Tác giả: Robert Van
Gulik. Dịch giả: Nguyễn Việt Hải
Thể loại: Trinh thám
phương Đông viết bởi tác giả phương Tây
Đánh giá: Khá hay, đáng
đọc
Thú thật là Biển đang theo
đuổi Ma nữ nhưng vì quá nhớ nhung Địch Công nên đành tàn nhẫn cương quyết chia
tay Ma nữ để tiếp tục đầy nhiệt tình mà chạy theo Địch Công :3
“Mê Cung Án” là cột mốc
thứ 10 trong sự nghiệp quan án của vị quan Địch Nhân Kiệt khi ông nhận chức Huyện
lệnh tại huyện Lan Phường. Ngay khi đến nơi, đoàn người của Địch Công đã sửng sốt
đối diện với thái độ thờ ơ lạnh nhạt của bách tính, công đường thì bị bỏ hoang
bám bụi. Chưa kịp uống chén trà sau khi đi đường xa, Địch Công cùng các trợ thủ
đã bị cuốn vào những sự việc gây cấn liên quan đến một tên ác bá đang làm mưa
làm gió trong vùng. Sóng trước chưa tan sóng sau đã tới, họ lại thấy mình lọt
vào một vụ án mạng trong phòng kín, rồi thêm một vụ án liên quan đến một vị tuần
phủ nổi tiếng Đại Đường chín năm trước đã qua đời tại Lan Phường, tiếp theo đó
là những sự kiện bê bối xảy ra trong gia tộc ông ta. Để xử lý tất cả những vụ
án ào ạt ập đến, Địch Công không những phải vận dụng triệt để khả năng thần
thám của mình mà còn phải vắt óc nhanh chóng đưa ra các giải pháp để cứu bản
thân, cứu bách tính Lan Phường thoát khỏi một trận chiến biên cương đẫm máu.
Xét về tầm vóc, nội dung
của “Mê cung án” hoành tráng không kém quyển “Bí mật quả chuông”, nhiều vụ án
phức tạp đan cài lẫn nhau, dính líu đến cả quan quân triều đình và mối nguy bị
xâm phạm biên cương. Ở một khía cạnh nào đó, “Mê cung án” thật sự là một “mê
cung chữ” đối với Biển, lúc đọc phải hết sức tập trung để theo kịp những tình
tiết dồn dập, hiểu kịp những suy luận cực kỳ nhạy bén của Địch Công. Tất cả các
chi tiết chính trong truyện được tác giả Robert Van Gulik lấy ý tưởng từ những
vụ án trong sách lịch sử TQ cổ, phần “mê cung” là do tác giả tự thêm vào. Một lần
nữa, Robert Van Gulik đã cho độc giả thấy được khả năng xuất sắc của ông khi kết
hợp tài tình giữa lịch sử và hư cấu, sử dụng bút pháp điêu luyện và văn phong
minh bạch của mình để viết ra một câu chuyện rất lôi cuốn. Truyện của ngài Van
Gulik có một phong vị rất đặc biệt, truyện nào cũng như có ma lực khiến Biển
không muốn buông sách xuống. Cảm giác này cũng giống như khi đọc truyện của
Harlan Coben hoặc John Grisham. Có lẽ những tác giả này có tư chất bẩm sinh + sự
luyện tập đến mức thượng thừa trong việc viết truyện trinh thám.
Trang 127 có một đoạn
hơi “xạo”, do đó khiến độc giả không thể không bật cười :)
“Ta chưa bao giờ kể cho
ngươi về chuyện quan binh Đại Đường vượt Hoàng Hà sao? Không có cầu hay thuyền
bè, Đại tướng quân của ta vẫn muốn vượt sông. Vậy nên hai nghìn binh sĩ chúng
ta cùng nhảy xuống nước, nắm chặt tay nhau để tạo thành hai hàng người. Một
nghìn binh sĩ đứng giữa hai hàng người ấy, giơ khiên qua đầu. Tướng quân thúc
ngựa phi nước đại qua cây cầu ấy”.
>> Đọc đoạn này mà
liên tưởng đến những cuộc di trú của các đàn kiến khổng lồ trong rừng Amazon! Sức
lực con người mà làm được như vậy thì xưa nay chắc cục diện thế giới đã khác biệt
lắm rồi.
Cũng như trong các quyển
Địch Công khác, tác giả Van Gulik cũng đưa vào “Mê cung án” những tư tưởng cá
nhân rất hay ho hoặc rất khác thường, chẳng hạn như
“Nữ nhân có khả năng ngộ
nhận về tầm ảnh hưởng của mình lên nam nhân mà họ yêu mến”
>> cái này từ
chuyên môn gọi là “tưởng bở”
Hoặc “Thông thường, ẩn
sĩ là những người vô cùng lười biếng và vô tri”
>> Địch Công là
người nói câu này, nhưng trong “Mê cung án”, ông lại có dịp kỳ ngộ một vị ẩn sĩ
cao tuổi và giác ngộ thêm được nhiều điều.
Biển hào hứng lao vào đọc
“Mê cung án” vì được một người bạn “quảng cáo” rằng cuốn này có nói đến đồng
dâm nữ. Tuy nhiên, khi đọc đến chi tiết đó thì Biển chỉ thấy chán ghét, vì nhân
vật đồng tính nữ trong truyện là một kẻ biến thái độc ác, chẳng có yếu tố nào
là lãng mạn tình tứ như truyện bách hợp cả. Biết rằng ngoài thực tế vẫn có những
kẻ tàn bạo như vậy, nhưng khi ngài Van Gulik xây dựng một nhân vật như thế sẽ
góp phần làm trầm trọng thêm cái nhìn ác cảm và sự kỳ thị của xã hội dành cho
giới LGBT.
Nhận xét cá nhân thì Biển
thấy quyển “Mê cung án” đã tiến bộ rất nhiều trong phần trình bày, không có lỗi
chính tả hoặc lỗi in ấn. Dịch giả Nguyễn Việt Hải đã thể hiện kỹ năng làm việc
chuyên nghiệp và nghiêm túc khi đem đến cho độc giả một tác phẩm được chuyển ngữ
rất mượt mà, sử dụng nhiều từ Hán Việt để phù hợp với thể loại sách, trong truyện
cũng có vài câu thơ được dịch rất hay, đầy đủ vần điệu. Quyển “Mê cung án” hơn
400 trang với bìa sách thiết kế đẹp, chữ in to rõ, nội dung lôi cuốn, chắc chắn
sẽ đem lại niềm vui và sự hài lòng cho các mọt trinh thám.
(Sea, 21-11-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét