lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Review truyện: Ma Đạo Tổ Sư



Tác giả: Mặc Hương Đồng Khứu. Editor: Carmen
Thể loại: Tiên hiệp, Đam mỹ, Huyền huyễn, Trọng sinh, Cổ đại
Đánh giá: Ngọt ngào, xúc động, tuyệt vời, đáng ngưỡng mộ

Mấy ngày nay ta đang luyện bộ truyện Ma Đạo Tổ Sư. Biết đến bộ truyện này do xem vài clip đam mỹ trên Youtube rồi tình cờ thấy tựa đề của nó, tò mò tìm truyện đọc thử, lôi cuốn đến nỗi ta phải ngưng giữa chừng bộ Đế Vương Công Lược để chuyển sang đọc hết một trăm mười mấy chương của MĐTS. Tính đến nay thì MĐTS là bộ đam mỹ hay nhất và xúc động nhất ta từng đọc trong cuộc đời mọt sách của mình.

Ngụy Anh – Ngụy Vô Tiện: hắn
Lam Trạm – Lam Vong Cơ: y
Vì rất ưa thích bộ truyện này nên ta chọn cách phát biểu cảm nghĩ chứ không review, tuy nhiên để không spoil một câu chuyện lý thú thế này, ta sẽ cố gắng cẩn trọng khi viết, không để lộ bất kỳ yếu tố bất ngờ nào, để chúng sinh lục giới khi đọc vẫn có thể thưởng thức toàn bộ câu chuyện.

Truyện kể về quãng đời lẫy lừng của Ngụy Vô Tiện từ lúc sinh ra đến khi tương đối ổn định cuộc sống. Hắn là đại đệ tử của Vân Mộng Giang thị, là bằng hữu kiêm huynh đệ kết nghĩa của Giang Trừng – công tử Giang gia. Cả nhóm gồm Ngụy Vô Tiện, Giang Trừng, Nhiếp Hành Phong, Kim Tử Hiên cùng đến học ở Vân Thâm Bất Tri Xứ thuộc Cô Tô Lam thị. Từ năm 14;15 tuổi, Ngụy Vô Tiện đã thường trêu chọc Lam Vong Cơ – Lam Nhị công tử. Lam Vong Cơ dù bên ngoài luôn tỏ ra lạnh lùng nhưng ai tinh ý đều có thể nhận thấy y hết sức chú ý đến Ngụy Vô Tiện, luôn trực tiếp hoặc gián tiếp bảo vệ hắn. Giang hồ không bình yên lâu dài, các đại gia tộc thế lực rộng lớn vậy mà vẫn bị chèn ép bởi Kỳ Sơn Ôn thị. Sóng gió nổi lên, Vân Thâm Bất Tri Xứ bị đốt, Vân Mộng Giang thị bị diệt, Giang Trừng mất cha mẹ, Ngụy Vô Tiện bị ném vào Loạn Táng Cương, thay vì chết thì sa chân vào ma đạo, trở thành Lăng Di lão tổ nổi danh tà mị. Người mà hắn không tiếc tính mạng hết lòng phụng sự - Giang Trừng - huynh đệ tốt của hắn, lại căm thù hắn vì nhiều lý do, dẫn đầu các gia tộc đến Loạn Táng Cương tiêu diệt Ngụy Vô Tiện. Tưởng rằng đã hồn phi phách tán, 13 năm sau, hồn phách Ngụy Vô Tiện được triệu hồi, sống lại trong thân thể của Mạc Huyền Vũ – nhị công tử điên khùng vô dụng của Mạc gia. Trong thân xác Mạc Huyền Vũ, Ngụy Vô Tiện từng bước xoay chuyển tình thế, dùng năng lực của cả hai kiếp tạo lập cho mình cuộc đời mới. Điều may mắn và kỳ lạ nhất là quan hệ giữa hắn và Lam Vong Cơ trở nên hoàn toàn khác kiếp trước, tương thân tương ái khiến người khác phải ngưỡng vọng.

Đã đọc qua nhiều truyện đam mỹ đến nỗi ta không đếm xuể, nhưng ta kết luận Ma Đạo Tổ Sư là bộ đam mỹ hay nhất ta từng đọc. Có lẽ nhiều người cũng thấy nó hay nên MĐTS có cả fanpage, đã được chuyển thể sang hoạt hình và truyện tranh. Ta sợ khó mà chuyển thành phim người thật đóng (vì vấp phải kiểm duyệt nên toàn là hint, coi không mãn nhãn) nên hy vọng nếu có thể thì sẽ được chuyển thành hoạt hình 3D, kiểu như Mộ Vương Chi Vương. Không biết lúc xuất bản sách giấy thì sẽ sắp xếp các chương chính và phiên ngoại như thế nào, nhưng bản mà ta đọc thì xen kẽ giữa quá khứ và hiện tại, các đoạn quá khứ khá dài và ngược tâm nên khi nắm được quy luật rồi thì ta tìm các đoạn hiện tại đọc trước, quá khứ đọc sau. Khi viết bài này thì còn mười mấy cái phiên ngoại đang để dành từ từ nhấm nháp.

Khi đọc các bộ đam mỹ của Nhĩ Nhã, ta thường bỏ dở vì rơi vào cảm giác ghen tỵ với thụ. Gần đây ta đọc 1 truyện đam mỹ tựa là “Tình yêu tìm đến” của tác giả Lai Tự Viễn Phương, tựa truyện tuy đậm chất ngôn tình nhưng thụ rất mạnh mẽ tài giỏi, truyện cũng cung cấp rất nhiều kiến thức kinh doanh và đối nhân xử thế. Ngụy Vô Tiện trong “Ma Đạo Tổ Sư” là nhân vật thụ chẳng những ta không thể ghen tỵ mà còn thích hắn nhất. Hắn tài giỏi mạnh mẽ, vì bị người hãm hại mà buộc phải dựa vào ma đạo tìm đường sống, tìm đường báo thù. Bị miệng lưỡi người đời mắng chửi bằng những câu từ tồi tệ nhất nhưng bản chất hắn vô cùng có tình có nghĩa, thuộc loại người hướng ngoại, tính cách như nắng sớm ấm áp, phong lưu tiêu sái nhưng không đánh mất nghĩa khí trung liệt. Người như Ngụy Vô Tiện xứng đáng được Lam Vong Cơ yêu, được bọn tiểu bối kính trọng. Điều duy nhất ta không thích ở hắn là kiểu ăn nói tươm tướp, nói hết cả phần Lam Vong Cơ, thời khắc riêng tư nhạy cảm cũng bị lời nói kinh khủng của hắn phá hư (không biết là phá hư hay tăng tình thú!)

Truyện được kể dưới góc nhìn của Ngụy Vô Tiện nhưng vì Lam Vong Cơ là công nên cũng không thiếu đất diễn. Đây là một trong những lần ta đọc đam mỹ mà không nảy sinh cảm giác mê muội đối với công, chỉ tấm tắc khen ngợi phong độ và sức mạnh của y. Nhìn Lam Vong Cơ bề ngoài lãnh tĩnh, có vẻ tuân theo nguyên tắc một cách quá đáng nhưng ngay từ rất trẻ, hắn đã có cảm tình sâu sắc với Ngụy Vô Tiện, chịu biết bao đau thương để bảo hộ đối phương. Ngụy Vô Tiện mất mạng qua một kiếp rồi sống lại, Lam Vong Cơ càng làm đủ mọi cách để che chở nâng đỡ hắn, thái độ bao dung ngọt ngào đến mức ê răng: đối phương thích ăn gì hắn đều mua, thích quậy phá gì hắn đều tình nguyện thành đồng bọn, thậm chí đưa cả túi tiền cho Ngụy Vô Tiền xài. Đọc những đoạn này, ta có chút khoái chí nhận ra ta cũng vậy (tức là được sủng như Ngụy Vô Tiện __ (ối ta đây là đang khoe khoang sao?!). Ấn tượng mạnh nhất của ta với Lam Vong Cơ là khi y dùng một tay nâng chiếc quan tài gỗ bên trong có 2 tử thi, trên quan tài đậy bằng pho tượng Quan Âm không hề nhỏ, đứng trên tượng Quan Âm là Ngụy Vô Tiện, thế mà Lam Nhị ca ca một tay nâng toàn bộ lên, mặt không đổi sắc, tay kia điều khiển 7 cây đàn, dùng dây đàn phong ấn quan tài lại. Dù biết chỉ là hư cấu nhưng tâm ta vẫn trầm trồ cảnh tượng đó, nếu được nhìn thật chắc cả đời không quên!

Đọc truyện này, ta có một suy nghĩ viễn vông là muốn luyện cho mình tính cách tươi sáng như Ngụy Vô Tiện, đi đến đâu chỉ cần lời nói nụ cười là có thể thắp sáng không gian, làm đẹp phong cảnh (!!!), nhưng đồng thời ta cũng muốn mình lãnh tĩnh ít nói như Lam Vong Cơ, một thân bạch y băng thanh ngọc khiết, tóc dài tung bay, cốt cách tiên lữ nhưng ra tay tràn đầy sức mạnh! Ta đúng là mơ tưởng hoang đường vô vị nhỉ. Trong truyện có lời của nhân vật phản diện Kim Quang Dao nói về nữ nhân đọc nhiều sách: “Nữ nhân đọc qua sách, luôn tự cho mình hơn những nữ nhân khác, yêu cầu rất nhiều, không thực tế, lại tưởng tượng đông tây, phiền toái nhất”. Nếu không biết tác giả Mặc Hương Đồng Khứu là nữ, có lẽ ta sẽ cho rằng tác giả đang buông lời khinh miệt nữ nhân yêu sách (nhưng không thường yêu sách) như ta. Đòi luyện được phong thái vừa giống Lam Trạm vừa giống Ngụy Anh, chắc ta trở thành đa nhân cách luôn, hoặc đơn giản hơn là mang nhiều mặt nạ, như vậy không tốt chút nào!

“Ma Đạo Tổ Sư” có phần chính truyện 113 chương, lần đầu ta đọc một bộ đam mỹ cổ đại dài như thế mà không có thời khắc nào cảm thấy buồn ngủ, thành thật ngẫm lại thì cũng không bỏ chương, chỉ lướt nhanh những đoạn quá ngược tâm. 113 chương mà chỉ có nửa chương có cảnh nóng tới nơi tới chốn, vậy mà truyện không hề chán. Một số truyện đam mỹ ta từng đọc qua có cảnh nóng ngay từ chương 2 nhưng ta thấy ngoài cảnh nóng ra thì chẳng còn gì khác để học hỏi. Biết rằng tình dục xuất phát từ tình yêu đã thăng hoa nhưng ta không thích thể loại tiền dâm hậu ái (dịch thô lỗ là hiếp trước yêu sau). MĐTS có thể xem như truyện kiếm hiệp truyền kỳ kiêm ngôn tình, những cảnh trừ gian diệt bạo và tài trí của nhân vật được nhấn mạnh, những lời lẽ diễn tả tình cảm rất ít nhưng không hiểu sao chúng khiến ta cảm thấy xúc động sâu xa. Dù có những giây phút hồ đồ bối rối nhưng Lam Vong Cơ và Ngụy Vô Tiện kiểu như chân mệnh ái nhân trời định, thâm tình chỉ cần cảm nhận chứ không cần nhiều lời.

Tác giả Mặc Hương Đồng Khứu chắc chắn là lớp hậu bối sinh sau đẻ muộn, nhưng cá nhân ta cho rằng nàng ấy đã viết nên một tác phẩm xuất sắc có thể sánh ngang hoặc vượt hơn cả những tác phẩm của tiền bối Kim Dung. Cốt truyện hấp dẫn; tình tiết đan xen phức tạp qua nhiều thế hệ, qua 2 kiếp sống nhưng không hề rối; thấu hiểu tâm lý nhân vật; xây dựng tình tiết hợp lý; không hề kéo dài lê thê. Một nữ tác giả trẻ có thể viết nên tác phẩm như vậy thật khiến ta ngưỡng mộ.

Ta thật vui vì đã quyết định đọc “Ma Đạo Tổ Sư”, càng vui hơn vì còn mười mấy cái phiên ngoại chưa đọc. Có lẽ ta sẽ đọc lại lần nữa để thấm rõ và nhớ kỹ cốt truyện hơn. Nghe nói bộ truyện này sẽ được xuất bản sách giấy, nhưng ta nghĩ mình sẽ không lưu trữ sách giấy. Điều gì ta đã quá ưa thích thì sẽ được khắc sâu trong các nếp nhăn của vỏ não, không cần mua sách giấy về rồi để đó hiếm khi đọc lại. Gọn lại là ta rất rất rất thích truyện này ^^

(Sea, 23-9-2018)

Review truyện: Tù Điểu



Tác giả: Bạch Lộ Vi Yến. Editor: PhongLacJ (Nguồn: wattpad)
Thể loại: Bách hợp trinh thám, hiện đại
Đánh giá: Tạm được, hơi buồn ngủ

Tuy không chính thức hứa hẹn nhưng cũng không thể lời nói gió bay, hôm trước đã nói với bạn Yên là Biển sẽ tìm đọc 1 bộ bách hợp trinh thám, đọc xong viết review. Bạn nào có ác cảm với thể loại đam mỹ - bách hợp, thỉnh sớm dời gót ngọc, không cần ở lại đọc tiếp để rồi buông lời cay đắng.

Couple chính trong truyện:
Kiều Ỷ Hạ: cảnh sát (femme)
Lộ Tây Trán: chuyên gia tâm lý học tội phạm (butch)

Sau khi ráng theo được 60 chương thì Biển đành dừng lại. Có lẽ Biển thích thể loại đam mỹ vì nhân vật cường thế hơn. Truyện nữ cường, thường thì nhân vật nữ quá mức kỳ dị độc ác, hoặc có đời sống tình cảm vô cùng phóng khoáng, tuy Biển cũng phóng khoáng nhưng chưa thể thích nghi nổi. Hai nhân vật chính trong truyện “Tù Điểu” ban đầu cũng tạo ấn tượng là hai nữ cường cao ngạo tài giỏi, là nhân trung long phượng, người này là Nữ Vương thì chí ít người kia cũng là Nữ Thần! Tuy vậy cách mà họ nảy sinh tình cảm với nhau có hơi phi lý (có tình cảm nào mà hợp lý không?). Vụ án đầu tiên giải quyết tạm ổn, đến vụ án thứ hai thì bút lực của tác giả có vẻ đuối dần, đã vậy còn cho thêm yếu tố tà ma quỷ quái. Cứ đà này thì Biển biết mình không thể theo hết 160 chương nên dừng lại để còn dành thời gian cho những truyện khác.

Tác giả nói thân hình Lộ Tây Trán khiến người ta liên tưởng đến nữ thần Athena, Biển không thích chi tiết này. Cô thiếu nữ Medusa bị thần Poseidon cưỡng đoạt ngay trong đền thờ Athena mà Athena chẳng làm gì để cứu cô, còn vì kinh tởm mà biến Medusa thành rắn quỷ, có mái tóc là một bầy rắn. Athena như thế liệu có đáng gọi là nữ thần không? Không nói tiếp nữa không thôi lạc đề.

Tuy dừng đọc nhưng Biển phải công nhận truyện “Tù Điểu” có nhiều đoạn triết lý rất hay, đặc biệt là chương 9. Dù hơi ảo nhưng những phần phân tích tâm lý tội phạm đọc cũng thấy xuôi xuôi. Biển xin trích dẫn lại một ít ở đây:

“Hai người ở chung, vô luận là quan hệ như thế nào, nếu muốn phát triển lâu dài, cư xử có chừng mực là điều không thể thiếu”.
>> cái này ngắn gọn gọi là tương kính như tân

“Cuộc sống này, không có cách nào nghịch chuyển, không thể sửa đổi nhân sinh”.

“Hiệu ứng Zeigarmik luôn luôn có quan hệ mật thiết đến mối tình đầu. Con người trong lần đầu tiên yêu đương sẽ luôn mong chờ những điều tốt đẹp mà tình yêu mang lại, khát vọng tình cảm thiên trường địa cửu, cho nên sau khi mất đi mới khó có thể chấp nhận, đối với rất nhiều người còn có thể khó mà quên được. Cho nên mới có loại lập luận như ‘mối tình đầu cả đời đều không thể quên được’”.

Vì muốn chọc tức người khác nên Biển tìm thể loại bách hợp trinh thám để đọc, kết quả bỏ dở giữa chừng nên không thể viết review nghiêm túc. Thôi thì viết vài dòng phát biểu cảm nghĩ, rồi trở lại với “Đế Vương Công Lược”. Cũng phát hiện một tác giả đam mỹ nổi tiếng là Tiếu Ngữ Lan San, đánh giá chủ quan thì Biển thích truyện của cô này hơn Nhĩ Nhã, văn phong rất hài hước, kết cấu truyện vô cùng chặt chẽ, cảnh xúc động đều lấy được nước mắt người xem (không lấy được nước muối của Biển vì Biển chai lì rồi), mà thôi không khen quá nhiều, để dành cho review hoàn chỉnh.

Nói tóm lại là trời đang mưa nên vô cùng muốn tựa đầu lên chân Luyến Nhân để nhìn ngắm nhân gian a, ngắm biển cũng được, ngắm mái tôn ngoài song cửa cũng được, miễn có chân Luyến Nhân để tựa đầu là thỏa lòng rồi

(Sea, 28-9-2018)

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Review sách: Everything, Everything



(Nếu chỉ còn một ngày để sống)
Tác giả: Nicola Yoon. Dịch giả: Đỗ Hoàng Nguyên
Thể loại: Giống “Khi lỗi thuộc về những vì sao”, tức là tình cảm nhẹ nhàng
Đánh giá: Xuất sắc, quá dễ thương

Chào Người mà ai cũng biết là ai đấy,
Hôm nay em đã gặp một quyển sách khiến em cười suốt từng phút trong lúc đọc, và khi đọc xong tâm tình em rất tốt. Vốn định đọc nó trong vòng 5 ngày nhưng có lẽ vì nội dung không dài, nhiều trang trắng (chỉ có một hoặc vài dòng chữ) nên em đã đọc nó trong 4 tiếng. Sau khi xem bộ phim “Khởi nguyên kỳ diệu” – chuyển thể từ quyển sách này – thì em mua sách nhưng vì nghĩ rằng mình đã biết nội dung nên chưa muốn đọc đến, nhưng khi đọc thì em nhận ra sách và phim tuyệt vời như nhau. Em cảm thấy một sự thôi thúc mãnh liệt muốn chia sẻ với Người suy nghĩ của em về quyển “Everything, Everything” này.

 Truyện kể rằng ngày nảy ngày nay có một cô bé Madeline Furukawa Whittier 17 tuổi, bị mắc hội chứng SCID – mất khả năng miễn dịch do gene bị khuyết tật, cả đời (tức là từ lúc sinh ra đến năm 17 tuổi) phải sống trong một không gian vô trùng, sức khỏe được theo dõi sát sao bởi một người mẹ bác sĩ và một cô y tá có con gái bằng tuổi Madeline. Cuộc sống bình thản trôi qua như mặt hồ lặng sóng cho đến một ngày đẹp trời nọ, gia đình Madeline có hàng xóm mới. Ngay cả khi hàng xóm mới chưa bước vào nhà thì Madeline đã có một cuộc gặp-gỡ-bằng-mắt với Olly – cậu con trai của gia đình nọ. Chuyện gì phải xảy ra đã xảy ra: hai cô cậu tìm được cách liên lạc qua email, và một thế giới sống động rực rỡ mở ra cho Madeline. Cô gái 17 tuổi lần đầu cảm nhận được những rung động lạ thường, và lần đầu cảm thấy băn khoăn về căn bệnh SCID khiến cô luôn bị cầm tù trong chính ngôi nhà của mình.

Em không biết tác giả Nicola Yoon có cố ý không, nhưng cách đặt địa chỉ email của hai nhân vật chính rất thú vị: Madeline bị bệnh về gene, email của Olly là genericuser, đọc hơi giống “rescue” (chữa lành, giải cứu) >> suy ra Olly là “người chữa lành gene” của Madeline. Tuy đã xem nhiều lần bộ phim chuyển thể từ sách nhưng phải công nhận em tận hưởng được từng khoảnh khắc khi đọc quyển sách này. Cách viết của tác giả rất hài hước, truyện tình cảm nhẹ nhàng nhưng không hề sến hoặc nhạt nhẽo, câu chữ ngắn gọn nhưng ý vị sâu xa, diễn tả tâm lý nhân vật một cách thấu đáo. Xen lẫn trong truyện là những nét vẽ minh họa trắng đen rất đẹp, dễ thương và gây cười.

Nhân vật đáng thương nhất trong truyện là mẹ của Madeline, sau cái chết của chồng và con trai, bà ấy đã bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng dẫn đến việc bảo bọc con gái quá mức. Tình thương sai trái có thể gây nên những hậu quả đau đớn khủng khiếp và dai dẳng. Khi phát hiện ra sự thật, Madeline không mất nhiều thời gian để chấp nhận và thỏa hiệp. Nếu là em, em không thể cư xử được như cô ấy. Dẫu biết nếu cố chấp không tha thứ thì chỉ làm khổ bản thân và người thân nhưng có lẽ em sẽ mất rất nhiều thời gian – có thể là cả đời – để tập buông bỏ được những oán niệm. Người cũng thấy phản ứng của em khi bị ngăn cấm không được gặp Người rồi đó. Nào giờ em tự hào mình là cô gái ngoan, nhưng sau khi đọc “Everything, Everything” thì em cho rằng Madeline Whittier còn ngoan hơn em!

“Chuyện gì xảy ra nếu anh nói thật với bố mẹ?”
“Họ sẽ bắt anh phải lựa chọn. Và anh sẽ không chọn họ”.

“Có lẽ trưởng thành đồng nghĩa với làm những người ta yêu thương thất vọng”.

Hôm nay Mẹ em nhắc đến một người họ hàng đã từng rất cưng chìu em lúc còn bé xíu, tự dưng em trả lời rằng “Nếu khi con lớn lên mà người ấy vẫn cưng chìu, vẫn chấp nhận bản chất của con, thì đó mới là yêu thương và thấu hiểu thật sự”.

“Everything, Everything” có nói đến “hội chứng rối loạn bao tử do bươm bướm” khiến em bật cười nghĩ đến bộ phim “Yes or No” phần 1. Người biết không, khi Người nhìn em chăm chú, em cũng bị hội chứng rối loạn bao tử do bươm bướm đó. Đọc xong quyển này, em cũng học được một số câu chào hỏi bằng tiếng Hawaii rất dễ nhớ, chẳng hạn như
__ Aloha = Xin chào / Tạm biệt
__ Mahalo = Cảm ơn
__ Mahalo nui loa = Cảm ơn rất nhiều
Ngoài ra còn có một cái tên cực kỳ dài của một loại cá mà em không viết ra ở đây đâu, nếu Người muốn biết thì hãy đến gặp em để mượn sách đọc.

Em thắc mắc vì sao một quyển sách có nội dung rất hay, bìa rất đẹp, trình bày và in ấn đẹp thế này mà lại thường xuyên bị bán trong những hội sách giảm giá. Lẽ ra một câu chuyện thơ mộng, hài hước, tích cực, nhân văn như thế phải được nhiều mọt sách săn đón và trân trọng. Ngày nào đó nếu có cơ hội, em rất mong được ngồi bên cạnh Người (hoặc ngồi trong lòng Người cũng được) để cùng đọc quyển “Everything, Everything”, rồi cùng xem bộ phim chuyển thể từ truyện, vừa cười cùng nhau vừa cảm nhận dòng suối ngọt ngào mát rượi nhẹ nhàng len lỏi trong tim. Nếu có thể trải qua quãng thời gian như vậy cùng Người, em tin rằng đó sẽ là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong đời em.

(Sea, 15-9-2018)

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Review sách: Sophie Quire & Người gác truyện cuối cùng



Tác giả: Jonathan Auxier. Dịch giả: Phương Anh
Thể loại: Truyện kỳ ảo thiếu nhi. Đánh giá: Tuyệt vời
Gần 15 năm trước Biển từng thức đến 2h sáng để đọc bộ truyện Tim Mực + Máu Mực của tác giả Cornelia Funke (phần 3 chưa được dịch sang tiếng Việt, hình như đã drop); trong vòng chục năm gần đây lại tiếp tục say mê với các bộ sách của Cassandra Clare; và trong vài ngày trước đã phát hiện thêm một câu chuyện kỳ ảo / thiếu nhi / thiếu niên hết sức hấp dẫn, đó là quyển “Sophie Quire & Người gác truyện cuối cùng” của tác giả Jonathan Auxier.

Khi Augustus Quire và Coriander Quire kết hôn với nhau và cùng mở một tiệm sách ở thành phố Bustleburgh thì cửa tiệm được đặt một cái tên rất thú vị là “Hiệu sách Quire & Quire”. Con gái của họ - Sophie Quire – là một cô bé 12 tuổi vô cùng yêu sách, có năng khiếu đặc biệt trong nghề sửa sách (thừa hưởng từ mẹ cô) và luôn tìm thấy điều kỳ diệu từ những câu truyện kể. Rủi thay, thành phố Bustleburgh nơi Sophie sống đang diễn ra một phong trào mang tên “Không còn những điều vô nghĩa” do thẩm tra viên Sigmund Prigg lập ra. Binh lính đi tịch thu những thứ được cho là vô nghĩa như sách truyện, vật kỷ niệm, vật dụng mang tính ma thuật… để làm nhiên liệu cho lễ Đốt – nơi mọi thứ sẽ bị thiêu hủy trong một đám cháy khổng lồ. Với trái tim yêu sách cháy bỏng, lòng tin vào sự kỳ diệu của ma thuật, cô bé Sophie Quire cố gắng cứu những quyển sách truyện khỏi số phận tàn khốc. Trong hành trình cứu sách của mình, Sophie đã gặp gỡ những người bạn vô cùng đặc biệt, đó là “Đức vua phiêu bạt của những vùng biển không có trên bản đồ”, “Người kể chuyện Hoàng gia của vương quốc HazelPort” và cả những tạo vật khác không phải là người. Cùng với nhau, họ đã nỗ lực vượt qua những thử thách có vẻ vượt quá khả năng, lao vào những hiểm nguy khôn lường để cứu thế giới, cứu những điều tốt đẹp không bị ném vào đống lửa của sự vô nghĩa.

Biết đến tác giả Jonathan Auxier sau quyển “Người làm vườn đêm” nên Biển rất háo hức đọc thêm những tác phẩm khác của ông. Thú thật là cái bìa của “Sophie người gác truyện” quá trẻ con khiến Biển hơi ngần ngại trước khi đọc, nhưng đến trang thứ hai của phần nội dung thì câu chuyện đã cuốn Biển vào vòng xoáy kỳ ảo của nó. Tình tiết được xây dựng trên một cốt truyện vô cùng sáng tạo và nhân văn. Truyện đan xen giữa hiện thực và phép thuật, nhiều nhân vật, bối cảnh thay đổi đa dạng từ hiệu sách đến hầm mộ, từ thư viện đến đầm lầy và bến cảng, có nhiều phân đoạn chiến đấu khốc liệt theo đúng nghĩa đen của từ “máu lửa” nhưng mạch truyện và văn phong không hề rối. Độc giả dễ dàng hình dung được những sự kiện xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, mối liên kết tưởng như lỏng lẻo nhưng lại rất chặt chẽ giữa các nhân vật. Trong lúc đọc, Biển nhiều lần nghĩ đến những bộ truyện/ bộ phim fantasy mình từng đọc/ từng xem như Harry Potter, Chúa tể chiếc nhẫn, Biên niên sử Narnia…, quyển “Sophie & Người gác truyện cuối cùng” vừa giống lại vừa khác những bộ truyện fantasy ấy, không hề thua kém về tính sáng tạo và mức độ hấp dẫn.

“Có những khoảng khắc trong cuộc đời – thường là rất hiếm hoi – bạn đột ngột nhận ra rằng tấm thảm của thế giới lớn rộng hơn và được dệt phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng của mình”.

Tuy là truyện thiếu nhi / thiếu niên – phù hợp với lứa tuổi từ 10~20 – nhưng cá nhân Biển cho rằng câu chuyện xuất sắc này sẽ chiếm được hứng thú + yêu thích của độc giả lớn tuổi hơn. Không hổ danh là giáo sư ngành Văn học Thiếu nhi tại ĐH ở Mỹ, tác giả Jonathan Auxier đã viết nên những tác phẩm tuyệt vời. Yếu tố bản năng được đưa vào từ rất sớm cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện. Dù có vài phân cảnh được viết “lướt qua” hơi nhanh, có cảm giác chưa được giải quyết rốt ráo, nhưng nếu đọc và suy ngẫm kỹ thì thấy không có chi tiết nào vô lý. Phần kết vừa thỏa đáng vừa ngầm gợi mở rằng các nhân vật sẽ có những cuộc phiêu lưu tiếp theo. Thêm một lưu ý là trong lúc đọc quyển này thì Biển cho rằng nên đọc nó sau quyển “Peter Nimble & Những đôi mắt thần”.

Với phần in ấn rất đẹp, dịch thuật tốt, KHÔNG có lỗi chính tả (Biển thích điều này), chữ in to rõ và trình bày đẹp, quyển “Sophie & Người gác truyện cuối cùng” khổ nhỏ, dày hơn 480 trang này sẽ là một tặng phẩm thích hợp và có giá trị dành cho các bạn yêu sách. Biển xin khép lại bài review bằng thêm một câu trích dẫn trong sách: “Người ta không thể xóa bỏ hoàn toàn phép thuật khỏi thế giới, bởi vì mỗi một hạt nhỏ của thế giới đều là phép thuật. Vấn đề chỉ đơn giản là liệu chúng ta có thể nhìn thấy hay không”.

(Sea, 14-9-2018)

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Review sách: Người làm vườn đêm



Tác giả: Jonathan Auxier. Dịch giả: Phương Anh
Thể loại: Văn học kỳ ảo, thiếu nhi. Đánh giá: Hay tuyệt

Ngày Hè, tháng Gió, năm Hoa
Chào em,
Mỗi cuối tuần đều thấy em đi ngang và ghé vào nhà sách bên kia đường, đứng hàng giờ ở kệ văn học nước ngoài, đọc hết cuốn này đến cuốn khác, tôi đã biết em là một kẻ nghiện sách. Em không có nhan sắc rực rỡ khiến người khác phải quay nhìn, nhưng kiểu mỉm cười mà như không cười thể hiện phong thái tự tin của em cộng với vẻ sâu lắng trong ánh mắt khiến tôi chú ý. Tôi nghĩ sẽ rất thú vị nếu được trò chuyện với cô gái bí ẩn này, nên tôi quyết định làm quen bằng cách gửi đến em một quyển sách đẹp đẽ chứa đựng một câu chuyện kỳ lạ, đó là quyển “Người làm vườn đêm” của Jonathan Auxier.

Bối cảnh mở đầu cho những sự việc xảy ra trong câu chuyện này là Nạn Đói Lớn ở Ireland từ năm 1845 đến năm 1852, hàng trăm ngàn người rời khỏi Ireland để tìm công việc và thực phẩm. Họ lên tàu để đến Anh và sau đó đến Bắc Mỹ. Cô bé Molly 14 tuổi cùng cậu em trai Kip 11 tuổi đã mất cha mẹ trong một chuyến đi như vậy. Hai chị em tìm đến nhà Windsor để ở lại như những quản gia kiêm giúp việc. Molly đi chợ, làm bếp, lau dọn nhà cửa và chăm sóc Penny - cô con gái út của gia đình Windsor, còn Kip, bất chấp một chân bị tật phải chống nạng, cậu bé bị buộc phải ngủ ở chuồng ngựa, chăm sóc ngựa và làm vườn. Họ nhanh chóng khám phá ra có một điều xấu xa hắc ám đang bao trùm ngôi nhà và những con người bên trong, nhưng thế lực đen tối đó lại có sức hấp dẫn khó lường, đến nỗi chính Molly cũng từ từ bị cuốn theo.

Theo quan sát của tôi, em là một cô gái mê truyện trinh thám, nên tôi tin em sẽ thích bầu không khí kỳ ảo và những chi tiết bất ngờ, thỉnh thoảng có phần đáng sợ trong quyển sách này. Hoàn toàn không phải là khoác lác khi tôi nói mình đã đọc qua hàng ngàn quyển sách, và tôi phải công nhận tác giả Jonathan Auxier là một người kể chuyện xuất sắc. Ông ấy vốn là giáo sư dạy chuyên ngành văn học thiếu nhi tại Mỹ mà. Những quyển sách của ông tuy viết cho thiếu nhi nhưng đã chiếm được lòng yêu thích của một kẻ không còn trẻ như tôi. Tôi nghĩ độ tuổi có thể đọc sách của ông ấy dao động từ 10 đến 40, nên một người không thích truyện thiếu nhi như em vẫn có thể đọc. Nếu đọc xong mà em không thích thì tôi sẽ đền bù bằng cách dẫn em đi xem cái cây ma quái đã được đề cập đến trong quyển sách này.

Tổng thể câu chuyện rất hay, hai phân đoạn tôi thích nhất là đoạn viết về cách ứng phó với quái vật dưới gầm giường, và đoạn cậu bé Kip phản ứng khi cây nạng bị ném xuống sông. Cây nạng được đặt tên là “Can Đảm”, có lẽ là một cách để người dùng nó luôn tự nhắc nhở mình phải can đảm. Trong khả năng của mình, tôi cũng muốn tặng em một vật gì đó có thể mang theo bên người, đặt tên là “Yêu Thương”, để bất cứ khi nào em nhìn / chạm / nghĩ đến vật đó, em đều nhớ rằng mình đang được yêu thương.

Tôi trích một đoạn cho em đọc thử nhé: “Tiếng bước chân ____ Khi nghe thấy âm thanh này, Molly chẳng muốn gì hơn là vùi đầu dưới chăn và bịt tai lại. Nhưng cha mẹ cô không nuôi dạy cô như thế: Cha mẹ cô tin rằng nếu nghi ngờ có một con quái vật đang trốn dưới gậm giường, ta nên bò xuống để xác nhận điều đó. Và nếu may mắn phát hiện thấy đúng là có một con quái vật đang ở dưới đó – răng nanh nhỏ máu, mắt đỏ long sòng sọc – ta nên nhanh chóng mang cho nó một cái chăn và một bát sữa ấm, để nó không bị cảm lạnh. Nghĩ đến lời dạy đó, Molly choàng khăn lên người và đi lên tầng để tìm kẻ đã để lại dấu chân”.

Quyển “Người làm vườn đêm” không quá dày cũng không quá mỏng, cầm rất vừa tay, độ dài của truyện và tình tiết truyện được xây dựng hợp lý. Với bìa sách ma mị, phần trình bày đẹp, chữ in to rõ, tôi cho rằng em sẽ hài lòng với quyển sách này. Khi đọc xong, nếu muốn trò chuyện với tôi về nội dung sách (thật ra là tôi muốn trò chuyện với em), em hãy cầm theo “Người làm vườn đêm”, đi đến cây cầu màu trắng đối diện hiệu sách quen, bước 20 bước dọc theo con đường lát đá dưới hàng cây rồi mỉm cười nhìn xuống mặt nước, em sẽ nhìn thấy tôi.

Ký tên: Thần Sông

(Review & Photo by Sea, 12-9-2018)

Review sách: Người Con Trai



Tác giả: Jo Nesbo. Dịch giả: Thiên Nga
Thể loại: Trinh thám Bắc Âu. Điểm: 9.5/10

Cách đây vài năm, một bạn nhân viên nhiệt tình của Nhã Nam Thư Quán đã giới thiệu cho Biển về 3 quyển của Jo Nesbo như sau: “Chim Cổ Đỏ và Kẻ Báo Thù có liên quan với nhau, còn Người Con Trai thì đọc không hiểu gì hết” (^o^) nên đó là lý do mãi đến nay Biển mới đọc “Người Con Trai”, phát hiện nó rất dễ hiểu, cốt truyện không liên quan đến 2 quyển kia, và Biển đã có quãng thời gian rất “hưởng thụ” khi đọc quyển sách này.

Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở thành phố Olso, Na Uy. Simon Kefas là một cảnh sát sắp về hưu, từng nghiện cờ bạc nhưng đã cai được. Tuy thường bị một đơn vị cảnh sát khác “dẫm chân” trong các vụ án mạng tàn bạo mà lẽ ra Simon phải được phân công điều tra, ông vẫn cùng với người cộng sự Kari Adel xông vào các vụ án với óc suy luận nhạy bén, khả năng hành động nhanh nhẹn và lòng dũng cảm có thừa. Trong khi đó, chàng trai Sonny Lofthus là một con nghiện ma túy kiêm sát nhân, đã bị giam 12 năm trong nhà tù Haldern. Trong tù, Sonny được xem như “cha giải tội” và “người chữa bệnh”cho các tù nhân. Anh nhận tội những vụ án do người khác gây ra để ma túy được tuồn vào tù cho anh, nhưng ngày nọ Sonny đã phủ nhận một lời thú tội trước đó. Tình huống đưa đẩy Simon Kefas dính líu đến trường hợp của Sonny Lofthus, hai người nhanh chóng nhận ra họ đang vướng vào một thế cục nguy hiểm, liên quan rất rộng đến các thể loại cớm bẩn, bọn xã hội đen và những kẻ quyền chức tham nhũng – những kẻ coi mạng người rẻ rúng hơn cả cỏ rác.

Sau nhiều ngày bị “bội thực chữ”, ngẩn ngẩn ngơ ngơ không đọc được quyển sách nào (thật ra vì đã hết sách to + dày để đọc), Biển quyết định khơi gợi lại tình yêu đọc sách của mình bằng một quyển của Jo Nesbo mà Biển đã “ngâm” vài tháng. Chọn thể loại trinh thám Bắc Âu là một quyết định sáng suốt, Biển vừa đọc vừa cười hạnh phúc, lòng thầm nghĩ “Tiền bối Jo Nesbo ơi, xin hãy nhận sự ngưỡng mộ của tại hạ!”. Đánh giá chủ quan thì Biển cho rằng quyển “Người Con Trai” hay hơn “Kẻ Báo Thù”. Sau khoảng 10 chương đầu hơi chậm rãi thì nội dung truyện bắt đầu cuốn hút, rồi thì độc giả không muốn dứt khỏi quyển sách. Tuy bối cảnh truyện ở Bắc Âu nhưng phần lớn thời tiết trong truyện là nắng đẹp, ít tuyết, ít âm u. Địa điểm chuyển đổi liên tục từ văn phòng cảnh sát đến những cánh rừng hoang hung hiểm, rồi đến nhà hàng hải sản nhưng thực ra là hang ổ tội phạm. Trong và sau khi đọc, độc giả được bao bọc bởi bầu không khí sôi nổi, niềm hứng khởi với những tình tiết hấp dẫn của truyện. Văn phong của tác giả Jo Nesbo là sự kết hợp giữa tính mềm mại nhẩn nha của văn chương tiểu thuyết và tính cứng cỏi hoạt bát của văn viết báo. Truyện có rất nhiều câu dài, chứa đựng nhiều chi tiết khiến ta phải đọc lại vài lần để thấu hiểu và thưởng thức được cái hay của nó. Tuy những vụ án trong quyển này khá tàn bạo nhưng không đáng sợ lắm, bên cạnh đó, yếu tố lãng mạn và ngọt ngào chắc chắn sẽ làm hài lòng các độc giả nữ.

Phát biểu cảm nghĩ cá nhân một chút: Biển thích nam chính ngay từ khi anh mới xuất hiện trong truyện. Sonny Lofthus là một tù nhân có tính tình trầm tĩnh, nói ít nghe nhiều, ánh mắt thấu suốt và sức mạng tiềm tàng. Anh vừa là một kẻ sát nhân máu lạnh vừa là một người tình ấm áp. Không biết tác giả có cố ý xây dựng hình tượng nam chính hoàn hảo như vậy để lôi cuốn mấy độc giả ngây ngô khờ khạo như Biển không. Đọc truyện “Người Con Trai” mà nhớ đến quyển “Vòng Hoa Cúc”, giờ thì Biển đã hiểu được vì sao có những phụ nữ đem lòng yêu kẻ sát nhân. Có lẽ không phải lúc nào kết thúc sinh mạng người khác cũng là điều xấu điều sai. Những cá nhân dữ dội, hào hùng, có bộ gene tốt sẽ luôn thu hút được sự ngưỡng mộ của một nhóm người nào đó.

Phải thừa nhận “Người Con Trai” vẫn có nhiều chi tiết vô lý (thật ra Biển thấy cả câu chuyện khá vô lý luôn) nhưng vì quá yêu thích nên Biển bỏ qua. Phần dịch thuật xuất sắc góp phần truyền tải cái hay của truyện. Bìa sách đơn giản, khổ sách to dày với hơn 450 trang hứa hẹn đem lại trải nghiệm đọc sách đáng nhớ cho mọt trinh thám. Tạp chí Los Angeles Time đã khen ngợi quyển này như sau: “Giờ Stieg Larsoson đã nằm dưới mặt đất. Jo Nesbo chính là vị vua thống trị dòng tiểu thuyết trinh thám toàn cõi Scandinavia”. Biển nghĩ lời khen này rất chính xác.

(Sea, 15-8-2018)

Review sách: Hơi thở cuối cùng



Tác giả: Robert Dugoni. Dịch giả: Phạm Minh Trang
Thể loại: Trinh thám pháp lý. Điểm: 7/10 (ko cho điểm khi post lên các group)

Thứ tự đọc các cuốn trinh thám của Robert Dugoni (đã dịch sang tiếng Việt) là Căn Hầm Tối, Hơi Thở Cuối Cùng, Trảng Đất Trống, Mắc Kẹt, nhưng Biển thì đọc lung tung tùy hứng, sau khi đọc hết mấy cuốn kia thì đến giờ mới đọc Hơi Thở Cuối Cùng.

Trong quyển “Căn Hầm Tối” có đề cập một chút đến vụ án cô vũ công Nicole Hansen, vốn được phân công cho phòng ban của Tracy Crosswhite. Khi Tracy trở về Cedar Grove để điều tra lại vụ mất tích của cô em gái Sarah Crosswhite thì vụ án Nicole được xếp vào nhóm hồ sơ tồn đọng. Trong quyển “Hơi Thở Cuối Cùng”, tác giả đưa người đọc trở lại với vụ án sát hại Nicole Hansen cùng hàng loạt những vũ công khác. Tất cả họ đều bị tra tấn một cách tàn nhẫn trước khi chết: tay chân bị trói ngược ra sau và tròng một vòng dây thòng lọng quanh cổ, khi họ không chịu nổi nữa và duỗi chân ra thì thòng lọng sẽ siết chặt khiến họ nghẹt thở chết. Chưa hết, tên sát nhân – được nhóm điều tra đặt cho biệt danh Cao Bồi – còn dụi thuốc lá cháy đỏ vào lòng bàn chân các vũ công. Trong lúc toàn bộ phòng điều tra của Tracy làm việc cật lực và nghiêm túc để sớm bắt Cao Bồi, ngăn chặn các hành vi sát nhân tàn ác của hắn, thì ông sếp Johnny Nolassco vẫn là một kẻ tiểu nhân thảm hại như mọi khi, vừa cố dìm hàng Tracy vừa bán tin tức cho giới truyền thông để gây khó dễ cho công tác điều tra. Rất may, Tracy nhận được sự giúp đỡ đắc lực từ chàng luật sư Daniel O’Leary – là bạn thời thơ ấu và là người yêu hiện tại của cô.

Do thiết kế bìa sách và tựa sách có vẻ không hấp dẫn lắm nên Biển để dành cuốn này khá lâu và đọc nó sau cùng trong loạt truyện của Robert Dugoni. Câu chuyện không có nhiều khoảnh khắc vỡ ra sự thật đau lòng như trong cuốn “Trảng Đất Trống”, không có những cảnh tranh cãi ấn tượng của Daniel O’Leary ở tòa án như trong cuốn “Căn Hầm Tối”, nhưng “Hơi Thở Cuối Cùng” vẫn là một truyện được tác giả viết khá chắc tay, tình tiết thống nhất với những quyển khác trong cùng loạt sách về Tracy Crosswhite. Có một điều chưa thỏa mãn là trong quyển này chàng luật sư Dan ít đất diễn, chỉ được khắc họa hình ảnh như một người đàn ông gần như hoàn hảo, vừa giúp đỡ Tracy trong việc điều tra vừa nấu cho cô ấy những bữa ăn ngon. Biển còn chủ quan cho rằng có một chi tiết tác giả đã dìm hàng anh Dan: nhập mã số mở khóa cửa nhà mà không che lại, khiến người khác quan sát được qua ống nhòm.

Biển bỏ qua hoàn toàn những đoạn giữa ông sếp Johnny Nolassco và cô phóng viên Maria Vanpelt, vì không đọc cũng chẳng ảnh hưởng đến việc hiểu cốt truyện. Phần kết thúc truyện có chút vô lý nhưng có lẽ diễn biến như thế là sát với thực tế, không quá ảo, tuy nhiên kết như vậy khiến Biển không thỏa mãn chút nào. Cuộc đời là thế chăng, người vô tội thì chết còn những thể loại phản diện vẫn sống trơ trơ để làm khổ kẻ khác, có lẽ phải trải qua đau thương thì người ta mới biết giá trị của hạnh phúc, phải trải qua khó chịu thì mới biết giá trị của thoải mái!

Cá nhân Biển cho rằng quyển “Hơi Thở Cuối Cùng” không xuất sắc lắm, đọc tạm được. Nghe đồn Đinh Tị sẽ xuất bản thêm một cuốn nữa của Robert Dugoni, hy vọng đó sẽ là một câu chuyện máu lửa bùng cháy, đem lại ấn tượng sâu đậm khó quên cho độc giả (khó tính như Biển).

(Sea, 9-9-2018)

Review sách: Cổ tích của người điên



Tác giả: Thời Thần. Dịch giả: Thủy Phương
Thể loại: Trinh thám TQ. Điểm: 9/10

Nghe nói đến “Cổ tích của người điên” đã lâu nhưng nay mới có dịp đọc, khá hài lòng vì hiếm khi gặp được một quyển trinh thám TQ hay và sáng tạo như câu chuyện này.

20 năm trước, tại biệt thự Vỏ Chai đã xảy ra vụ thảm sát hàng loạt, 5 người chết, gia chủ Cổ Vĩnh Huy bị bắt và nhốt vào bệnh viện tâm thần, thế nhưng có nhiều người cho rằng gia chủ không phải là thủ phạm, phía cảnh sát bó tay không phá giải được vụ án. 20 năm sau, con trai của Cổ Vĩnh Huy là Cổ Dương vì muốn trả lại trong sạch cho cha mình, đã mời những bậc nhân tài trong các lĩnh vực vật lý, toán học, tâm lý tội phạm, ảo thuật, bác sĩ tâm thần… đến biệt thự Vỏ Chai để cùng lật lại vụ án năm xưa. Sự họp mặt của họ đã đánh động hung thủ khiến hắn lần nữa ra tay giết người. Câu chuyện được thuật lại qua lời kể của Hàn Tấn, bạn của nhà toán học kiêm thám tử Trần Tước – một trong những người được mời đến biệt thự.

Khác với những quyển trinh thám TQ nếu không mô tả nam chính nữ chính xinh đẹp lộng lẫy cốt cách siêu phàm thì cũng đưa vào truyện các chi tiết siêu nhiên khó tin, quyển “Cổ tích của người điên” tuy bắt đầu bằng một câu chuyện cổ tích nghe có vẻ rất mông lung nhưng toàn bộ nội dung lại gây cấn cuốn hút như một quyển trinh thám hiện đại phương Tây. Số lượng nhân vật hơi nhiều, các chi tiết đan xen chồng chéo giữa quá khứ và hiện tại khiến người đọc phải tập trung và ghi nhớ những gì đã đọc để hiểu rõ truyện hơn. Những vụ giết người 20 năm trước và 20 năm sau đều có cùng động cơ. Yếu tố yêu hận tình thù khiến câu chuyện trở nên quá đau lòng. Trong lúc đọc, Biển đã lờ mờ đoán (và đoán đúng) về hung thủ và động cơ giết người của hắn. Câu chuyện cổ tích ở đầu sách là manh mối quan trọng giúp phá án nên bạn hãy đọc kỹ.

Dường như tác giả có ý muốn trêu đùa người đọc khi đưa vào một chút hint đam mỹ giữa Trần Tước và Hàn Tấn, nhưng từ đánh giá hết sức khách quan thì Biển cho rằng hai người đó chỉ là bạn đơn thuần, nhưng cuộc đời mà, ai biết đâu ngày mai. Nếu Biển nhớ không lầm thì hình như chính Trần Tước cho rằng đầu óc con người còn khó lý giải hơn phương trình toán học nữa. Nhân vật này cũng là một thiên tài lập dị mắc chứng bệnh tự kỷ chức năng cao, một loại rối loạn nhân cách phản xã hội điển hình nhưng không nguy hiểm. Cậu ta đưa ra những dẫn chứng rất thuyết phục về môn hóa học để chê bai cả thám tử Sherlock Holmes. Có một câu nói của Trần Tước tuy không chính xác lắm nhưng khiến Biển thấy thú vị vì tính lạc quan của nó: “Bao giờ cách giải quyết chẳng nhiều hơn vấn đề”!

“Cổ tích của người điên” là quyển sách không dày, có thể đọc hết trong một ngày, hiện vẫn còn bán online trên Tiki và Fahsa, hoặc có thể đọc trên wattpad. Câu chuyện có phong vị kết hợp giữa kinh điển và hiện đại này chắc chắn sẽ làm hài lòng các mọt trinh thám.

(Sea, 1-9-2018)

Review sách: Nhật ký bí mật của Chúa



Tác giả: Raymond Khoury. Dịch giả: Lê Trọng Nghĩa
Thể loại: Trinh thám hiện đại. Điểm: 8/10

Vì đã quen dùng cụm từ “Hiệp sĩ dòng Đền” chứ không phải “Hiệp sĩ Đền Thánh” như trong bản dịch này nên trong suốt bài review Biển sẽ ghi là “Hiệp sĩ dòng Đền”.

Trong buổi triển lãm “Các báu vật của Vatican” tổ chức tại Bảo tàng Metropolitan (New York), giữa lúc quan khách ăn vận sang trọng đang chiêm ngưỡng các hiện vật được trưng bày, bốn người mặc trang phục hiệp sĩ dòng Đền, đội mũ sắt che kín mặt, cưỡi ngựa xông vào bảo tàng, dùng kiếm lẫn súng cướp phá và giết người. Nhà khảo cổ Tess Chaykin tình cờ ở gần nơi trưng bày chiếc máy mã hóa trục quay đa hộp số khi nó bị một tên cướp lấy đi. Với bản tính xông xáo, gan lì, sử dụng những kiến thức khảo cổ của mình, Tess đã hợp tác với đội điều tra của viên đặc vụ FBI Sean Reilly để tìm ra những tên tội phạm đã gây ra vụ án tàn bạo tại buổi triển lãm, cố gắng thu hồi các hiện vật bị cướp. Hoàn cảnh đưa đẩy Tess và Reilly rơi vào cuộc hành trình khám phá thứ được đồn đãi là kho báu khổng lồ của các Hiệp sĩ dòng Đền từ thế kỷ 13.

Đọc vài chương đầu, cảm xúc bồng bột nông nổi khiến Biển cho rằng quyển này còn hay hơn “Mật mã Da Vinci” của Dan Brown, nhưng đọc đến gần cuối thì phải rút lại suy nghĩ ban đầu của mình. Nội dung “Nhật ký bí mật của Chúa” đan xen giữa hiện thực và quá khứ khiến Biển thoáng nghĩ đến “Khu vườn xương” của tác giả Tess Gerritsen, nhưng Raymond Khoury viết hấp dẫn hơn nhiều. Vụ cướp ở bảo tàng diễn ra ngay từ những chương đầu khiến độc giả sớm bị cuốn hút vào sách. Tình tiết ở đầu và giữa truyện khá hợp lý nhưng đến cuối truyện thì Biển có cảm giác diễn tiến hơi bị nhanh và sơ sài. Trong lúc đọc có nhiều lần Biển bực mình với sự thiếu linh hoạt + quá ngu ngơ của nhân vật. Kết thúc có vẻ quá chóng vánh và không thỏa đáng. Tuy vậy, vì sách dày, cốt truyện cũng hay, có nhiều kiến thức lịch sử - tôn giáo – văn hóa nên cũng độc giả thưởng thức được khoảng thời gian thú vị trong khi đọc. Những câu văn dài được viết với một văn phong có phần hoa mỹ đem đến cho độc giả một tác phẩm văn chương trinh thám hấp dẫn.

“… những tác phẩm này cũng kiểu như là một loại ngộ đạo, vì mặc dù nhắc đến Jesus và các môn đệ của Ngài, nhưng thông điệp mà chúng truyền tải lại là hiểu biết bản thân mình ở mức độ sâu xa nhất cũng là hiểu biết về Thượng Đế - nghĩa là, bằng cách nhìn vào bản thân mình để tìm ra nguồn gốc của niềm vui, nỗi buồn, tình thương yêu và lòng thù hận, người ta sẽ tìm thấy Thượng Đế”.

Tác phẩm này cũng khiến Biển liên tưởng đến “Bí ẩn tông đồ thứ 13” của Michel Benoit với nhiều kiến thức + giả thuyết có thể khiến các tín đồ sùng đạo của Thiên Chúa giáo phải tức giận. Trong “Nhật ký bí mật của Chúa”, độc giả có thể nhận thấy Thiên Chúa giáo – vốn là một tôn giáo độc thần – đã dùng ảnh hưởng của mình để tàn sát vô số người và phá hủy vô vàn điều tốt đẹp trong lịch sử đã qua, và có thể vẫn đang giữ những tư tưởng bảo thủ trong xã hội hiện tại. Câu chuyện trong sách tuy không trực tiếp lên án một cách gay gắt nhưng cũng không ngần ngại đưa ra những sự kiện chứng tỏ cho những sai lầm của tôn giáo này.

“Jesus trong các văn bản này chỉ là một người thông minh đi khắp nơi để rao giảng về nột cuộc sống lang thang vô sản và toàn tâm toàn ý yêu thương nhân loại. Ngài không ở đây để cứu vớt chúng ta khỏi tội lỗi và kiếp đọa đày vĩnh cửu, Ngài chỉ ở đây để hướng chúng ta đến với một kiểu nhận thức tâm linh”.

“Nhật ký bí mật của Chúa” đã ngừng bán trên Tiki & Fahasa, còn bán trên website Nhã Nam, hoặc có thể tìm thấy trong các tiệm sách cũ. Tuy cá nhân Biển không thích quyển sách này lắm nhưng có lẽ nhiều người sẽ thấy nó hay. Truyện cũng đã được chuyển thể thành phim “The Last Templar” có chiếu trên Youtube nhưng Biển thấy phim rất chán và chỉnh sửa nhiều thứ, bạn nào quan tâm có thể tìm xem.
(Sea, 29-8-2018)