lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Review sách: Sophie Quire & Người gác truyện cuối cùng



Tác giả: Jonathan Auxier. Dịch giả: Phương Anh
Thể loại: Truyện kỳ ảo thiếu nhi. Đánh giá: Tuyệt vời
Gần 15 năm trước Biển từng thức đến 2h sáng để đọc bộ truyện Tim Mực + Máu Mực của tác giả Cornelia Funke (phần 3 chưa được dịch sang tiếng Việt, hình như đã drop); trong vòng chục năm gần đây lại tiếp tục say mê với các bộ sách của Cassandra Clare; và trong vài ngày trước đã phát hiện thêm một câu chuyện kỳ ảo / thiếu nhi / thiếu niên hết sức hấp dẫn, đó là quyển “Sophie Quire & Người gác truyện cuối cùng” của tác giả Jonathan Auxier.

Khi Augustus Quire và Coriander Quire kết hôn với nhau và cùng mở một tiệm sách ở thành phố Bustleburgh thì cửa tiệm được đặt một cái tên rất thú vị là “Hiệu sách Quire & Quire”. Con gái của họ - Sophie Quire – là một cô bé 12 tuổi vô cùng yêu sách, có năng khiếu đặc biệt trong nghề sửa sách (thừa hưởng từ mẹ cô) và luôn tìm thấy điều kỳ diệu từ những câu truyện kể. Rủi thay, thành phố Bustleburgh nơi Sophie sống đang diễn ra một phong trào mang tên “Không còn những điều vô nghĩa” do thẩm tra viên Sigmund Prigg lập ra. Binh lính đi tịch thu những thứ được cho là vô nghĩa như sách truyện, vật kỷ niệm, vật dụng mang tính ma thuật… để làm nhiên liệu cho lễ Đốt – nơi mọi thứ sẽ bị thiêu hủy trong một đám cháy khổng lồ. Với trái tim yêu sách cháy bỏng, lòng tin vào sự kỳ diệu của ma thuật, cô bé Sophie Quire cố gắng cứu những quyển sách truyện khỏi số phận tàn khốc. Trong hành trình cứu sách của mình, Sophie đã gặp gỡ những người bạn vô cùng đặc biệt, đó là “Đức vua phiêu bạt của những vùng biển không có trên bản đồ”, “Người kể chuyện Hoàng gia của vương quốc HazelPort” và cả những tạo vật khác không phải là người. Cùng với nhau, họ đã nỗ lực vượt qua những thử thách có vẻ vượt quá khả năng, lao vào những hiểm nguy khôn lường để cứu thế giới, cứu những điều tốt đẹp không bị ném vào đống lửa của sự vô nghĩa.

Biết đến tác giả Jonathan Auxier sau quyển “Người làm vườn đêm” nên Biển rất háo hức đọc thêm những tác phẩm khác của ông. Thú thật là cái bìa của “Sophie người gác truyện” quá trẻ con khiến Biển hơi ngần ngại trước khi đọc, nhưng đến trang thứ hai của phần nội dung thì câu chuyện đã cuốn Biển vào vòng xoáy kỳ ảo của nó. Tình tiết được xây dựng trên một cốt truyện vô cùng sáng tạo và nhân văn. Truyện đan xen giữa hiện thực và phép thuật, nhiều nhân vật, bối cảnh thay đổi đa dạng từ hiệu sách đến hầm mộ, từ thư viện đến đầm lầy và bến cảng, có nhiều phân đoạn chiến đấu khốc liệt theo đúng nghĩa đen của từ “máu lửa” nhưng mạch truyện và văn phong không hề rối. Độc giả dễ dàng hình dung được những sự kiện xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, mối liên kết tưởng như lỏng lẻo nhưng lại rất chặt chẽ giữa các nhân vật. Trong lúc đọc, Biển nhiều lần nghĩ đến những bộ truyện/ bộ phim fantasy mình từng đọc/ từng xem như Harry Potter, Chúa tể chiếc nhẫn, Biên niên sử Narnia…, quyển “Sophie & Người gác truyện cuối cùng” vừa giống lại vừa khác những bộ truyện fantasy ấy, không hề thua kém về tính sáng tạo và mức độ hấp dẫn.

“Có những khoảng khắc trong cuộc đời – thường là rất hiếm hoi – bạn đột ngột nhận ra rằng tấm thảm của thế giới lớn rộng hơn và được dệt phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng của mình”.

Tuy là truyện thiếu nhi / thiếu niên – phù hợp với lứa tuổi từ 10~20 – nhưng cá nhân Biển cho rằng câu chuyện xuất sắc này sẽ chiếm được hứng thú + yêu thích của độc giả lớn tuổi hơn. Không hổ danh là giáo sư ngành Văn học Thiếu nhi tại ĐH ở Mỹ, tác giả Jonathan Auxier đã viết nên những tác phẩm tuyệt vời. Yếu tố bản năng được đưa vào từ rất sớm cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện. Dù có vài phân cảnh được viết “lướt qua” hơi nhanh, có cảm giác chưa được giải quyết rốt ráo, nhưng nếu đọc và suy ngẫm kỹ thì thấy không có chi tiết nào vô lý. Phần kết vừa thỏa đáng vừa ngầm gợi mở rằng các nhân vật sẽ có những cuộc phiêu lưu tiếp theo. Thêm một lưu ý là trong lúc đọc quyển này thì Biển cho rằng nên đọc nó sau quyển “Peter Nimble & Những đôi mắt thần”.

Với phần in ấn rất đẹp, dịch thuật tốt, KHÔNG có lỗi chính tả (Biển thích điều này), chữ in to rõ và trình bày đẹp, quyển “Sophie & Người gác truyện cuối cùng” khổ nhỏ, dày hơn 480 trang này sẽ là một tặng phẩm thích hợp và có giá trị dành cho các bạn yêu sách. Biển xin khép lại bài review bằng thêm một câu trích dẫn trong sách: “Người ta không thể xóa bỏ hoàn toàn phép thuật khỏi thế giới, bởi vì mỗi một hạt nhỏ của thế giới đều là phép thuật. Vấn đề chỉ đơn giản là liệu chúng ta có thể nhìn thấy hay không”.

(Sea, 14-9-2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét