lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Review lần 2: Ma Đạo Tổ Sư



Review lần 2 + Phát biểu cảm nghĩ
Tác giả: Mặc Hương Đồng Khứu. Editor: Carmen
Link review lần 1 (không spoil):

CẢNH BÁO: Đây là bài phát biểu cảm nghĩ kiêm review lần 2, viết để bộc bạch cảm xúc của bản thân. Bạn nào đã đọc toàn bộ Ma Đạo Tổ Sư kể cả phiên ngoại thì có thể đọc bài viết này, còn nếu chưa đọc hết truyện thì xin KHÔNG đọc bài này, nếu vẫn thích đọc và vô tình bị spoil truyện thì đừng trách Biển.

Đây là bộ đam mỹ đầu tiên Biển đọc lại lần 2 trong vòng chưa đầy 2 tháng, đọc rất kỹ, cảm xúc tràn đầy, trong lúc đọc thì nghĩ chắc chắn mình sẽ viết thêm 1 bài tản mạn cho truyện này. Tuy đã đọc nhiều bộ đam mỹ khá hay nhưng chưa có bộ nào gây ấn tượng sâu sắc cho Biển như MĐTS, từ cách khắc họa nhân vật đến cách xây dựng tình tiết truyện, từ chính truyện đến phiên ngoại đều có sự lôi cuốn riêng… Xét theo lượng thông tin, hình ảnh, fanmade video clips… về MĐTS tìm được trên mạng (tra cứu bằng tiếng Việt chứ chưa nói đến tiếng Trung) thì Biển cho rằng bộ truyện này có lượng fan rất đông đảo. Biển vốn không hâm mộ ai / điều gì nên không tự xưng mình là fan của MĐTS, nhưng bộ truyện này thật sự đã chiếm được 130% sự yêu thích của Biển, chắc chắn Biển sẽ luôn nhớ đến nó, nhanh thì khoảng chục năm, lâu thì cả đời. Hiện đã xem và tải về hết 15 tập hoạt hình của season 1, nghe nói năm 2019 bộ phim Trần Tình Lệnh (chuyển thể từ MĐTS) sẽ được công chiếu, có lẽ Biển sẽ tải luôn mấy chục tập phim đó về, dù thật sự lo ngại rằng phim sẽ gạt bỏ hoàn toàn yếu tố đam mỹ và sửa kịch bản đến mức thảm thương luôn.

NGỤY VÔ TIỆN: Đến giờ Biển cũng chưa hiểu Vô Tiện tiếng Hán nghĩa là gì, chắc không phải Tiện trong “tiện lợi” đâu nhỉ. Bạn thụ này có bản tính rất nhây, hay nói đùa khiến người khác đỏ mặt, Biển vừa ghét vừa thích cái tính đó của bạn ấy. Tuy Ngụy Anh là thụ nhưng thời trẻ cũng hay tán tỉnh nữ nhi, khi cần thì cũng rất ngầu, trong hiểm cảnh lộ rõ tư chất lãnh đạo, là người luôn đứng ra lãnh lấy những việc nặng nhọc đau đớn nguy hiểm để vạch lối thoát cho người khác. Kiểu gì thì bạn ấy cũng là ma đạo tổ sư cơ mà. Ngụy Anh cùng Giang Trừng được xưng Vân Mộng Song Kiệt, nhưng (chắc vì Ngụy Anh là nhân vật chính nên) Biển thấy bạn ấy thật sự là 1 trang tuấn kiệt đầy đủ nhân – trí – dũng. Tác giả không ca tụng ngoại hình quá nhiều nhưng qua vài ba câu chữ thì người đọc cũng hình dung được Ngụy Vô Tiện phong độ ngút trời, anh tuấn tiêu sái đáng mơ ước, nếu không có Lam Vong Cơ thì bạn Ngụy Anh cũng đầy chất công đó nha. Biển nghĩ bạn ấy là bi-sex, nhưng vì tác giả định sẵn bạn ấy là “vợ” của Lam Trạm nên đành ngoan ngoãn mà làm thụ *hahaha*

LAM VONG CƠ: Vừa “nhã” lại vừa “chính”, fan của Lam nhị ca ca chắc trải rộng khắp chúng sinh lục giới luôn. Biển rất thích tính cách ít nói của bạn này, lúc nào cũng bình tĩnh hữu lễ nhưng nội tâm thì như sóng thần biển sâu. Sức mạnh kinh hồn của Lam Trạm cũng là một trong những yếu tố khiến nữ nhân thiên hạ phải khao khát, chậc chậc. Trong review 1, Biển có nói đến cảnh Lam nhị ca ca dùng 1 tay nâng quan tài rồi quấn dây của 7 cây đàn xung quanh để phong ấn hung thi bên trong, cam đoan là Biển sẽ còn ấn tượng dài lâu với cảnh tượng đó. Đọc xong mấy cái phiên ngoại thì Biển nhìn Lam Trạm bằng ánh mắt khác hẳn (khác như thế nào thì Biển ko nói đâu ;) ). Bên cạnh Lam Vong Cơ thì mấy nam chính ngôn tình khác (như Lý Thư Bạch, Cảnh Dung, Bạc Cận Ngôn, Bạch Tử Họa…) không thể sánh nổi với Lam nhị ca ca. Mà Lam nhị ca ca nấu ăn còn ngon hơn Biển nấu nữa, ôi ôi ôi. Nào giờ Biển không thích hình tượng nam chính hoàn mỹ (vì xạo lắm) nhưng thật không thể không lọt hố trước vị tổng công này, sau khi đọc xong phiên ngoại “Vân Mộng” thì cảm thấy cả người ngọt lịm, chính thức lọt hố sâu 2 trượng luôn!

Có lần Biển đọc trên mạng, có người cho ý kiến rằng bộ MĐTS rất ngược tâm, nhưng cá nhân Biển thấy rằng bộ này sủng nhiều hơn ngược (hay vì ngưỡng chịu đựng của Biển đã tăng lên nên đọc không cảm thấy ngược). Đọc đến đoạn Ôn Ninh trao kiếm Tùy Tiện cho Giang Trừng, Ngụy Anh bên cạnh ngẫm nghĩ lại những gì mình đã trải qua, “ở trong lòng nửa thật nửa giả ca ngợi mình một chút”, đoạn này khiến Biển gần như rơi lệ. Tình nghĩa và lòng trung thành của Ngụy Anh dành cho Giang Trừng, dành cho Vân Mộng Giang thị quả thật hiếm có trên đời.

Đồng ý rằng Ngụy Vô Tiện có cả một quãng đời tuổi trẻ đau khổ không tả xiết, địa ngục nào cũng trải qua, tính ra mất mười mấy năm cuộc đời mới đánh tan toàn bộ mưa gió, hạnh phúc yên ổn bên Lam Vong Cơ, nhưng ngẫm kỹ lại thì từ năm 16;17 tuổi, hắn đã chiếm được sự chú ý và tình cảm của Lam Trạm, nụ hôn đầu tiên cũng trao cho Lam Trạm. Trải qua bao nhiêu máu lửa, tình cảm của Lam Trạm dành cho Ngụy Anh càng ngày càng sâu, thân tu chính đạo mà toàn tâm toàn ý chung tình với 1 người đã sa vào ma đạo, không oán trách, không hối tiếc, vì không chịu nổi nhớ nhung mà uống rượu mà người kia từng uống, nhận lấy hết những thương tổn người kia từng nhận. Được Lam Trạm dành cho một tình yêu khắc cốt ghi tâm như vậy, Biển cho rằng cũng xứng để đánh đổi tất cả những gì Ngụy Anh phải trải qua.

Chi tiết ngược tâm mà Biển cảm nhận trong MĐTS là quan hệ giữa các nhân vật Hiểu Tinh Trần – Tống Tử Sâm – Tiết Dương. Biển đồng tình với 1 ý kiến trên wattpad cho rằng Hiểu Tinh Trần tu đạo tiên, xuống núi hành hiệp, bản chất thiện lương giàu tình nghĩa nhưng vì kinh nghiệm giang hồ không nhiều nên mới lâm vào kết cuộc thê thảm, bị lừa đến nỗi tự tay giết chết bạn lữ, bản thân thì đau lòng tự sát, hồn phách tan biến không thể phục hồi, trăm năm sau không biết liệu có đầu thai nổi và tái ngộ Tống Tử Sâm hay không. Đọc truyện lần đầu thì Biển chưa cảm được nhưng đến lần 2 thì Biển thật sự ngậm ngùi với số mệnh của Hiểu Tinh Trần, mới thấy trần gian này chưa chắc ở hiền thì sẽ gặp lành, lúc nào cũng vậy, người tốt vẫn gặp nạn và kẻ xấu vẫn phây phây hại tiếp những người tốt khác. Cho nên Biển rất ghét thể loại trinh thám đen! ____ Trên wattpad có nick Tekamo13 viết 1 đoạn rất hay về Tiết Dương: “Trong cuộc sống không có sai lầm nào lớn hơn việc cho phép bản thân mình được quyền vấp ngã và đổ thừa cho hoàn cảnh. Hoàn cảnh không bao giờ là nguyên nhân cho những hành động tiêu cực hay sai trái mà nó chỉ là lý do cho những kẻ không có ý chí với tâm hồn hẹp hòi vịn vào để tự bào chữa cho mình mà thôi”.

Về cách xếp thứ tự chương và cách xếp kết cấu truyện của tác giả, đọc lần 1 thì hơi khó hiểu chút nhưng khi đã biết cách thì có thể chọn phần truyện tùy ý để đọc. Biển mạn phép hệ thống lại tương đối như sau:
Chương 1~12: Cảnh hiện tại
Chương 13 ~ 18: Quá khứ
Chương 19 ~ 50: Hiện tại
Chương 51 ~ 55: Đồ Lục Huyền Vũ
Chương 56 ~ 60: Kỳ sơn Ôn thị
Chương 61 ~ 62: 3 tháng sau Loạn Táng Cương, quá khứ
Chương 63 ~ 68: Hiện tại
Chương 69 ~ 78: Quá khứ
Chương 79 ~ 113: Hiện tại
Chương 114 ~ 124: Các phiên ngoại
Trong lúc làm mục lục này thì chợt nghĩ chắc sẽ sớm đọc lại Ma Đạo Tổ Sư lần thứ 3, hoặc có lẽ đọc N lần nữa đến khi nào có thể nhớ được cốt truyện. Trước giờ chưa từng có bộ truyện nào khiến Biển muốn nhớ kỹ cốt truyện như bộ này, liệu tư tưởng có ấu trĩ quá không nhỉ..

Không thể không nói 1 chút về phiên ngoại “Lư hương”. Chời ơi, Biển đã đọc nhiều bộ đam mỹ có H rất nặng đô nha, nhưng cái phiên ngoại Lư Hương này quả thật khiến người ta “máu mũi đầm đìa”, đấy là trong trường hợp mũi có máu *haha* . Biển đọc phiên ngoại này trong một buổi tối ngủ không được, mở ĐT đọc trong bóng đêm, không hiểu sao chỉ có 2 chương mà đọc gần 1 tiếng rưỡi mới xong, mà đọc nhanh chứ không phải focus on từng chữ để thưởng thức đâu. Có lẽ để bù lại cho 100 chương chính truyện không có H nên cái phiên ngoại này thật sự khủng khiếp (terrific), S&M đủ hết. Đọc mới thấy bạn Ngụy Anh thật sự là thụ, thụ đứt đuôi luôn, thụ từ nhỏ đến lớn, thụ trong từng hơi thở. Bất cứ trong hoàn cảnh nào thì Ngụy Anh cũng rất NGOAN (phải viết hoa mới diễn tả đủ cái sự ngoan) và vô cùng kính yêu Lam Trạm. “Kính yêu” ở đây là vừa yêu thương vừa trân quý, xem trọng người ta hơn cả tính mạng mình, sủng lên tận trời. ____ Còn Lam Vong Cơ trong phiên ngoại này thì quá khác biệt so với trong chính truyện, vẻ ngoài lãnh tỉnh che giấu một nội tâm DỮ DỘI, che giấu tình cảm mãnh liệt và ham muốn nồng nàn đối với Ngụy Anh, thậm chí từ khi cả hai còn nhỏ tuổi.

Lại nói 1 chút về tác giả, Biển đoán Mặc Hương Đồng Khứu phải là 1 đại tỷ trên 30 tuổi, mới có bút lực kinh người và am hiểu tâm lý như thế, không chỉ tâm lý nhân vật trong truyện mà còn cả tâm lý độc giả. Ngay trong những đoạn đang đau lòng rơi lệ thì tác giả chen vào 1 câu khiến Biển lăn ra cười. Cả phần chính truyện chắc là ngược đãi nhân vật chính quá nhiều nên phiên ngoại được nêm thêm bao nhiêu là mật ngọt, đọc mà cười không khép miệng được! Khiến độc giả mãn nguyện thì tác giả đã thành công phần lớn rồi. Ngoài ra, trong truyện thỉnh thoảng được đưa vào những câu triết lý rất hay, thí dụ như “Con phải nhớ chuyện tốt người khác làm cho con, chứ đừng nhớ chuyện tốt con làm cho người khác”. Nói về phân tích tâm lý nhân vật và các bài học đối nhân xử thế thì bộ “Đế Vương Công Lược” cũng có nhiều đoạn đáng lưu lại, nhưng cá nhân Biển thích bộ MĐTS hơn nhiều.

Đọc xong bộ Ma Đạo Tổ Sư, có lẽ Biển đã hiểu được 1 ít lý do tại sao thể loại truyện phàm nhân tu tiên được nhiều người ưa thích. Sống trong thời đại văn minh nhưng trong một góc nào đó của tâm hồn, 1 số người vẫn mơ mộng đến cuộc sống có bối cảnh cổ trang, mặc những bộ trang phục tuy không hiện đại nhưng vẫn rất đẹp đẽ, di chuyển bằng động vật hoặc những phương tiện do động vật kéo, hành tẩu giang hồ, mang tài năng + tu vi ra thi thố với đời. Biển chợt có suy nghĩ thế này: thay vì mơ ước viễn vông rằng mình sẽ xuyên không đến thế giới đó (nếu mà xuyên thật chưa chắc là chuyện tốt) thì Biển sẽ nhìn thế giới hiện tại bằng đôi mắt như thể nhìn thế giới cổ đại: những góc phố bê tông khói bụi Biển đi qua cũng từng có những đôi tình nhân (có thể có cả tình nhân đam mỹ hoặc bách hợp) đi qua, những con đường trơ trọi nắng gắt cũng từng có những con người mang trong lòng tình cảm rộng lớn cao đẹp đi qua. Thế giới hiện đại hay cổ đại đều có điều tốt lẫn điều xấu, quan trọng là mắt mình muốn nhìn thấy gì, lòng mình muốn nhận những gì và cho đi những gì.

Hiện giờ, có 2 bộ đam mỹ Biển rất muốn mua sách giấy là Ma Đạo Tổ Sư và Vương Bất Kiến Vương, nhưng lo lắng các điều sau
+ chất lượng in không tốt, chữ nhỏ mờ
+ không in đầy đủ chính truyện và phiên ngoại
nên vẫn ngần ngại chưa muốn mua. Vương Bất Kiến Vương nếu không mua sợ rằng sau này sẽ hết hàng, còn Ma Đạo Tổ Sư nghe nói cuối 2018 đầu 2019 mới xuất bản sách giấy. Tuy Biển đã tâm niệm rằng cái gì mình thích thì sẽ khắc sâu vào não nhưng vẫn muốn có sách giấy! Thật là, tham sân si quá nên mới lâm vào bể khổ đó mà.

Ma Đạo Tổ Sư là bộ truyện hay nhất Biển đọc được trong năm 2018. Tuy biết rằng thiên ngoại hữu thiên nhưng Biển vẫn có chút mong muốn rằng nó sẽ là bộ đam mỹ hay nhất từng đọc được trong đời. Sau khi đọc xong lần 2 thì tâm trạng trở nên khá vui vẻ, cảm thấy có vài điều đã thay đổi trong suy nghĩ của mình, đồng thời có hứng thú đọc tiếp nhiều nhiều sách nữa. Đối với 1 mọt sách nghiện chữ như Biển mà nói, đọc được bộ truyện này quả thật là có duyên kỳ ngộ và là 1 niềm vui lớn.

Biển xin cảm ơn những ai đã đọc hết từ đầu đến cuối review này ^_^

(Sea, 4-11-2018)

1 nhận xét: