hở đọc “Nhà giả kim” lần đầu không phải vì lời quảng cáo đó, mà vì người đã tặng mình cuốn này khiến mình vui. Cuốn sách này được dịch từ bản tiếng Đức kèm đối chiếu với bản tiếng Anh, mình thích lời lẽ dân dã như một câu chuyện dân gian của truyện này khi được dịch sang tiếng Việt. Bìa sách thật sự chói mắt, nếu có tái bản thì mình mong bìa sẽ theo phong cách màu nước, vẽ một chàng trai mặc áo choàng kiểu Á Rập màu xanh dương đứng nhìn Kim Tự Tháp dưới bầu trời màu vàng cam (trong một lớp hội họa có người đã vẽ như vậy rồi). Tuy không còn tin vào sự ủng hộ tuyệt đối của Tâm Linh Vũ Trụ nữa nhưng mình vẫn sẽ luôn cho rằng “Nhà giả kim” là một quyển sách rất đáng đọc.

(Sea, 4-4-2020)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét