lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Học ăn học nấu, thẩm thấu yêu thương


Tác giả: Seigaku. Dịch giả: Hương Linh
Thể loại: Kể chuyện dùng bữa trong Thiền viện
.
.
Khi nhìn thấy bìa cuốn sách này và đọc được bài cảm nhận ngắn về nó, tôi biết ngay mình nhất định phải mua nó. “Học ăn học nấu, thẩm thấu yêu thương” không phải một cuốn sách dạy nấu ăn (dù trong sách có vài công thức nấu ăn), nội dung sách là lời kể của Thiền sư Seigaku về “nghi thức dùng bữa” trong Thiền viện Eihei (Nhật Bản). Hầu như phần quan trọng nhất trong sách là kể chuyện ăn uống của các tăng lữ trong Thiền viện, qua đó nêu lên những bài học cuộc sống, những triết lý sống mà tác giả đã giác ngộ được. Nghe có vẻ rất kỳ lạ, chuyện ăn uống phàm tục lại kết hợp với đời sống tu Thiền thanh cao thoát tục, nhưng qua quyển sách này độc giả sẽ nhận ra và hiểu rõ mối liên kết khít khao và kỳ diệu giữa hai việc này.

Thiền viện Eihei do Thiền sư Dogen thành lập năm 1246, đến thời của tác giả Seigaku thì đã trải qua 700 năm. Mọi cách thức sinh hoạt (đương nhiên kể cả việc nấu + ăn) đều đã được duy trì suốt bảy thế kỷ, chỉ có vài thay đổi nhỏ cho phù hợp với thời đại như thay vì ăn bằng tay thì chuyển sang dùng muỗng đũa. Thiền viện nằm trên núi, các tăng lữ đều không có đồng hồ, mọi sinh hoạt đều dựa vào âm thanh như tiếng chuông chùa, âm thanh đánh vào tấm đồng hình áng mây, chiếc trống trang trí hình con cá, chiếc trống trang trí vân mây khổ lớn… Âm thanh của tấm đồng hình áng mây là tín hiệu báo đã đến giờ ăn.

Khác với hình dung của chúng ta khi xem các bộ phim TQ, Thiền viện ở Nhật không có nhà ăn đầy bàn ghế với cảnh ồn ào náo nhiệt và tràn ngập hương vị kích thích bao tử. Đến giờ ăn, các tăng lữ tập trung tại “Tọa thiền đường”, còn gọi là tăng đường, cũng chính là nơi ngủ nghỉ của họ. Vâng, họ ngồi ăn ngay trên chính chiếc giường của mình, lúc ngủ thì nằm trên một tấm chiếu tatami, lúc ngồi ăn thì ngồi kiểu tọa thiền (tức là quỳ) trên nửa tấm chiếu tatami. Trong lúc chờ đợi các jounin (sư thầy phụ trách dọn dẹp, nấu nướng, phân phát đồ ăn) đem thức ăn đến, các tăng lữ sẽ bình tĩnh ngồi thiền. Trước – trong – sau khi ăn, cả tăng lữ và jounin đều đọc khá nhiều bài kệ và thực hiện nhiều nghi thức cúi chào, cúi lạy, cúi đầu cảm ơn…
“Muỗng cơm thứ nhất vừa ăn
Nguyện cho tất cả ác nhân không còn
Muỗng hai xin nguyện với lòng
Giúp người tu thiện, tâm đồng thái hư
Muỗng ba thực hiện tâm từ
Dắt dìu muôn loại cùng tu đạo mầu”.

Bộ dụng cụ dùng bữa của các tăng lữ thường được bọc trong tay nải (cũng là tấm vải sẽ trải trên giường khi dùng bữa) và được treo ngay đầu giường hoặc đặt trong hộc tủ đầu giường chung với các vật dụng cá nhân. Bộ dụng cụ dùng bữa gồm bộ bát lồng nhau (ba cái từ lớn đến nhỏ), tấm lụa để trải (cũng là tay nải để gói lại), tấm vải kê bát, tấm ngăn thấm nước, khăn lau, thanh lau bát, túi đựng muỗng đũa và muỗng đũa. Các tăng lữ sẽ tự sắp xếp bộ dụng cụ này theo thứ tự quy định, mấy trăm người đều sắp xếp đúng theo trật tự giống hệt nhau. Jounin chỉ làm việc tại nhà bếp và phân phát thức ăn chứ không có nhiệm vụ dọn bàn và rửa chén. Bữa sáng gồm cháo và muối mè, bữa trưa gồm cơm, một món canh, một món rau. Bữa tối gồm cơm và món rau giống bữa trưa (làm một lần ăn cả ngày). Ngày nào cũng như ngày nấy suốt cuộc đời tăng lữ. Tuy trong “Điển tọa giáo huấn” của Thiền sư Dogen không có dòng nào ghi là “Không được sử dụng thịt cá” nhưng các bữa ăn tại Thiền viện đều không dùng động vật.

“Món ăn chay không phải là những món ăn không sử dụng đến thịt, mà là món ăn được tạo ra bởi một trái tim đầy từ bi và ngập tràn tấm lòng khoan dung. Khoan dung là thừa nhận sự thật rằng, tất cả mọi sự trên thế gian này đều tồn tại bằng cách hỗ trợ và lệ thuộc lẫn nhau. Đừng phân biệt nguyên liệu nấu ăn, hãy cùng cố gắng hết mình để tạo ra những món ăn thật ngon lành, làm thỏa mãn trái tim và tâm hồn của những người sẽ ăn món ăn do mình làm nên”.

Khi các tăng lữ ăn xong, jounin sẽ đem nước trà đến để các tăng lữ tự rửa bát bằng thanh rửa bát (là thanh gỗ được quấn vải một đầu), nước trà rửa bát xong sẽ được…uống luôn. Tiếp theo, jounin đem nước nóng đến để rửa bát lần hai, nước nóng này dùng xong sẽ được đổ lại vào xô và mang ra đổ trả lại cho sông suối, không hề lãng phí một giọt nước nào. Bằng cách dùng nước trà và nước nóng để rửa bát, Thiền viện giảm bớt lượng hóa chất cần dùng. Sau khi các tăng lữ ăn xong, gạo sống được đem ra rải trên một tảng đá để chim muông cũng được dùng bữa như con người. Đọc đến chi tiết đó, tôi thắc mắc không biết Thiền viện có nuôi chó mèo không.

Đọc cuốn sách này, có thể nhiều người sẽ cho rằng “nghi thức dùng bữa” của Thiền viện là quá nhiêu khê rắc rối, người bình thường không thể làm theo, đang đói muốn chết mà còn phải quỳ cầu nguyện và cúi lạy chín lần để cảm ơn cho bữa ăn ít ỏi mình nhận được vân vân… nhưng tôi nghĩ mình đã hiểu được phần nào nguyện vọng của tác giả Seigaku khi truyền đạt lại nghi thức dùng bữa này trong một quyển sách. Nguyện vọng ấy đã được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách đến nỗi tôi chắc chắn sẽ nhớ lâu đến mấy mươi năm nữa:
“Cho dù chỉ là việc nhỏ và đơn giản đi nữa, chỉ cần thay đổi cách nhìn dành cho việc dùng bữa, thế giới trước mắt mà bạn vẫn cảm thấy dường như nó quá rộng lớn và đầy rẫy những khó khăn, sẽ thay đổi hoàn toàn”.

Tôi cho rằng ý chính mà tác giả muốn nói là mong mọi người ăn uống chậm rãi với lòng trân trọng và biết ơn. Biết ơn đến cả cái chén gỗ, cái giẻ lau bàn sau khi ăn, cái thùng rác trong bếp (thùng rác được các tăng lữ gọi là “chiếc hộp bảo vệ cái đẹp”); biết ơn những người mình không biết mặt đã nuôi trồng nên thực phẩm trên bàn ăn của mình, biết ơn những người đã đi chợ, nấu và dọn cho mình những bữa ăn nóng sốt đầy đủ dinh dưỡng… Khi tràn ngập lòng biết ơn và tận hưởng những điều tưởng như bình thường nhất, tâm của ta sẽ tìm được chút an yên giữa cuộc đời giông bão này.

Vốn là một người thích nấu ăn, tôi nhận ra từ lâu mình đã thực hiện khoảng 70% những điều được viết trong sách, giờ đọc xong và cố gắng làm theo 30% còn lại thì chắc chứng bệnh OCD của tôi sẽ càng trầm trọng. Thế nhưng, tác giả Seigaku nói rằng sắp xếp vật dụng trật tự sẽ chứng tỏ một tâm hồn thanh tịnh không rối loạn, cho nên tôi sẽ ráng giữ mọi thứ sạch sẽ tinh tươm, để trái tim tôi luôn được thanh khiết.

“Học ăn học nấu, thẩm thấu yêu thương” không phải là một trong những cuốn sách hay nhất tôi từng đọc, cũng không phải một trong những cuốn sách tôi thích nhất, nhưng nó sẽ được xếp vào một trong những cuốn đã bước vào đời tôi đúng thời điểm nhất, lúc tôi cần nó nhất. Cuốn sách này giống như một vị Thiền sư xa lạ với ánh mắt nhân từ thấu hiểu đã đến bên cạnh và cho tôi những lời ủi an khi tôi cảm thấy trống rỗng (trống rỗng như lúc Santiago biết Kim Tự Tháp nằm cách cậu mấy ngàn km sa mạc). Cuốn sách nhỏ chỉ có 220 trang nhưng bìa cứng và có sợi dây đỏ đánh dấu trang, bên trong có những nét vẽ minh họa dễ thương và dễ hiểu của Kikue Tamura. Tôi nghĩ “nghi thức dùng bữa” này cũng giống như tu thiền, ta có thể thực hành suốt nhiều năm tháng nhưng vẫn thấy không có gì thay đổi, nhưng trong lúc ta không hay biết, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực đã thấm sâu vào bản chất của ta, đến một lúc nào đó khi ta giác ngộ, thì ta đã hoàn toàn thoát khỏi những điều cũ kỹ buồn phiền và trở thành một phiên bản mới tốt hơn, biết cách hài lòng và tha thứ cho chính mình.

“Hãy sống như thế nào mà mỗi hành động trong ngày của chúng ta đều là những hành động của yêu thương”. (Thích Nhất Hạnh)

(Sea, 9-4-2020)
https://www.youtube.com/watch?v=P_F-7x3UbEM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét