lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Thác Lũ - Flood Tide



Tác giả: Clive Cussler. Dịch giả: Phạm Đăng Phụng
Thể loại: Trinh thám Mỹ. Mức độ yêu thích: 22/10
Đánh giá ngắn gọn: Tuyệt phẩm
.
.
“Trong số những con sông lớn của thế giới, sông Nile có một sức quyến rũ thật lãng mạn từ thuở quá khứ xa xôi, sông Amazon gợi lên những hình ảnh phiêu lưu và hiểm nghèo, trong lúc sông Dương Tử ôm ấp linh hồn đầy ắp bí ẩn của người phương Đông. Nhưng chính dòng sông Mississippi mới thực sự gợi óc tưởng tượng của con người”.

Cách đây ít lâu, tôi tình cờ nhìn thấy hình bìa cuốn “Băng cháy” của tác giả Clive Cussler trên hội trinh thám. Bìa sách đó đã quyến rũ tôi, nhưng tôi không tìm được cả sách giấy lẫn ebook, thay vào đó tôi tìm được ebook cuốn “Thác lũ” cũng của Clive Cussler. Với sự tò mò muốn thử đọc truyện của một tác giả lạ, tôi dè dặt ngó vào vài dòng của cuốn “Thác lũ” và lập tức bị trói chặt vào nó suốt gần mười ngày. Tuy bây giờ mới tháng 4-2020 nhưng tôi không do dự cho rằng đây là cuốn sách trinh thám hay nhất mình đọc được trong năm nay (nếu trong năm nay tôi đọc thêm quyển nào khác của Clive Cussler thì không chừng tôi xếp hạng hai cuốn hay bằng nhau)!

Ngay chương đầu, người đọc được tác giả đưa đến dự đám tang của một Công Chúa. Nàng chết đuối, sau cuộc đời oanh liệt cống hiến hết sức mình vì người khác, nàng cố gắng vùng vẫy chiến đấu với luồng gió dữ tợn và những đợt sóng cao 10m, để rồi trút hơi thở cuối cùng và được xây mộ phần dưới đáy nước sâu. Chương tiếp theo là cảnh cô gái Trung Hoa Ling Tai đã trả 30,000USD cho chuyến đi nhập cư bất hợp pháp sang Mỹ trên chiếc tàu Indigo Star. Cô và mấy trăm người nhập cư bất hợp pháp khác đã rơi vào đường dây buôn người của tập đoàn Hàng hải Qin Shang. Thay vì bình yên đến Mỹ, họ bị bỏ đói khát, bị tra tấn để đòi thêm tiền, và bị quẳng xuống biển chẳng khác gì cỏ rác. Sau mấy chục trang, nhân vật chính Dirk Pitt mới xuất hiện. Anh là Giám đốc các Dự án Đặc biệt của NUMA – Cơ quan Hàng hải và Hoạt động dưới nước Quốc gia, thuê một ngôi nhà ven hồ Orion để nghỉ ngơi sau chuyến công tác – điệp vụ đầy bão táp đã khiến anh bị thương không nhẹ. Tưởng rằng sẽ bình yên trải qua kỳ nghỉ dưỡng êm đềm, ngay đêm đầu tiên, anh đã phát hiện một cơ ngơi đáng ngờ bên bờ hồ Orion và quyết định dùng những kỹ năng hàng hải thượng thừa của mình để điều tra. Trùng hợp làm sao, cơ ngơi đáng ngờ ấy lại chính là một trong hàng chục điểm tập kết người nhập cư bất hợp pháp của Tập đoàn Qin Shang.

Nếu ví nội dung cuốn “Thác lũ” như một thác lũ thì phần tóm tắt trên của tôi chỉ mới là vài ngọn sóng bạc đầu, không thể diễn tả hết nội dung hoành tráng và đặc sắc của quyển sách này, nhưng tôi không thể kể nhiều hơn để khỏi tiết lộ những diễn biến bất ngờ của truyện. Là một người yêu thích vô cớ các vùng biển và đại dương, tôi rất vui – gần như hạnh phúc – khi tìm đọc được một quyển trinh thám hấp dẫn vừa có bối cảnh đại dương vừa thường xuyên đề cập đến các loại tàu thuyền, máy bay, vận tốc gió và cường độ sóng nước. Diễn biến truyện như một bộ phim hành động phiêu lưu mạo hiểm mà mỗi lần chuyển cảnh đều đem đến những cảm hứng mới mẻ và lôi cuốn cho độc giả, khiến không thể bỏ sách xuống được (unputdownable). Không hề nói thậm xưng, ngay từ những dòng đầu tôi đã nhận thấy văn phong của Clive Cussler rất hợp với mình, và tôi vui vẻ để “Thác lũ” nhấn chìm mình trong những đợt sóng từ ngữ của nó từ những dòng đầu tiên đến những chữ cuối cùng.

“Nước rơi xuống như những dòng thác từ thân máy bay và phao nổi khi toán thủy thủ tuần dương điều khiển những sợi dây kéo chiếc máy bay vào đúng vị trí thích hợp. Khi công việc hoàn tất, cần trục hạ thấp chiếc máy bay xuống một bãi đáp trên boong ở đuôi tàu cạnh một bãi đáp khác dành cho trực thăng của tàu”.

Truyện rất dài với nhiều chi tiết được miêu tả kỹ nhưng không hề khiến người đọc bị rối. Những đoạn viết về tàu thuyền – máy bay khiến tôi đôi lúc phải đọc lại ba lần (vì nhiều từ ngữ chuyên môn) nhưng vẫn có thể hiểu, có thể hình dung và nhớ rõ những gì đã đọc, để theo kịp diễn biến truyện và ngưỡng mộ sự xuất sắc của truyện. Qua ngòi bút của Clive Cussler, những cỗ máy cơ khí khô khan như được thổi hồn vào, biết nỗ lực để làm hài lòng các vị chủ nhân của chúng.
“Như thể nó cũng có một bộ óc và một trái tim, chiếc xe cố đáp ứng với sự bùng nổ của một lực gia tốc, nhấc mũi xe lên, cản trước đầu xe ló lên khỏi mép ao, rồi những lốp xe lăn trên vách ao cho đến khi chúng vọt qua bên trên mép ao, lọt vào trên mặt đất bằng phẳng”.

Tôi cho rằng cuốn sách này đạt tiêu chuẩn giải trí dành cho các mọt trinh thám thích thể loại phiêu lưu mạo hiểm xen kẽ kiến thức khoa học thường thức (như truyện của Dan Brown hoặc Jeffery Deaver). Sau khi đọc “Thác lũ”, tôi kết luận mình thích truyện của Clive Cussler hơn cả truyện của Dan Brown và Deaver. Vấn nạn buôn người và nhập cư bất hợp pháp trong cuốn này khiến tôi nhớ đến cuốn “The Stone Monkey” nhưng trong “Thác lũ” thì nó được đề cập ở tầm vóc vĩ mô hơn và mức độ vô nhân tính tàn bạo hơn. Hình dung về cảnh giết người hàng loạt được miêu tả trong truyện khiến tôi sợ không dám ngủ.

Trước giờ, nhân vật trinh thám ưa thích nhất của tôi là Jack Reacher trong các tác phẩm của Lee Child, nhưng giờ đọc đến Clive Cussler thì tôi có thêm một nhân vật ưa thích là Dirk Pitt. Có cả một đoạn dài vô cùng chính xác do một nhân vật phụ “xem tướng đoán tính cách” của Dirk Pitt nhưng tôi không gõ lại vào review. Pitt thuộc loại siêu anh hùng có thể làm mọi việc, vượt qua mọi thử thách, thoát chết trong những tình huống không tưởng tượng nổi, và không có anh thì thảm họa giết chết hàng triệu người sẽ xảy ra. Vừa còn sống thoát khỏi một vụ nổ dữ dội dưới nước nhưng Pitt vẫn có thể kể lại một đoạn (dài hơn nửa trang) về chiến công của mình trong lúc vẫn đang ngâm mình trong nước, máu chảy ra từ mũi và nội tạng thì bị chấn thương! Khi đã tiếp xúc với Pitt, phụ nữ cảm nhận một sự rung động không thể cưỡng lại và lao vào anh như lao vào chocolate, thế mà tôi chẳng thấy ghen tỵ gì cả và vẫn thích anh, thậm chí xếp anh ngang hàng với Jack Reacher!

“Pitt không thể tin anh đang tự giết mình để cứu một con chó mà anh nghĩ sẽ bị lũ ruồi tse-tse hút máu tha hồ cắn xé vì chứng bệnh ngủ kinh niên của nó”.
>> một người đàn ông yêu động vật như thế này thì bản thân anh ta cũng đáng yêu!

Không thể quên kể đến nữ chính Julia Marie Lee, cô gái người Mỹ gốc Hoa với công việc nhân viên điều tra đặc biệt của Cục Nhập cư Mỹ. Cô thuộc loại phụ nữ hầu hết đàn ông sẽ muốn cưới làm vợ: xinh đẹp, vô cùng dũng cảm, vừa đảm đang việc nhà vừa lịch thiệp chuyên nghiệp ngoài XH. Tuy đủ gan lì để một mình thâm nhập vào hang ổ bọn buôn người nhưng bên cạnh Dirk Pitt, cô vẫn không đánh mất nữ tính mềm mại của mình. Tôi thích cô và muốn trở nên giống cô.

Để review thêm dài (làm như chưa đủ dài vậy), tôi sẽ viết một chút về tác giả Clive Cussler. Khi còn niên thiếu, Clive Cussler “thường cùng bạn bè tham gia những cuộc phiêu lưu tưởng tượng trên những cánh đồng gần nhà. Sau khi tốt nghiệp ĐH, ông xin làm thợ bảo dưỡng máy bay cho lực lượng Hàng không Mỹ trong suốt cuộc chiến với Triều Tiên”, có lẽ vì vậy mà ông có kiến thức bao la và chính xác về máy bay cũng như tàu biển. “Ông là nhà văn, nhà thám hiểm người Mỹ, say mê khám phá đại dương và tìm kiếm những xác tàu đắm lịch sử. Ông là người sáng lập và đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận National Underwater and Marine Agency (NUMA).” Clive Cussler đã qua đời vào tháng 2 năm 2020 ở tuổi 88. ____ Truyện có một chi tiết rất thú vị khi tác giả lấy tên mình đặt cho một nhân vật phụ thuộc phe chính diện. Thật là dễ thương. Hầu hết các nhân vật phụ và cả nhân vật phản diện đều được khắc họa rõ nét nhưng vẫn không khiến các nhân vật chính bị lu mờ. Tôi đặc biệt thích Đô đốc Sandecker (một người lãnh đạo tràn đầy tư chất lãnh đạo) và thuyền trưởng Cabrillo, những nam nhân xuất chúng như thế ngoài đời thực sẽ được nhiều phụ nữ say mê, thế nhưng họ là những người “đàn ông độc thân chỉ có một cô nhân tình là biển cả”.

Dường như truyện “Thác lũ” diễn ra trong bối cảnh chưa có ĐT thông minh nối mạng Internet, nếu không thì một số chi tiết trong truyện sẽ trở nên vô lý. Ngoài ra, những pha thoát thân của nam chính cứ như được thần tiên phù hộ (hay tác giả phù hộ?). Nhưng dù sao thì tôi cũng vẫn mê mẩn văn phong của Clive Cussler. Lần đầu tôi rơi nước mắt khi đọc về cái chết oanh liệt của một chiếc tàu khổng lồ, dài gấp 10 lần và bề ngang gấp 15 lần ngôi nhà của tôi. Tôi cũng xúc động trước hình ảnh người đã lèo lái chiếc tàu đó trong giây phút nó kết thúc cuộc đời. Vốn là một người bị say xe / say sóng và chỉ cảm thấy an toàn khi đặt chân trên mặt đất, nhưng khi đọc cuốn này tôi hình thành một mong muốn cháy bỏng là được tận mắt nhìn thấy / đặt chân lên những chiếc tàu khổng lồ, nhìn ngắm đại dương trải ra mênh mông trước mắt để nhận thấy mình nhỏ bé đến mức nào. Đoạn kết của “Thác lũ” có liên quan rõ rệt đến đoạn đầu, lại khiến tôi cảm động và lần thứ hai rơi lệ khi đọc.

Sau vô số những cuốn sách được dịch tiếng Việt tôi đã đọc qua, “Thác lũ” là cuốn được dịch hay nhất tôi từng gặp, cuốn thứ nhì là “Đại dương biển” của Alessandro Baricco. Tôi chưa đọc nguyên tác nào của tác giả Clive Cussler, nhưng có cảm tưởng dịch giả của cuốn “Thác lũ” đã vừa chuyển ngữ một cách vô cùng chuyên nghiệp vừa đưa vào tác phẩm văn phong riêng của ông. Có những câu văn dài như cả đoạn, đầy những chủ ngữ vị ngữ trạng từ và còn ghép câu nhưng đọc vẫn rất mượt và dễ hiểu. Tôi đọc và lâu lâu phải thốt lên rằng “trời ơi dịch hay quá”! Có những quyển sách khiến tôi cảm tưởng như nó được sinh ra dành riêng cho tôi, “Thác lũ” chính là một quyển sách như vậy.

(Sea, 2-4-2020)

[Những dòng trong ngoặc kép về lai lịch của Clive Cussler được Biển tìm thấy từ website sachkhaitam và từ một bài viết trên báo nld.com.vn]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét