Tác giả: Jonathan
Auxier. Dịch giả: Phương Anh
Thể loại: Văn học kỳ ảo,
thiếu nhi. Đánh giá: Hay tuyệt
Ngày Hè, tháng Gió, năm
Hoa
Chào em,
Mỗi cuối tuần đều thấy
em đi ngang và ghé vào nhà sách bên kia đường, đứng hàng giờ ở kệ văn học nước
ngoài, đọc hết cuốn này đến cuốn khác, tôi đã biết em là một kẻ nghiện sách. Em
không có nhan sắc rực rỡ khiến người khác phải quay nhìn, nhưng kiểu mỉm cười
mà như không cười thể hiện phong thái tự tin của em cộng với vẻ sâu lắng trong
ánh mắt khiến tôi chú ý. Tôi nghĩ sẽ rất thú vị nếu được trò chuyện với cô gái
bí ẩn này, nên tôi quyết định làm quen bằng cách gửi đến em một quyển sách đẹp
đẽ chứa đựng một câu chuyện kỳ lạ, đó là quyển “Người làm vườn đêm” của
Jonathan Auxier.
Bối cảnh mở đầu cho những
sự việc xảy ra trong câu chuyện này là Nạn Đói Lớn ở Ireland từ năm 1845 đến
năm 1852, hàng trăm ngàn người rời khỏi Ireland để tìm công việc và thực phẩm. Họ
lên tàu để đến Anh và sau đó đến Bắc Mỹ. Cô bé Molly 14 tuổi cùng cậu em trai
Kip 11 tuổi đã mất cha mẹ trong một chuyến đi như vậy. Hai chị em tìm đến nhà
Windsor để ở lại như những quản gia kiêm giúp việc. Molly đi chợ, làm bếp, lau
dọn nhà cửa và chăm sóc Penny - cô con gái út của gia đình Windsor, còn Kip, bất
chấp một chân bị tật phải chống nạng, cậu bé bị buộc phải ngủ ở chuồng ngựa,
chăm sóc ngựa và làm vườn. Họ nhanh chóng khám phá ra có một điều xấu xa hắc ám
đang bao trùm ngôi nhà và những con người bên trong, nhưng thế lực đen tối đó lại
có sức hấp dẫn khó lường, đến nỗi chính Molly cũng từ từ bị cuốn theo.
Theo quan sát của tôi,
em là một cô gái mê truyện trinh thám, nên tôi tin em sẽ thích bầu không khí kỳ
ảo và những chi tiết bất ngờ, thỉnh thoảng có phần đáng sợ trong quyển sách
này. Hoàn toàn không phải là khoác lác khi tôi nói mình đã đọc qua hàng ngàn
quyển sách, và tôi phải công nhận tác giả Jonathan Auxier là một người kể chuyện
xuất sắc. Ông ấy vốn là giáo sư dạy chuyên ngành văn học thiếu nhi tại Mỹ mà.
Những quyển sách của ông tuy viết cho thiếu nhi nhưng đã chiếm được lòng yêu
thích của một kẻ không còn trẻ như tôi. Tôi nghĩ độ tuổi có thể đọc sách của
ông ấy dao động từ 10 đến 40, nên một người không thích truyện thiếu nhi như em
vẫn có thể đọc. Nếu đọc xong mà em không thích thì tôi sẽ đền bù bằng cách dẫn
em đi xem cái cây ma quái đã được đề cập đến trong quyển sách này.
Tổng thể câu chuyện rất
hay, hai phân đoạn tôi thích nhất là đoạn viết về cách ứng phó với quái vật dưới
gầm giường, và đoạn cậu bé Kip phản ứng khi cây nạng bị ném xuống sông. Cây nạng
được đặt tên là “Can Đảm”, có lẽ là một cách để người dùng nó luôn tự nhắc nhở
mình phải can đảm. Trong khả năng của mình, tôi cũng muốn tặng em một vật gì đó
có thể mang theo bên người, đặt tên là “Yêu Thương”, để bất cứ khi nào em nhìn
/ chạm / nghĩ đến vật đó, em đều nhớ rằng mình đang được yêu thương.
Tôi trích một đoạn cho
em đọc thử nhé: “Tiếng bước chân ____ Khi nghe thấy âm thanh này, Molly chẳng
muốn gì hơn là vùi đầu dưới chăn và bịt tai lại. Nhưng cha mẹ cô không nuôi dạy
cô như thế: Cha mẹ cô tin rằng nếu nghi ngờ có một con quái vật đang trốn dưới
gậm giường, ta nên bò xuống để xác nhận điều đó. Và nếu may mắn phát hiện thấy
đúng là có một con quái vật đang ở dưới đó – răng nanh nhỏ máu, mắt đỏ long
sòng sọc – ta nên nhanh chóng mang cho nó một cái chăn và một bát sữa ấm, để nó
không bị cảm lạnh. Nghĩ đến lời dạy đó, Molly choàng khăn lên người và đi lên tầng
để tìm kẻ đã để lại dấu chân”.
Quyển “Người làm vườn
đêm” không quá dày cũng không quá mỏng, cầm rất vừa tay, độ dài của truyện và
tình tiết truyện được xây dựng hợp lý. Với bìa sách ma mị, phần trình bày đẹp,
chữ in to rõ, tôi cho rằng em sẽ hài lòng với quyển sách này. Khi đọc xong, nếu
muốn trò chuyện với tôi về nội dung sách (thật ra là tôi muốn trò chuyện với
em), em hãy cầm theo “Người làm vườn đêm”, đi đến cây cầu màu trắng đối diện hiệu
sách quen, bước 20 bước dọc theo con đường lát đá dưới hàng cây rồi mỉm cười
nhìn xuống mặt nước, em sẽ nhìn thấy tôi.
Ký tên: Thần Sông
(Review & Photo by
Sea, 12-9-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét