Tác giả: Jeffery Deaver.
Dịch giả: Tâm Hiền
Thể loại: Trinh thám hiện
đại. Đánh giá: Hay, kịch tính, đáng đọc
Có nhiều truyện trinh
thám của Jeffery Deaver đã được đưa lên mạng nhưng quyển “Buồng khử” thì chưa
thấy được đăng. Biển khá hứng thú với bìa sách cũng như tựa đề nên quyết định
tìm đọc. Bìa sách + tựa đề khiến Biển liên tưởng đến việc giết người bằng buồng
phun hóa chất hoặc phát phóng xạ, nhưng sự thật hoàn toàn khác biệt.
Nhóm của Lincoln Rhyme
và Amelia Sachs được thuê hợp tác với cô công tố viên Nancyann Olivia Laurel để
điều tra về vụ ám sát Roberto Moreno – một người Mỹ tham gia các hoạt động xã hội
phi khủng bố nhưng chống lại nước Mỹ. Cuộc điều tra khác thường ở chỗ hiện trường
cách Washington cả ngàn cây số, mọi thứ xoay quanh vụ án đều mơ hồ, không có
nhân chứng vật chứng, đã vậy còn dính líu đến các cấp cao trong chính phủ Mỹ. Với
tình trạng sức khỏe bất tiện, Lincoln Rhyme vẫn cùng cậu hộ lý Thom Reston bay
đến Bahamas để xem xét hiện trường vụ án – nơi mà họ gọi là “buồng khử” – và tìm
viên đạn bắn tỉa đã giết nạn nhân từ một khoảng cách không tưởng. Amelia Sachs
truy tìm dấu vết nạn nhân tại Mahattan, phát hiện thêm những vụ án mạng kinh
hoàng khác. Quá trình làm việc của họ liên tục bị ngăn cản và gây khó dễ bởi những
kẻ giấu mặt quyền lực và nguy hiểm. Mọi chuyện tưởng như đạt đến đỉnh điểm khi
cả Lincoln và chiếc xe lăn của anh bị rơi xuống biển…
Tuy đã phần nào quen với
văn phong và cách xoay chuyển tình thế chớp nhoáng, đầy bất ngờ của bác JD
nhưng quyển “Buồng khử” có thể nói là đặc biệt hay. Đọc truyện của bác JD, độc
giả phải chuẩn bị tinh thần để đoán (sai) về hung thủ, thậm chí có khi hung thủ
còn trở thành anh hùng. Nội dung, cốt truyện, văn phong, cách dịch thuật của cuốn
này đều hay hơn nhiều so với “Giai điệu tử thần”, đặc biệt các phép so sánh, những
cách đặt câu được viết rất sáng tạo, khiến người đọc phải thầm tán thưởng. Ngay
đầu sách mà bác JD đã viết một câu đánh trúng tâm lý nhiều người như sau: “Cơ
thể của tất cả chúng ta, bất kể là ai, đều ít nhiều phụ lòng ta… Kể cả những ai
hiện đang khỏe mạnh và ít nhiều mãn nguyện cũng thấy phiền lòng trước những bất
trắc”.
Các kỹ năng viết của bác
JD thật sự tỏa sáng trong cuốn sách này. Ngay lúc độc giả đang căng thẳng theo
dõi truyện thì tác giả không quên đưa vào một câu hài hước: “Tôi không cần biết
ông ấy có đang giải phẫu hay không. Lát ông ấy quay lại thì cái xác vẫn nằm chết
y vậy thôi”.
>> Lẽ ra đọc câu
này thì Biển phải cảm thấy xót xa cho nạn nhân, hoặc ít nhất cũng nảy sinh ác cảm
với sự vô cảm của người nói, nhưng Biển chả có cảm giác nào trong hai cảm giác
vừa nêu, mà chỉ thấy rất hài hước!
Hoặc tác giả miêu tả rất
ngắn gọn và chính xác về nghề cảnh sát như sau: “Lương thấp, nguy hiểm, trên đầu
là chính trị, hỗn loạn nổ ra ở mọi góc phố”.
Càng đọc nhiều sách của
Jeffery Deaver, Biển càng nhận thấy tác giả này luôn chú tâm xây dựng nhân vật
sao cho thật “đời thường”, tuy ngoại hình vẫn có nét hấp dẫn riêng và có phần
vượt trội so với người khác, nhân vật của bác JD vẫn có những tính cách cổ
quái, các phản ứng tâm lý không hoàn hảo lắm, chính điều này khiến câu truyện dễ
đọc và dễ đi vào lòng người. Trong quyển “Buồng khử”, cô cảnh sát mỹ nhân
Amelia Sachs khổ sở vì chứng viêm khớp gây ảnh hưởng đến công tác điều tra,
thêm vào tật xấu là hay cào da đầu đến chảy máu. Rất may là cô cùng với Lincoln
Rhyme – được gọi là “Nga hoàng về chứng cứ” – tạo thành một cặp đôi làm việc vô
cùng ăn ý, chứ nếu làm việc cùng người khác thì chưa chắc Amelia đã phát huy được
sở trường của mình.
Tên sát thủ trong câu
chuyện này có một thú vui tao nhã được luyện tập đến mức thuần thục: nấu ăn.
Tuy vậy, chi tiết khiến Biển rất phản cảm và bất mãn là hắn toàn dùng dao làm bếp
cao cấp của Nhật để giết người, thật là một sự sỉ nhục cho đầu bếp và cho dòng
dao bếp cao cấp! Truyện này đặc biệt đề cập nhiều đến các công thức nấu ăn chỉ-đọc-thôi-cũng-thấy-thèm,
đến các dụng cụ trong bếp như dao Kai Shun Premier, máy trộn Kitchen Aid, đá
mài dao Arkansas (một loại đá cao cấp dùng mài dao nhà bếp, trông bình thường chẳng
khác gì khối đá mài dao bán 7,000VND/viên, nhưng đá Arkansas lại được bán khoảng
400,000VND/viên tại VN). Truyện cũng có những chi tiết rất thú vị về ngành bếp
như
“Để chùi sạch chảo, hắn
chà chảo bằng muối và xử lý mặt chảo bằng dầu nóng, sắt đúc hoàn toàn không nên
gặp xà phòng và nước, dĩ nhiên”.
Hoặc
“Người La Mã có một
thành ngữ sáo rỗng – làm việc gì đó trong thời gian nấu măng tây nghĩa là làm
nhanh việc đó”.
Cuối truyện có lời giới
thiệu về các công thức nấu ăn đặc sắc được đề cập trong truyện, thậm chí có
công thức do chính Jeffery Deaver soạn ra. Tuy vậy, cá nhân Biển thấy những món
đó toàn dùng nguyên liệu cao cấp, chỉ thích hợp cho nhà giàu hoặc nhà hàng 5
sao, chứ dân mọt sách bình thường toàn dành tiền mua sách thì ngày ngày tháng
tháng chỉ có làm bạn với mì gói các loại thôi.
Trong những quyển trinh
thám khác, bác JD cũng nói không ít về khoa học đạn đạo nhưng trong quyển “Buồng
khử”, Biển thấy bác ấy đặc biệt đưa vào rất nhiều kiến thức về lĩnh vực này, một
phần cũng vì viên đạn gây ra cái chết của nạn nhân là một “viên đạn triệu đô”
xét trên bối cảnh và các điều kiện “giúp” viên đạn được bắn ra. Ngoài những đoạn
gồm nhiều thuật ngữ chuyên môn về khoa học đạn đạo, truyện cũng có những kiến
thức cơ bản về môn bắn súng, chẳng hạn như
“Luôn giả định mọi vũ
khí được nạp đạn và sẵn sàng khai hỏa, không bao giờ chĩa vũ khí vào bất cứ thứ
gì ta chưa sẵn sàng ghim đạn vào, không bao giờ nổ súng nếu không thấy chính
xác đằng sau mục tiêu là gì, không bao giờ đặt ngón tay lên cò nếu chưa chuẩn bị
nổ súng”.
Sau khi đọc một số sách
của tác giả Jeffery Deaver, Biển nhận ra ông là một nhà văn trinh thám ăn
khách, một ca sĩ nhạc đồng quê viết lời bài hát khá hay, đọc xong cuốn này thì
Biển biết thêm là bác ấy còn giỏi nấu ăn, quả thật là một người đa tài. Tuy tổng
thể cuốn “Buồng khử” đều lôi cuốn nhưng phải sau khoảng 250 trang thì diễn biến
mới hồi hộp hơn. Phần kết truyện hơi vô lý khi độc giả có cảm tưởng như Lincoln
Rhyme cứ như thần thánh (không nói thêm chi tiết này vì sẽ spoil)!
Biển rất hài lòng với phần
dịch thuật trong truyện, những từ ngữ khó nhằn về ngành pháp y và khoa học đạn
đạo được dịch giả chuyển ngữ mượt mà dễ hiểu. (Có lẽ vì quá ít lỗi nên) Biển
không nhớ là sách có lỗi chính tả hay lỗi đánh máy nào không. Chữ in to rõ,
trình bày sạch đẹp, thiết kế bìa đơn giản và đủ gây tò mò, quyển trinh thám dày
hơn 600 trang này thật sự khiến Biển ưng ý.
(Sea, 18-11-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét