Tác giả: Robert Van
Gulik. Dịch giả: Tùng Vũ
Thể loại: Trinh thám
phương Đông viết với văn phong phương Tây
Đánh giá: Hay, đọc được
“Ngự châu án” là cột mốc
thứ sáu trong sự nghiệp quan án của vị quan Địch Nhân Kiệt khi ông đang là Huyện
lệnh Phổ Dương. Trong lễ hội đua thuyền rồng – một hoạt động văn hóa hội hè vừa
nhằm tôn vinh Nữ Thủy Thần vừa đem lại cơ hội nghỉ ngơi vui chơi cho bách tính
– Địch Công đã tận mắt chứng kiến hai người bị hạ sát. Vụ việc dường như dính
líu đến những thương gia buôn đồ cổ giàu có mưu mô và cả những thư sinh trẻ
trung nhưng trác táng. Các manh mối còn dẫn đến viên ngự châu đã bị thất lạc từ
Hoàng Cung qua nhiều thế hệ. Sự việc càng trầm trọng hơn khi lại có thêm người
tử vong. Với sự trợ giúp của lão Hồng – sư gia mẫn cán và chăm chỉ - Địch Công
nhanh chóng bắt tay vào xử lý vụ án.
Theo đánh giá riêng của
Biển, cốt truyện trong “Ngự châu án” có phần không lôi cuốn bằng nhiều quyển
khác trong bộ sách về Địch Công, nhưng trong quyển này, độc giả sẽ được thấy một
Địch Công chẳng những có sức mạnh + võ nghệ hơn người mà còn có khả năng suy luận
sắc bén, tóm tắt tình huống tuyệt vời. Nói theo ngôn ngữ của thế kỷ 21 thì Biển
cho rằng Địch Công có năng khiếu thiên bẩm + luyện tập thành thạo trong các kỹ
năng mind-mapping và thuyết trình trước nhiều người. Tuy không thờ ngẫu tượng
(tượng về những vị thần linh khác tôn giáo hoặc khác lòng tin của mình) nhưng
ông vẫn đủ khiêm tốn và lễ nghĩa để cúi đầu trước những bậc linh thiêng được
dân gian tôn kính. Xét theo nhiều khía cạnh, Địch Nhân Kiệt có lẽ là một nhân vật
lỗi lạc vào thời đại của ông.
Trong những quyển Địch
Công kỳ án của tác giả Robert Van Gulik mà Biển đọc qua, các bữa ăn của Địch
Công cũng giống như của bách tính bình thường, chỉ có cơm trắng và vài loại rau
củ muối chua hoặc muối mặn, không hề nghe nhắc đến thịt, đến cá khô cũng không
có. Đời Đường thịnh thế phồn hoa, không lẽ trừ yến tiệc ra thì thường ngày bách
tính ăn uống thanh đạm vậy sao?
Hình như đây là lần đầu
Biển đọc sách do dịch giả Tùng Vũ chuyển ngữ, phát hiện bác Tùng Vũ có tâm hồn
thi sĩ lai láng: đầu truyện có thơ “Luận bút khai môn”, tên chương cũng bằng
thơ (điều này giống trong các quyển Địch Công khác), cuối truyện cũng có bài
thơ ngắn bộc bạch tâm tình dịch giả. Ngôn ngữ trong truyện có nhiều yếu tố gần
gũi với giới trẻ VN như “nghệ thuật là ánh trăng lừa dối”, “hại não”… Có một
chi tiết ở trang 75 khiến Biển hơi băn khoăn và không đồng tình: “chào nàng cho
thảo dân”. Phụ nữ không phải món hàng, dù thực tế nữ nhân đó bị gả bán đi chăng
nữa thì cũng có thể dịch thành “giới thiệu nàng cho thảo dân”. Ngoài chi tiết
đó ra thì tổng thể quyển “Ngự châu án” khá ổn, in ấn rõ ràng sạch đẹp, còn vài lỗi đánh máy không đáng kể. Mọt nào
muốn sưu tầm trọn bộ Địch Công kỳ án thì không thể bỏ qua quyển này.
(Sea, 30-10-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét