lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Review: Manh Mối Tử Thần



Tác giả: Joanne Fluke. Dịch giả: Đỗ Ngọc Quỳnh Thư
Thể loại: Trinh thám hiện đại. Đánh giá: Đọc được

Biển đã tò mò một thời gian dài về hai quyển sách của tác giả Joanne Fluke là “Manh mối tử thần” và “Bản kháng cáo cuối cùng” nhưng không thấy ai review, do đó khi có dịp hốt quyển “Manh mối tử thần” với giá giảm 60% thì Biển hốt liền, thật may là sách đọc khá được (“khá”+ “được” = “khá được”, nếu chấm thành điểm số chắc khoảng 7.5/10 điểm).

Theo suy nghĩ cá nhân Biển thì trong quyển này không có nhân vật chính, thôi thì hãy xem như những ai sống sót đến cuối cùng sẽ là nhân vật chính! Bối cảnh câu chuyện chủ yếu diễn ra ở tòa nhà chín tầng Deer Creek gần Las Vegas, có thể nhìn thẳng ra khung cảnh núi Charleston. Khi hai người họ hàng xa qua đời, nữ giáo viên Ellen Wingate được thừa kế khối tài sản hàng triệu dollars cùng căn hộ siêu sang trên tầng 8 của tòa nhà Deer Creek. Hai năm sau khi Ellen chính thức định cư tại đó, những sự kiện kỳ quặc đáng sợ liên tiếp xảy ra cho những người đang sống trong tòa nhà. Vì thảm họa thiên nhiên nên họ cũng không thể liên lạc với thế giới bên ngoài, do đó những con người thượng lưu sống trong Deer Creek buộc phải nỗ lực để bảo vệ mạng sống chính mình và người thân. Ellen Wingate không phải nhân vật chính của truyện, ngoài cô ấy ra còn khoảng chục nhân vật khác đều là người sống trong tòa nhà Deer Creek, tần suất xuất hiện tương tự nhau và vai trò của họ trong truyện cũng quan trọng như nhau.

Qua một vài kinh nghiệm không vui, dù biết là không nên nhưng Biển vẫn hơi có thành kiến rằng tác giả nữ viết truyện trinh thám không hay bằng tác giả nam, do đó Biển khá lo lắng trước khi đọc “Manh mối tử thần”. Thật may, đây là một quyển sách khá lôi cuốn, trong lúc đọc không hề có lần nào Biển muốn bỏ sách xuống. Có thể một số người sẽ cho rằng motip trong truyện này hơi giống “10 người da đen nhỏ” hoặc “Thập giác quán”, Biển cũng công nhận điều đó, nhưng tác giả Joanne Fluke dù có cố ý viết một câu truyện hơi giống hai tác phẩm kia, thì bà ấy cũng đã thành công trong việc sáng tạo ra một cốt truyện mới mẻ, không trùng lập, không đi theo lối mòn. Đối với một đứa không dám đọc truyện kinh dị như Biển thì “Manh mối tử thần” đem đến một bầu không khí ly kỳ hồi hộp, các vụ giết người cũng đủ rùng rợn gây khó ngủ, tình tiết tương đối hợp lý dù nếu soi kỹ thì vẫn có nhiều chi tiết vô lý. Sau khi đọc quyển này mà bước vào những xưởng bánh / gian bếp có chiếc tủ lạnh lớn thì Biển không tránh khỏi tưởng tượng lung tung và tự dọa mình sợ!

Có thể do văn phong của tác giả Joanne Fluke minh bạch dễ hiểu, cũng có thể do dịch giả chuyển ngữ tốt, câu chữ trong truyện này rõ ràng lưu loát, không có hoặc có rất ít lỗi chính tả, thêm phần in ấn + trình bày sạch sẽ đẹp mắt nên đọc rất dễ chịu. Tuy vậy, có cảm giác “đầu voi đuôi chuột” một chút, vì sau cả một câu chuyện được xây dựng kín kẽ như thế thì cái kết có vẻ hơi quá nhanh quá thuận lợi, thêm vài chi tiết vô lý nữa. Nhưng, vì tổng thể của “Manh mối tử thần” khiến Biển hài lòng nên Biển sẽ không ngần ngại tìm đọc thêm quyển “Bản kháng cáo cuối cùng” của tác giả này.

(Sea, 24-11-2018)

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

Review Mê Cung Án



Tác giả: Robert Van Gulik. Dịch giả: Nguyễn Việt Hải
Thể loại: Trinh thám phương Đông viết bởi tác giả phương Tây
Đánh giá: Khá hay, đáng đọc

Thú thật là Biển đang theo đuổi Ma nữ nhưng vì quá nhớ nhung Địch Công nên đành tàn nhẫn cương quyết chia tay Ma nữ để tiếp tục đầy nhiệt tình mà chạy theo Địch Công :3

“Mê Cung Án” là cột mốc thứ 10 trong sự nghiệp quan án của vị quan Địch Nhân Kiệt khi ông nhận chức Huyện lệnh tại huyện Lan Phường. Ngay khi đến nơi, đoàn người của Địch Công đã sửng sốt đối diện với thái độ thờ ơ lạnh nhạt của bách tính, công đường thì bị bỏ hoang bám bụi. Chưa kịp uống chén trà sau khi đi đường xa, Địch Công cùng các trợ thủ đã bị cuốn vào những sự việc gây cấn liên quan đến một tên ác bá đang làm mưa làm gió trong vùng. Sóng trước chưa tan sóng sau đã tới, họ lại thấy mình lọt vào một vụ án mạng trong phòng kín, rồi thêm một vụ án liên quan đến một vị tuần phủ nổi tiếng Đại Đường chín năm trước đã qua đời tại Lan Phường, tiếp theo đó là những sự kiện bê bối xảy ra trong gia tộc ông ta. Để xử lý tất cả những vụ án ào ạt ập đến, Địch Công không những phải vận dụng triệt để khả năng thần thám của mình mà còn phải vắt óc nhanh chóng đưa ra các giải pháp để cứu bản thân, cứu bách tính Lan Phường thoát khỏi một trận chiến biên cương đẫm máu.

Xét về tầm vóc, nội dung của “Mê cung án” hoành tráng không kém quyển “Bí mật quả chuông”, nhiều vụ án phức tạp đan cài lẫn nhau, dính líu đến cả quan quân triều đình và mối nguy bị xâm phạm biên cương. Ở một khía cạnh nào đó, “Mê cung án” thật sự là một “mê cung chữ” đối với Biển, lúc đọc phải hết sức tập trung để theo kịp những tình tiết dồn dập, hiểu kịp những suy luận cực kỳ nhạy bén của Địch Công. Tất cả các chi tiết chính trong truyện được tác giả Robert Van Gulik lấy ý tưởng từ những vụ án trong sách lịch sử TQ cổ, phần “mê cung” là do tác giả tự thêm vào. Một lần nữa, Robert Van Gulik đã cho độc giả thấy được khả năng xuất sắc của ông khi kết hợp tài tình giữa lịch sử và hư cấu, sử dụng bút pháp điêu luyện và văn phong minh bạch của mình để viết ra một câu chuyện rất lôi cuốn. Truyện của ngài Van Gulik có một phong vị rất đặc biệt, truyện nào cũng như có ma lực khiến Biển không muốn buông sách xuống. Cảm giác này cũng giống như khi đọc truyện của Harlan Coben hoặc John Grisham. Có lẽ những tác giả này có tư chất bẩm sinh + sự luyện tập đến mức thượng thừa trong việc viết truyện trinh thám.

Trang 127 có một đoạn hơi “xạo”, do đó khiến độc giả không thể không bật cười :)
“Ta chưa bao giờ kể cho ngươi về chuyện quan binh Đại Đường vượt Hoàng Hà sao? Không có cầu hay thuyền bè, Đại tướng quân của ta vẫn muốn vượt sông. Vậy nên hai nghìn binh sĩ chúng ta cùng nhảy xuống nước, nắm chặt tay nhau để tạo thành hai hàng người. Một nghìn binh sĩ đứng giữa hai hàng người ấy, giơ khiên qua đầu. Tướng quân thúc ngựa phi nước đại qua cây cầu ấy”.
>> Đọc đoạn này mà liên tưởng đến những cuộc di trú của các đàn kiến khổng lồ trong rừng Amazon! Sức lực con người mà làm được như vậy thì xưa nay chắc cục diện thế giới đã khác biệt lắm rồi.

Cũng như trong các quyển Địch Công khác, tác giả Van Gulik cũng đưa vào “Mê cung án” những tư tưởng cá nhân rất hay ho hoặc rất khác thường, chẳng hạn như
“Nữ nhân có khả năng ngộ nhận về tầm ảnh hưởng của mình lên nam nhân mà họ yêu mến”
>> cái này từ chuyên môn gọi là “tưởng bở”
Hoặc “Thông thường, ẩn sĩ là những người vô cùng lười biếng và vô tri”
>> Địch Công là người nói câu này, nhưng trong “Mê cung án”, ông lại có dịp kỳ ngộ một vị ẩn sĩ cao tuổi và giác ngộ thêm được nhiều điều.

Biển hào hứng lao vào đọc “Mê cung án” vì được một người bạn “quảng cáo” rằng cuốn này có nói đến đồng dâm nữ. Tuy nhiên, khi đọc đến chi tiết đó thì Biển chỉ thấy chán ghét, vì nhân vật đồng tính nữ trong truyện là một kẻ biến thái độc ác, chẳng có yếu tố nào là lãng mạn tình tứ như truyện bách hợp cả. Biết rằng ngoài thực tế vẫn có những kẻ tàn bạo như vậy, nhưng khi ngài Van Gulik xây dựng một nhân vật như thế sẽ góp phần làm trầm trọng thêm cái nhìn ác cảm và sự kỳ thị của xã hội dành cho giới LGBT.

Nhận xét cá nhân thì Biển thấy quyển “Mê cung án” đã tiến bộ rất nhiều trong phần trình bày, không có lỗi chính tả hoặc lỗi in ấn. Dịch giả Nguyễn Việt Hải đã thể hiện kỹ năng làm việc chuyên nghiệp và nghiêm túc khi đem đến cho độc giả một tác phẩm được chuyển ngữ rất mượt mà, sử dụng nhiều từ Hán Việt để phù hợp với thể loại sách, trong truyện cũng có vài câu thơ được dịch rất hay, đầy đủ vần điệu. Quyển “Mê cung án” hơn 400 trang với bìa sách thiết kế đẹp, chữ in to rõ, nội dung lôi cuốn, chắc chắn sẽ đem lại niềm vui và sự hài lòng cho các mọt trinh thám.

(Sea, 21-11-2018)

Review Từ Điển Cảm Xúc Thế Giới



Tác giả: Nhóm của Chuyện
Thể loại: Từ điển vui. Đánh giá: Hữu ích, dễ thương, đáng đọc

Vốn đặc biệt yêu thích ngôn ngữ học, khi được Mẹ giới thiệu quyển sách này, Biển mua nó liền. Sách nhỏ, mỏng, nhẹ, chỉ hơn 250 trang với gần 200 từ vựng, nằm gọn trong lòng bàn tay, rất thích hợp bỏ trong giỏ xách đem theo khắp nơi, bất cứ lúc nào cũng có thể lấy ra đọc. Nội dung sách là những từ ngữ đặc biệt, hiếm gặp, gần như thuộc lĩnh vực tiếng lóng của các ngôn ngữ, nói về những mảng trong cuộc sống như Tình yêu, Tâm lý học, Cảm giác, Phong cách sống… mà thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp và rất tò mò về ý nghĩa của chúng. Bộ sưu tập từ vựng trong “Từ điển ngôn ngữ thế giới” bao gồm từ ngữ trong nhiều thứ tiếng như tiếng Nhật, Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Pháp, có cả từ “thính” và từ “Sở Khanh” trong tiếng Việt :)

“Basorexia”: Cảm giác khao khát được hôn một người
“Ichigo ichie”: Sự vật / sự việc / người mà cả đời chỉ gặp một lần, do đó phải biết trân trọng

Đối với Biển thì đây là một quyển sách rất dễ thương, thú vị, có tính ứng dụng cao, thích hợp để đọc mọi nơi mọi lúc. Càng vui hơn nữa khi mua quyển này lúc đang có fpoint và mã giảm giá nên chỉ có 18k thôi. Trân trọng và thân mến recommend em nó với các mọt sách gần xa.
(Sea, 20-11-2018)

Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

Review: Buồng Khử



Tác giả: Jeffery Deaver. Dịch giả: Tâm Hiền
Thể loại: Trinh thám hiện đại. Đánh giá: Hay, kịch tính, đáng đọc

Có nhiều truyện trinh thám của Jeffery Deaver đã được đưa lên mạng nhưng quyển “Buồng khử” thì chưa thấy được đăng. Biển khá hứng thú với bìa sách cũng như tựa đề nên quyết định tìm đọc. Bìa sách + tựa đề khiến Biển liên tưởng đến việc giết người bằng buồng phun hóa chất hoặc phát phóng xạ, nhưng sự thật hoàn toàn khác biệt.

Nhóm của Lincoln Rhyme và Amelia Sachs được thuê hợp tác với cô công tố viên Nancyann Olivia Laurel để điều tra về vụ ám sát Roberto Moreno – một người Mỹ tham gia các hoạt động xã hội phi khủng bố nhưng chống lại nước Mỹ. Cuộc điều tra khác thường ở chỗ hiện trường cách Washington cả ngàn cây số, mọi thứ xoay quanh vụ án đều mơ hồ, không có nhân chứng vật chứng, đã vậy còn dính líu đến các cấp cao trong chính phủ Mỹ. Với tình trạng sức khỏe bất tiện, Lincoln Rhyme vẫn cùng cậu hộ lý Thom Reston bay đến Bahamas để xem xét hiện trường vụ án – nơi mà họ gọi là “buồng khử” – và tìm viên đạn bắn tỉa đã giết nạn nhân từ một khoảng cách không tưởng. Amelia Sachs truy tìm dấu vết nạn nhân tại Mahattan, phát hiện thêm những vụ án mạng kinh hoàng khác. Quá trình làm việc của họ liên tục bị ngăn cản và gây khó dễ bởi những kẻ giấu mặt quyền lực và nguy hiểm. Mọi chuyện tưởng như đạt đến đỉnh điểm khi cả Lincoln và chiếc xe lăn của anh bị rơi xuống biển…

Tuy đã phần nào quen với văn phong và cách xoay chuyển tình thế chớp nhoáng, đầy bất ngờ của bác JD nhưng quyển “Buồng khử” có thể nói là đặc biệt hay. Đọc truyện của bác JD, độc giả phải chuẩn bị tinh thần để đoán (sai) về hung thủ, thậm chí có khi hung thủ còn trở thành anh hùng. Nội dung, cốt truyện, văn phong, cách dịch thuật của cuốn này đều hay hơn nhiều so với “Giai điệu tử thần”, đặc biệt các phép so sánh, những cách đặt câu được viết rất sáng tạo, khiến người đọc phải thầm tán thưởng. Ngay đầu sách mà bác JD đã viết một câu đánh trúng tâm lý nhiều người như sau: “Cơ thể của tất cả chúng ta, bất kể là ai, đều ít nhiều phụ lòng ta… Kể cả những ai hiện đang khỏe mạnh và ít nhiều mãn nguyện cũng thấy phiền lòng trước những bất trắc”.

Các kỹ năng viết của bác JD thật sự tỏa sáng trong cuốn sách này. Ngay lúc độc giả đang căng thẳng theo dõi truyện thì tác giả không quên đưa vào một câu hài hước: “Tôi không cần biết ông ấy có đang giải phẫu hay không. Lát ông ấy quay lại thì cái xác vẫn nằm chết y vậy thôi”.
>> Lẽ ra đọc câu này thì Biển phải cảm thấy xót xa cho nạn nhân, hoặc ít nhất cũng nảy sinh ác cảm với sự vô cảm của người nói, nhưng Biển chả có cảm giác nào trong hai cảm giác vừa nêu, mà chỉ thấy rất hài hước!
Hoặc tác giả miêu tả rất ngắn gọn và chính xác về nghề cảnh sát như sau: “Lương thấp, nguy hiểm, trên đầu là chính trị, hỗn loạn nổ ra ở mọi góc phố”.


Càng đọc nhiều sách của Jeffery Deaver, Biển càng nhận thấy tác giả này luôn chú tâm xây dựng nhân vật sao cho thật “đời thường”, tuy ngoại hình vẫn có nét hấp dẫn riêng và có phần vượt trội so với người khác, nhân vật của bác JD vẫn có những tính cách cổ quái, các phản ứng tâm lý không hoàn hảo lắm, chính điều này khiến câu truyện dễ đọc và dễ đi vào lòng người. Trong quyển “Buồng khử”, cô cảnh sát mỹ nhân Amelia Sachs khổ sở vì chứng viêm khớp gây ảnh hưởng đến công tác điều tra, thêm vào tật xấu là hay cào da đầu đến chảy máu. Rất may là cô cùng với Lincoln Rhyme – được gọi là “Nga hoàng về chứng cứ” – tạo thành một cặp đôi làm việc vô cùng ăn ý, chứ nếu làm việc cùng người khác thì chưa chắc Amelia đã phát huy được sở trường của mình.

Tên sát thủ trong câu chuyện này có một thú vui tao nhã được luyện tập đến mức thuần thục: nấu ăn. Tuy vậy, chi tiết khiến Biển rất phản cảm và bất mãn là hắn toàn dùng dao làm bếp cao cấp của Nhật để giết người, thật là một sự sỉ nhục cho đầu bếp và cho dòng dao bếp cao cấp! Truyện này đặc biệt đề cập nhiều đến các công thức nấu ăn chỉ-đọc-thôi-cũng-thấy-thèm, đến các dụng cụ trong bếp như dao Kai Shun Premier, máy trộn Kitchen Aid, đá mài dao Arkansas (một loại đá cao cấp dùng mài dao nhà bếp, trông bình thường chẳng khác gì khối đá mài dao bán 7,000VND/viên, nhưng đá Arkansas lại được bán khoảng 400,000VND/viên tại VN). Truyện cũng có những chi tiết rất thú vị về ngành bếp như
“Để chùi sạch chảo, hắn chà chảo bằng muối và xử lý mặt chảo bằng dầu nóng, sắt đúc hoàn toàn không nên gặp xà phòng và nước, dĩ nhiên”.
Hoặc
“Người La Mã có một thành ngữ sáo rỗng – làm việc gì đó trong thời gian nấu măng tây nghĩa là làm nhanh việc đó”.

Cuối truyện có lời giới thiệu về các công thức nấu ăn đặc sắc được đề cập trong truyện, thậm chí có công thức do chính Jeffery Deaver soạn ra. Tuy vậy, cá nhân Biển thấy những món đó toàn dùng nguyên liệu cao cấp, chỉ thích hợp cho nhà giàu hoặc nhà hàng 5 sao, chứ dân mọt sách bình thường toàn dành tiền mua sách thì ngày ngày tháng tháng chỉ có làm bạn với mì gói các loại thôi.

Trong những quyển trinh thám khác, bác JD cũng nói không ít về khoa học đạn đạo nhưng trong quyển “Buồng khử”, Biển thấy bác ấy đặc biệt đưa vào rất nhiều kiến thức về lĩnh vực này, một phần cũng vì viên đạn gây ra cái chết của nạn nhân là một “viên đạn triệu đô” xét trên bối cảnh và các điều kiện “giúp” viên đạn được bắn ra. Ngoài những đoạn gồm nhiều thuật ngữ chuyên môn về khoa học đạn đạo, truyện cũng có những kiến thức cơ bản về môn bắn súng, chẳng hạn như
“Luôn giả định mọi vũ khí được nạp đạn và sẵn sàng khai hỏa, không bao giờ chĩa vũ khí vào bất cứ thứ gì ta chưa sẵn sàng ghim đạn vào, không bao giờ nổ súng nếu không thấy chính xác đằng sau mục tiêu là gì, không bao giờ đặt ngón tay lên cò nếu chưa chuẩn bị nổ súng”.

Sau khi đọc một số sách của tác giả Jeffery Deaver, Biển nhận ra ông là một nhà văn trinh thám ăn khách, một ca sĩ nhạc đồng quê viết lời bài hát khá hay, đọc xong cuốn này thì Biển biết thêm là bác ấy còn giỏi nấu ăn, quả thật là một người đa tài. Tuy tổng thể cuốn “Buồng khử” đều lôi cuốn nhưng phải sau khoảng 250 trang thì diễn biến mới hồi hộp hơn. Phần kết truyện hơi vô lý khi độc giả có cảm tưởng như Lincoln Rhyme cứ như thần thánh (không nói thêm chi tiết này vì sẽ spoil)!
     
Biển rất hài lòng với phần dịch thuật trong truyện, những từ ngữ khó nhằn về ngành pháp y và khoa học đạn đạo được dịch giả chuyển ngữ mượt mà dễ hiểu. (Có lẽ vì quá ít lỗi nên) Biển không nhớ là sách có lỗi chính tả hay lỗi đánh máy nào không. Chữ in to rõ, trình bày sạch đẹp, thiết kế bìa đơn giản và đủ gây tò mò, quyển trinh thám dày hơn 600 trang này thật sự khiến Biển ưng ý.

(Sea, 18-11-2018)

Review: Độc Chung



Tác giả: Đỗ Mạo Thái. Chuyển ngữ: Red de Ed & Zaza ú ù
Thể loại: Đam mỹ cổ đại, rất ngọt, tình hữu độc chung, không ngược, HE
Đánh giá: Biển rất thích truyện này

Couple: Đường Kiều Uyên x Phương Tố

Có lẽ đối với một số người thì đây chỉ là một câu chuyện ngôn tình tầm thường, nhưng không hiểu sao Biển thấy rất thích truyện này, có lẽ vì nó quá ngọt. Ban đầu Biển đọc là vì tựa đề gợi liên tưởng đến cụm từ “tình hữu độc chung”, trên mạng dịch là “tình yêu duy nhất cả đời”. Quả thật nó là một truyện tình đam mỹ vô cùng ngọt ngào theo công thức “cô bé Lọ Lem gặp Hoàng tử”, đúng lúc độc giả nghĩ rằng sắp có chi tiết ngược tâm thì mọi chuyện lại được giải quyết êm đềm, nói gọn là ngược xíu hết liền.

Phương Tố là con trai cả nhà họ Phương, sau khi mẹ mất thì cha cưới vợ hai. Chẳng những dì ghẻ và em trai cùng cha khác mẹ ghét bỏ + đối xử tàn tệ với Phương Tố mà cả cha ruột của cậu cũng không còn coi cậu như con. Phương lão gia có thói nghiện cờ bạc, ngày nọ vì thiếu nợ sòng bạc mà phải gả bán con mình để trả nợ. Phương Tố thân là nam nhân mà bị gả đi, bước lên kiệu hoa mà cứ ngỡ bước vào chỗ chết. Thế nhưng mọi chuyện diễn ra ngoài dự kiến của cậu, chẳng những được tiếp đón vô cùng lễ độ chu đáo, cậu càng ngỡ ngàng khi nhận được tình yêu dịu dàng của trang chủ Đường Kiều Uyên. Tuy vậy, Phương Tố luôn sống trong tâm thế mọi chuyện chỉ là một giấc mơ đẹp, ngày nào đó cậu sẽ phải tỉnh dậy và phải trả lại tất cả những gì mình nhận được…

Trong lúc đọc, Biển có nhiều lần thoáng nghĩ tác giả chắc còn trẻ tuổi chưa trải đời nên mới viết ra một câu chuyện tình lý tưởng hoàn hảo đến như vậy, nhưng có nhiều chi tiết khiến Biển phải xem lại suy nghĩ đó của mình. Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác trong đời, Biển cho rằng chuyện tình cảm cũng là một chuyện phải học hỏi + trải nghiệm nhiều thì mới lịch duyệt giang hồ được. Tình cảm của hai nhân vật trong truyện tuy rất ngọt, êm xuôi đến mức không thể tin được, nhưng diễn biến tâm lý của họ vẫn được tác giả xây dựng rất hợp lý và kín kẽ. Đường Kiều Uyên ban đầu yêu Phương Tố là vì có lý do, nhưng sau khi lý do đó đã bị gạt bỏ, sau khi đã tháo gỡ được mọi rào cản về cảm xúc thì hắn vẫn thật lòng yêu Phương Tố. Phương Tố gả vào Đường gia trang là vì gán nợ, nhưng chân tình của Đường trang chủ đã từ từ xóa tan mọi sợ sệt của y. Hơn nữa, tuy y nhà nghèo ít học nhưng tư chất thông minh, lương thiện tử tế nên càng chiếm được cảm tình của Kiều Uyên. Truyện có nhiều lần xuất hiện cụm từ “thương ơi là thương”, uh thì nghe có vẻ sến nhưng cá nhân Biển vẫn thấy ngọt ơi là ngọt. Mai mốt sẽ dặn Luyến Nhân thường xuyên nói cụm từ đó cho Biển nghe ;) (ôi chẳng lẽ mình là một con ruồi thích ăn mật, đúng là không có tiền đồ kakaka)

Truyện cũng có một nữ phụ đam mỹ rất độc ác nhưng đáng thương. Biển không nói nhiều về nữ tử này, để mọi người tự đọc. Nghe nói người TQ có câu rằng “Nếu cá đã không vào lưới thì hãy thả nó đi, nó sẽ đem đến nhiều điều tốt lành”, nếu tất cả những người lụy tình có thể buông bỏ chấp niệm của mình thì có lẽ thế gian này đã đỡ đau khổ hơn nhiều.

Truyện được chuyển ngữ mượt mà, lúc đọc không gặp phải những đoạn toàn dịch thô tiếng Hoa, cảm ơn công sức của các bạn editors. Lâu lâu đọc được một truyện ngọt ngào như thế, giống như một đóa hoa thơm giữa một rừng trinh thám căng thẳng. Tâm trạng sẽ tốt đến vài ngày sau cho coi.. :)
(Sea, 18-11-2018)

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

Truyện đam mỹ Biển đọc gần đây



Không hiểu sao khi đọc đam mỹ thì Biển thấy khó viết review, chỉ trừ bộ nào rất dài rất hay thì mới viết được. Thế nhưng, đọc nhiều mà không viết gì cả thì khả năng viết sẽ không được rèn giũa, cho nên sẽ viết review / giới thiệu cực ngắn cho mỗi truyện. Tất cả đều là đọc online, có đưa link kèm theo truyện.

~ MUÔN HOA TÀN PHAI BIẾT NƠI VỀ ~
Tác giả: Ngữ Tiếu Lan San
Trinh thám cổ đại, cung đình (nhưng không cung đấu), ngọt ngào, không nhược thụ, không cao H, đọc thấy khá dễ thương, có couple chính và couple phụ, Biển thích couple phụ hơn. Truyện có tác dụng giải trí hiệu quả, happy ending.

~ TA NGHE THẤY A ~
Tác giả: Nhất Oản Chúc
Cổ đại, đoản văn, văn phong ngồ ngộ lạ lạ, ngược nhân vật chính, không có H. Tuy là happy eding nhưng vẫn thấy hơi đau lòng, đúng ra là sad ending, dù cố viết thành HE cũng chỉ là vớt vát thôi.

~ KÍNH HOA DUYÊN ~
Tác giả: Ban Tuyền Sơn Nhân
Cổ đại, đoản văn, dễ thương, cười thoải mái, HE, tuy nhiên Biển vẫn không ưng ý về bạn công trong truyện. Công là vua 1 nước, có hậu cung, có nhi tử, sau khi yêu thụ thì giải tán hậu cung, không thấy nói đến số phận nhi tử ra sao. Tình huống này cũng từng xảy ra với 1 số đôi đồng tính ngoài đời thực: về sống với nhau và bỏ con cho chồng / vợ nuôi. Tuy chỉ là 1 câu chuyện ngắn ngủi nhưng vẫn để lại lăn tăn trong lòng người đọc. Bạn editor có vẻ chưa nắm vững cách hành văn tiếng Việt, dùng phần mềm dịch xong không sửa lại cho thuần Việt, đọc hơi kỳ quái, đôi chỗ phải cố gắng mới hiểu được. Dù sao thì đây là 1 truyện dễ thương, đáng đọc.

~ HAI LÃO YÊU QUÁI ~
Tác giả: Tranh Giáo Tiêu Hồn
Cổ đại, huyền huyễn, dễ thương, H nhẹ. 1 con rắn và 1 con chồn tu lâu năm thành tinh, biến thành người để vui chơi chốn nhân gian, trở thành bạn đời của nhau, nhưng cả 2 đều không biết đối phương là yêu quái. Cuộc sống cứ vậy trôi qua 200 năm, người này cứ lo lắng người kia sẽ chết, quan tài cũng đặt rồi mà cả 2 vẫn sống mãi, rốt cuộc 1 người thử dùng kính chiếu yêu… =))

~ XIN ĐỪNG BUÔNG TAY ~
Tác giả: Shellry
Cổ trang, đoản văn, SE.
Phần giới thiệu truyện không ghi là HE nên Biển lao vào đọc, rốt cuộc SE thật là ngậm ngùi. Nếu mà công mạnh mẽ cương quyết hơn chút nữa thì đôi lứa đã không phải chia lìa vĩnh viễn. Truyện khiến Biển liên tưởng đến tình trạng kỳ thị và thành kiến của XH đối với người đồng tính. Dù ở thời đại nào, sự kỳ thị cũng khiến người ta không thể sống hạnh phúc, nhiều khi mất đi cả tính mạng. Cuộc sống vốn ngắn ngủi và ít niềm vui lắm rồi, vì cái quái gì mà cứ phải mang tư tưởng của bản thân ra áp đặt cho người khác, khống chế và ràng buộc tự do của người khác.. Tóm lại là truyện rất ngắn, chỉ có 3 chương nhưng đọc xong thì cảm xúc sẽ lưu lại lâu hơn 3 ngày.

~ TIỂU HẮC THỎ ~
Tác giả: Vô Biên Khách
Cổ đại, đoản văn, thú hóa người, dễ thương, sủng. Bạn thụ trong truyện tuy thể chất yếu đuối nhưng tính cách có nét kiên cường riêng, cũng rất biết chăm sóc người thương. Tuy nhiên đam mỹ cũng là 1 thể loại ngôn tình, đọc nhiều không tốt cho trí não, kích thích mơ mộng quá nhiều đến những nhân vật hoàn mỹ trong sách, không có thật ngoài thực tế. Truyện đam mỹ có tác dụng giải trí xen kẽ giữa những khi đọc trinh thám căng thẳng.

(Sea, 16-11-2018)

Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

Review: THANH LONG ĐỒ ĐẰNG



Tác giả: Hoài Thượng. Editor: sentancuoithu
Thể loại: Đam mỹ cổ đại, lịch sử, hư cấu, cung đấu, cường cường, chung tình, HE
Đánh giá: Hay ngang bằng Ma Đạo Tổ Sư! (Điểm: 13/10)
Nguồn: lilian357.wordpress.com

Gần đây Biển học được 1 từ mới: lọt hố, nghĩa là sa vào việc đọc mê mẩn 1 bộ truyện nào đó. Nghĩ cũng đúng, đọc thử vài trang / vài chương rồi bị lọt hố 1 cách tự nguyện vui vẻ luôn. Hôm trước vừa viết review lần 2 cho Ma Đạo Tổ Sư, cứ nghĩ rằng đó sẽ là bộ đam mỹ / bộ truyện hay nhất 2018 Biển từng đọc, nhưng chưa đầy 2 ngày sau thì phát hiện ra bộ Thanh Long Đồ Đằng, còn muốn hay hơn MĐTS, và hay hơn nhiều so với Đế Vương Công Lược.

Tổng quan nội dung: Thanh Long Đồ Đằng là câu chuyện về mối duyên giữa Thống lĩnh cấm quân Tạ Vân và nam tử Đan Siêu, đặt trong bối cảnh ba đời Hoàng đế Đại Đường. Mối duyên (không biết là lương duyên hay nghiệt duyên) kéo dài từ lúc Đan Siêu còn là tiểu tử yếu ớt bị bán làm nô lệ nơi hoang mạc ngàn dặm cát vàng phía Bắc, được thanh niên Tạ Vân chuộc về nuôi nấng dạy dỗ. Công ơn như núi, Đan Siêu đối với Tạ Vân sớm nảy sinh lòng kính ngưỡng xen lẫn chân tình trong trẻo của tuổi trẻ. Nhưng đến một ngày, Tạ Vân cầm Thất tinh Long Uyên kiếm một mực muốn giết Đan Siêu đang vết thương đầy người quỳ trên cát vàng… Hai năm sau, Đan Siêu ký ức bị phong bế, thanh tịnh làm một đại sư trong Từ Ân tự, một buổi tối tình cờ gặp kiệu của Thống lĩnh cấm quân đi ngang, màn kiệu vén lên, để lộ một gương mặt vốn đã khắc sâu trong tâm tư của hắn suốt cả thời thơ ấu.

Tạ Vân: y __ Đan Siêu: hắn (thống nhất xưng hô cho dễ nhớ)

TẠ VÂN: Nhân vật thụ này cường đến mức ban đầu Biển cứ nghĩ y là công. Tác giả miêu tả vẻ đẹp của Tạ Vân tà mị cứ như hồ ly tinh, phong cách làm việc quyết đoán, ra tay tàn độc, thành thạo mưu ma chước quỷ trong triều đình. Cả bộ chính văn 110 chương + 2 phiên ngoại, Tạ Vân không lần nào nói yêu Đan Siêu, trong khi người kia từ lúc rất nhỏ đã đem lòng mê luyến y, nhưng ngẫm kỹ lại thì suốt cả đời Đan Siêu luôn có Tạ Vân đồng hành, nhiều lần cứu tính mệnh của nhau. Tạ Vân từ nhỏ đã chịu ơn Võ Hậu, thân bất do kỷ, trước mặt Đan Siêu suốt ngày cứ lấy lý do “tại ta ích kỷ, tham quyền lực vinh hoa phú quý” để giải thích cho những hành động của mình, nhưng theo cảm nhận của Biển thì y là một người trung thành tận tâm và không thiếu lòng nhân ái, chỉ vì thời cuộc đưa đẩy, y lại hiểu rõ chỉ kẻ mạnh mới có thể tồn tại, nên đành cắn răng bỏ mặc những sinh mệnh yếu đuối lâm vào tuyệt diệt. Rất nhiều lần, những hành động của Tạ Vân khiến Biển tức tối hoặc đau lòng thay cho Đan Siêu, nhưng đã sống trong loạn thế, chỉ cần mềm lòng hoặc sơ sẩy một ly thì sẽ lập tức rơi vào cảnh vạn kiếp bất phục, nên Biển cũng cố gắng thông cảm cho Tạ Vân!

ĐAN SIÊU: Truyện này có vẻ hơi ngược công, từ đầu đến cuối toàn thấy Đan Siêu bị Tạ Vân ăn hiếp (tuy thật sự thì Tạ Vân mới là người bị “ăn + hiếp”). Cũng giống như với bộ Ma Đạo Tổ Sư, trong bộ Thanh Long Đồ Đằng thì Biển thích thụ hơn công, dù Tạ Vân khá ác liệt chứ không ngoan hiền dễ thương như Ngụy Vô Tiện (cái tên ma đạo tổ sư đó mà ngoan hiền dễ thương???). Tuy thích thụ hơn công nhưng Biển vẫn công nhận hình tượng Đan Siêu trong truyện này phải nói là được xây dựng hoàn hảo. Hắn từ lúc còn bọc trong tã lót bị song thân sai người ngàn dặm vứt ra chốn hoang mạc, trở thành nô lệ bị trói bị đánh, lúc tưởng sắp mất mạng thì được sư phụ cứu, đem về nuôi dưỡng dạy dỗ, ở nơi đại mạc cây cỏ không mọc nổi mà sư phụ còn dạy được hắn đọc sách viết chữ. Đan Siêu ôm mối chân tình suốt 20 năm, trải qua núi đao biển lửa cùng địa ngục nhân gian, từ từ bồi dưỡng chính mình trở thành nam nhân trưởng thành mang sức mạnh cường đại, anh tuấn khí phách. Điều Biển thích nhất ở nam nhân này là hắn không hề ngốc, từ một hài tử nô lệ nơi hoang mạc trở thành đại sư trong chùa, rồi thành đại tướng quân chinh chiến sa trường, lúc nào hắn cũng dùng những kiến thức sư phụ dạy kết hợp với tư chất thiên phú của bản thân để đối nhân xử thế, biết người biết ta. Điều thứ hai Biển thích ở Đan Siêu là hắn chung tình, tình cảm cả đời đều dành cho duy nhất một người. Biết rằng chỉ là nhân vật trong sách, nhưng nữ nhân mơ mộng như Biển đương nhiên là đọc cũng không tránh khỏi mộng mơ một chút.
“Hồi bẩm Thánh thượng, là thần trước kia khi lưu lạc nơi Đại Mạc định ra hôn ước, hiện giờ đã có hơn mười năm. Tuy rằng bởi vì đủ loại nguyên nhân vẫn chưa cưới qua cửa, nhưng bất luận thương hải tang điền, thế sự biến thiên, thần trong lòng thủy chung chỉ ái niệm một người đó. Hy vọng một ngày có thể quang minh chánh đại mà tiến đến nghênh thú. Nguyện vọng này đến chết cũng không thay đổi”.

Cả hai nhân vật chính đều được xây dựng hình tượng đặc sắc, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc. Võ Tắc Thiên trong truyện này tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng được tác giả khắc họa sinh động, lột tả được bản chất gian hùng của một vị nữ nhân chính khách lưu danh kim cổ. Một điều nữa Biển thích trong Thanh Long Đồ Đằng là các nữ phụ không quá đáng thương. Không có nữ phụ nào ôm mối tình vô vọng với hai nam chính, cũng không có cảnh khóc lóc nhõng nhẽo rợn người =)). Khoảnh khắc rơi lệ duy nhất và thấm thía nhất trong truyện là khi Đan Siêu khóc vì Tạ Vân. Đừng vội thất vọng hoặc chán nản khi nghe nói công rơi lệ, hãy đọc để biết công rơi lệ trong tình huống nào, sau đó sẽ càng rung động mãnh liệt trước độ hay của câu truyện này.

Vì truyện có yếu tố huyền huyễn nên dĩ nhiên cũng có những cảnh miêu tả nội lực thâm hậu, đánh nhau toàn dùng khinh công, tốc độ mắt người không nhìn kịp, Thanh Long Huyền Vũ hiện nguyên hình đại chiến… nhưng đọc vẫn có cảm giác rất chân thực, không ảo ảo như các bộ của Nhĩ Nhã. Trước giờ Biển ghét đọc truyện / xem phim có yếu tố cung đấu, nhưng khi lọt hố bộ Thanh Long Đồ Đằng thì Biển thản nhiên bình tĩnh “đi” hết 112 chương truyện cung đấu mà không bỏ lỡ đoạn nào. Đọc mới thấy chỗ nào có nhân tâm thì chỗ đó có thị phi, phàm là người địa vị càng cao mà càng thiếu nhân đức + tư cách thì chỉ khổ cho con dân hèn mọn. Kẻ làm vua có thể vì quyền lực của mình mà chiếm đoạt bao nhiêu nữ nhân cũng được, sau đó lại vì quyền lực mà coi rẻ sinh mệnh của cả con ruột, đuổi tận giết tuyệt cả nhi tuổi nhỏ tuổi. Càng đọc thì Biển càng nghĩ đến một vấn đề: Giang sơn càng rộng lớn thì cần đến cả bộ máy lãnh đạo chứ không thể dựa vào sức một người mà cai trị, nhưng từ xưa đến nay chưa thấy bộ máy lãnh đạo nào đồng lòng vì giang sơn, mỗi kẻ đều vì bản năng mà vun vén cho chính mình, tranh đoạt danh lợi cho bản thân, phải chăng vì vậy mà thế gian này từ quá khứ đến hiện tại đến tương lai chẳng bao giờ trở thành thiên đường nơi người người tương thân tương ái với nhau được?

Tuy biết sẽ có nhiều ý kiến phản đối khi Biển đem các bộ kiếm hiệp đam mỹ của các tác giả hậu bối ra so sánh với tác phẩm kiếm hiệp kinh điển của các vị tiền bối, nhưng những bộ đam mỹ mà Biển đã kiên nhẫn đọc hết quả thật rất xuất sắc. Truyện kiếm hiệp của các tiền bối thường hay phong kiến quá mức, trọng nam khinh nữ, hoặc xây dựng hình tượng các nhân vật nữ nếu không chảnh cún, xin lỗi, chảnh mèo thì cũng ngu ngốc mít ướt hoặc lụy tình quá mức, ngoài khóc lóc đi tu hoặc mặt lạnh đi giết người vì tình thì chả nghĩ ra cách nào khác để tiếp tục sống. ____ Trong khi, những bộ kiếm hiệp đam mỹ của các tác giả hậu bối mà Biển từng đọc đều có cốt truyện và lối kể truyện mới mẻ, không đi vào lối mòn chỉ toàn H văn (cảnh hot) như một số truyện đam mỹ tầm thường khác. Có lẽ vì các tác giả cũng còn trẻ hoặc chỉ chớm trung niên nên hiểu rõ xu hướng và sở thích đọc của người trẻ. Đọc các bộ truyện Ma Đạo Tổ Sư, Thanh Long Đồ Đằng và Đế Vương Công Lược, Biển thường xuyên tự hỏi tác giả là bậc cao nhân như thế nào mà viết được những áng văn khiến nhân gian phải kinh ngạc ngưỡng mộ như vậy.

Ban đầu Biển đọc thử Thanh Long Đồ Đằng là vì tựa truyện, có những tựa sách và bìa sách chỉ cần nhìn vào thì có cảm giác truyện sẽ hay (ừ thì thỉnh thoảng cũng gặp tình huống ngược lại), thêm một lý do kiên nhẫn đọc tiếp là vì Nguyên Tắc Edit của dịch giả sentancuoithu “Đam mỹ cổ trang, mỹ nam tử, chung tình 1x1, không phụ tử / huynh đệ, không nhược thụ, không cao H (tức là không có cảnh nóng khẩu vị nặng), không luyến đồng, quan trọng nhất là HE, người có tình thân sẽ thành quyến thuộc”. Chỉ cần đọc phần Nguyên Tắc Edit này thì Biển đã yên tâm mà nhảy hố. Quả thật không thất vọng, Thanh Long Đồ Đằng là một bộ tiểu thuyết đam mỹ cổ đại lịch sử vừa hùng hậu vừa thâm tình, lại không thiếu phần hài hước, rõ ràng đọc cảm thấy rất ngược, máu chảy đầu rơi, người vô tội chết oan vô số, lời lẽ của thụ dành cho công rất tàn nhẫn nhưng không hiểu sao Biển cứ liên tục bật cười, chả lẽ đầu óc có vấn đề =))

Phần lịch sử trong Thanh Long Đồ Đằng được lồng ghép, bẻ cong, hư cấu đến mức thượng thừa. Biển đọc xong đã chăm chỉ tra cứu wikipedia và biết được hai nhân vật chính không hề có thật trong lịch sử, lại được tác giả sáng tạo ra và đặt vào bối cảnh vô cùng thân thiết với Võ Tắc Thiên. Một số yếu tố lịch sử về các trận đánh, các sự kiện binh biến cũng được hư cấu nhưng bút pháp lưu loát thành thục, đọc không có chút gượng ép nào. Cuối truyện có nói đến Địch Nhân Kiệt, hình tượng Địch Công bị hạ thấp đáng thương, thay vì anh minh thần võ như trong truyện của Robert Van Gulik thì lại là một lão quan suốt ngày lo lắng đến chuyện lập hậu của đế vương *haha*

Tác giả cũng rất am hiểu nhân tâm, từng phản ứng – lời nói – hành động của các nhân vật trong truyện đều hợp lý đồng thời cũng đủ bứt phá để thích hợp với bối cảnh tiểu thuyết, không nhạt nhẽo tầm thường. Có nhiều đoạn về mưu mô cung đình hoặc triết lý cuộc sống được viết rất hay, rất đáng lưu ý..
“Mẫu thân thì lại làm sao? Trên đời này ngay cả thân sinh phụ mẫu cũng có nhiều kẻ hại chết hài tử, người biết không?! Có kẻ lòng dạ tàn nhẫn dùng đánh chửi hại chết thân tử, có lẻ ngu muội dùng cưng chìu hại chết thân tử, lại còn có kẻ ngoan độc không thông lại quyết giữ ý mình, dùng độc dược mang tên mỹ miều là tình thương của mẫu thân đem mọi người xung quanh hài tử - ngoại trừ chính nàng – mà hại chết, khiến cho hài tử hít thở không thông, sống trong cô độc cùng tuyệt vọng, so với cái chết còn đáng sợ hơn, ngươi không biết sao?!”
>> đọc đoạn này mà giật mình..

Hoặc ““Thế nhân phần lớn hô hào rùm beng trung nghĩa, nhưng trên thực tế mỗi người đều sẽ lựa chọn con đường có lợi nhất cho mình, cùng đúng sai không có quan hệ gì”.

H văn trong Thanh Long Đồ Đằng không quá kịch liệt (chỉ mãnh liệt thôi) nhưng khiến Biển thật sự động tâm, cảm thấy rất hay và cảm động. Đọc nhiều truyện đam mỹ mới biết viết (và dịch) H văn là cả một nghệ thuật, phải làm sao để giảm tối thiểu phần thô thiển mà vẫn đủ đầy phần ân ái đam mê. H văn trong Thanh Long Đồ Đằng và Đế Vương Công Lược là dạng thanh thủy văn, còn H văn trong Ma Đạo Tổ Sư thực kinh khủng nha, cần chuẩn bị tinh thần trước khi đọc ;) Trích đoạn một chút H văn trong Thanh Long nè
“Linh hồn Đan Siêu giống như bị xé rách thành hai nửa, một nửa hận không thể quỳ gối xuống đất, đem toàn bộ thân tâm phụng hiến, cầu xin được một khắc rủ lòng thương; một nửa khác lại điên cuồng kêu gào dục vọng tội ác, giống như từ sâu trong lòng vươn ra ma trảo, giờ phút này muốn đem người dưới thân nuốt vào trong bụng, từ nay về sau triệt để của riêng mình mình”.

Tuy Thanh Long Đồ Đằng là truyện HE nhưng cái kết sau cùng vẫn làm Biển bùi ngùi chớm rơi lệ. Trong lúc đọc Ma Đạo Tổ Sư thì khóc một lần, đọc Thanh Long Đồ Đằng thì khóc hai lần. Đọc hết một bộ truyện tuyệt vời cũng giống như phải tạm biệt một người rất thú vị để ai về nhà nấy, tuy vẫn có thể gặp lại nhưng vẫn thấy luyến tiếc, chỉ muốn được giữ luôn bên cạnh để bất cứ khi nào cũng có thể nhìn ngắm nói cười, đây phải chăng là tâm lý chiếm hữu quen thuộc của con người đối với những gì mình yêu thích?

Biển vừa đọc vừa lưu lại thành file Word hơn 1000 trang size chữ 13, đọc trong vòng 4 ngày, chắc không thể tính là đọc nhanh. Nay đã gặp được hai bộ truyện hay và hoành tráng ngang nhau nên không dám nói bộ nào là hay nhất từng đọc trong năm 2018 nữa, lòng chỉ có thể ẩn tàng vui sướng vì trong quãng đời đọc sách vô tình bắt gặp những áng văn tuyệt bút như thế. Biển cũng xin gửi lời cảm ơn và tán thưởng đến editor sentancuoithu vì đã cất công dịch một bộ truyện hay và dài như vậy, chuyển ngữ rất lưu loát mượt mà, tuy chỉ đăng trên mạng nhưng hoàn toàn không có lỗi chính tả, những từ ngữ Hán Việt đọc khá dễ hiểu, thơ phú trong truyện được dịch nghĩa chính xác, các sự kiện lịch sử được chú thích rõ ràng, Biển hy vọng nếu sau này Thanh Long Đồ Đằng được xuất bản sách giấy thì editor sẽ được trả công xứng đáng. Ngoài ra cũng hy vọng bộ truyện này cũng sẽ được chuyển thể truyện tranh, hoạt hình, phim người thật đóng để con dân có thể mãn nhãn thưởng thức.

Cảm ơn những ai đã đọc hết review này ^^

(Sea, 10-11-2018)

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Review lần 2: Ma Đạo Tổ Sư



Review lần 2 + Phát biểu cảm nghĩ
Tác giả: Mặc Hương Đồng Khứu. Editor: Carmen
Link review lần 1 (không spoil):

CẢNH BÁO: Đây là bài phát biểu cảm nghĩ kiêm review lần 2, viết để bộc bạch cảm xúc của bản thân. Bạn nào đã đọc toàn bộ Ma Đạo Tổ Sư kể cả phiên ngoại thì có thể đọc bài viết này, còn nếu chưa đọc hết truyện thì xin KHÔNG đọc bài này, nếu vẫn thích đọc và vô tình bị spoil truyện thì đừng trách Biển.

Đây là bộ đam mỹ đầu tiên Biển đọc lại lần 2 trong vòng chưa đầy 2 tháng, đọc rất kỹ, cảm xúc tràn đầy, trong lúc đọc thì nghĩ chắc chắn mình sẽ viết thêm 1 bài tản mạn cho truyện này. Tuy đã đọc nhiều bộ đam mỹ khá hay nhưng chưa có bộ nào gây ấn tượng sâu sắc cho Biển như MĐTS, từ cách khắc họa nhân vật đến cách xây dựng tình tiết truyện, từ chính truyện đến phiên ngoại đều có sự lôi cuốn riêng… Xét theo lượng thông tin, hình ảnh, fanmade video clips… về MĐTS tìm được trên mạng (tra cứu bằng tiếng Việt chứ chưa nói đến tiếng Trung) thì Biển cho rằng bộ truyện này có lượng fan rất đông đảo. Biển vốn không hâm mộ ai / điều gì nên không tự xưng mình là fan của MĐTS, nhưng bộ truyện này thật sự đã chiếm được 130% sự yêu thích của Biển, chắc chắn Biển sẽ luôn nhớ đến nó, nhanh thì khoảng chục năm, lâu thì cả đời. Hiện đã xem và tải về hết 15 tập hoạt hình của season 1, nghe nói năm 2019 bộ phim Trần Tình Lệnh (chuyển thể từ MĐTS) sẽ được công chiếu, có lẽ Biển sẽ tải luôn mấy chục tập phim đó về, dù thật sự lo ngại rằng phim sẽ gạt bỏ hoàn toàn yếu tố đam mỹ và sửa kịch bản đến mức thảm thương luôn.

NGỤY VÔ TIỆN: Đến giờ Biển cũng chưa hiểu Vô Tiện tiếng Hán nghĩa là gì, chắc không phải Tiện trong “tiện lợi” đâu nhỉ. Bạn thụ này có bản tính rất nhây, hay nói đùa khiến người khác đỏ mặt, Biển vừa ghét vừa thích cái tính đó của bạn ấy. Tuy Ngụy Anh là thụ nhưng thời trẻ cũng hay tán tỉnh nữ nhi, khi cần thì cũng rất ngầu, trong hiểm cảnh lộ rõ tư chất lãnh đạo, là người luôn đứng ra lãnh lấy những việc nặng nhọc đau đớn nguy hiểm để vạch lối thoát cho người khác. Kiểu gì thì bạn ấy cũng là ma đạo tổ sư cơ mà. Ngụy Anh cùng Giang Trừng được xưng Vân Mộng Song Kiệt, nhưng (chắc vì Ngụy Anh là nhân vật chính nên) Biển thấy bạn ấy thật sự là 1 trang tuấn kiệt đầy đủ nhân – trí – dũng. Tác giả không ca tụng ngoại hình quá nhiều nhưng qua vài ba câu chữ thì người đọc cũng hình dung được Ngụy Vô Tiện phong độ ngút trời, anh tuấn tiêu sái đáng mơ ước, nếu không có Lam Vong Cơ thì bạn Ngụy Anh cũng đầy chất công đó nha. Biển nghĩ bạn ấy là bi-sex, nhưng vì tác giả định sẵn bạn ấy là “vợ” của Lam Trạm nên đành ngoan ngoãn mà làm thụ *hahaha*

LAM VONG CƠ: Vừa “nhã” lại vừa “chính”, fan của Lam nhị ca ca chắc trải rộng khắp chúng sinh lục giới luôn. Biển rất thích tính cách ít nói của bạn này, lúc nào cũng bình tĩnh hữu lễ nhưng nội tâm thì như sóng thần biển sâu. Sức mạnh kinh hồn của Lam Trạm cũng là một trong những yếu tố khiến nữ nhân thiên hạ phải khao khát, chậc chậc. Trong review 1, Biển có nói đến cảnh Lam nhị ca ca dùng 1 tay nâng quan tài rồi quấn dây của 7 cây đàn xung quanh để phong ấn hung thi bên trong, cam đoan là Biển sẽ còn ấn tượng dài lâu với cảnh tượng đó. Đọc xong mấy cái phiên ngoại thì Biển nhìn Lam Trạm bằng ánh mắt khác hẳn (khác như thế nào thì Biển ko nói đâu ;) ). Bên cạnh Lam Vong Cơ thì mấy nam chính ngôn tình khác (như Lý Thư Bạch, Cảnh Dung, Bạc Cận Ngôn, Bạch Tử Họa…) không thể sánh nổi với Lam nhị ca ca. Mà Lam nhị ca ca nấu ăn còn ngon hơn Biển nấu nữa, ôi ôi ôi. Nào giờ Biển không thích hình tượng nam chính hoàn mỹ (vì xạo lắm) nhưng thật không thể không lọt hố trước vị tổng công này, sau khi đọc xong phiên ngoại “Vân Mộng” thì cảm thấy cả người ngọt lịm, chính thức lọt hố sâu 2 trượng luôn!

Có lần Biển đọc trên mạng, có người cho ý kiến rằng bộ MĐTS rất ngược tâm, nhưng cá nhân Biển thấy rằng bộ này sủng nhiều hơn ngược (hay vì ngưỡng chịu đựng của Biển đã tăng lên nên đọc không cảm thấy ngược). Đọc đến đoạn Ôn Ninh trao kiếm Tùy Tiện cho Giang Trừng, Ngụy Anh bên cạnh ngẫm nghĩ lại những gì mình đã trải qua, “ở trong lòng nửa thật nửa giả ca ngợi mình một chút”, đoạn này khiến Biển gần như rơi lệ. Tình nghĩa và lòng trung thành của Ngụy Anh dành cho Giang Trừng, dành cho Vân Mộng Giang thị quả thật hiếm có trên đời.

Đồng ý rằng Ngụy Vô Tiện có cả một quãng đời tuổi trẻ đau khổ không tả xiết, địa ngục nào cũng trải qua, tính ra mất mười mấy năm cuộc đời mới đánh tan toàn bộ mưa gió, hạnh phúc yên ổn bên Lam Vong Cơ, nhưng ngẫm kỹ lại thì từ năm 16;17 tuổi, hắn đã chiếm được sự chú ý và tình cảm của Lam Trạm, nụ hôn đầu tiên cũng trao cho Lam Trạm. Trải qua bao nhiêu máu lửa, tình cảm của Lam Trạm dành cho Ngụy Anh càng ngày càng sâu, thân tu chính đạo mà toàn tâm toàn ý chung tình với 1 người đã sa vào ma đạo, không oán trách, không hối tiếc, vì không chịu nổi nhớ nhung mà uống rượu mà người kia từng uống, nhận lấy hết những thương tổn người kia từng nhận. Được Lam Trạm dành cho một tình yêu khắc cốt ghi tâm như vậy, Biển cho rằng cũng xứng để đánh đổi tất cả những gì Ngụy Anh phải trải qua.

Chi tiết ngược tâm mà Biển cảm nhận trong MĐTS là quan hệ giữa các nhân vật Hiểu Tinh Trần – Tống Tử Sâm – Tiết Dương. Biển đồng tình với 1 ý kiến trên wattpad cho rằng Hiểu Tinh Trần tu đạo tiên, xuống núi hành hiệp, bản chất thiện lương giàu tình nghĩa nhưng vì kinh nghiệm giang hồ không nhiều nên mới lâm vào kết cuộc thê thảm, bị lừa đến nỗi tự tay giết chết bạn lữ, bản thân thì đau lòng tự sát, hồn phách tan biến không thể phục hồi, trăm năm sau không biết liệu có đầu thai nổi và tái ngộ Tống Tử Sâm hay không. Đọc truyện lần đầu thì Biển chưa cảm được nhưng đến lần 2 thì Biển thật sự ngậm ngùi với số mệnh của Hiểu Tinh Trần, mới thấy trần gian này chưa chắc ở hiền thì sẽ gặp lành, lúc nào cũng vậy, người tốt vẫn gặp nạn và kẻ xấu vẫn phây phây hại tiếp những người tốt khác. Cho nên Biển rất ghét thể loại trinh thám đen! ____ Trên wattpad có nick Tekamo13 viết 1 đoạn rất hay về Tiết Dương: “Trong cuộc sống không có sai lầm nào lớn hơn việc cho phép bản thân mình được quyền vấp ngã và đổ thừa cho hoàn cảnh. Hoàn cảnh không bao giờ là nguyên nhân cho những hành động tiêu cực hay sai trái mà nó chỉ là lý do cho những kẻ không có ý chí với tâm hồn hẹp hòi vịn vào để tự bào chữa cho mình mà thôi”.

Về cách xếp thứ tự chương và cách xếp kết cấu truyện của tác giả, đọc lần 1 thì hơi khó hiểu chút nhưng khi đã biết cách thì có thể chọn phần truyện tùy ý để đọc. Biển mạn phép hệ thống lại tương đối như sau:
Chương 1~12: Cảnh hiện tại
Chương 13 ~ 18: Quá khứ
Chương 19 ~ 50: Hiện tại
Chương 51 ~ 55: Đồ Lục Huyền Vũ
Chương 56 ~ 60: Kỳ sơn Ôn thị
Chương 61 ~ 62: 3 tháng sau Loạn Táng Cương, quá khứ
Chương 63 ~ 68: Hiện tại
Chương 69 ~ 78: Quá khứ
Chương 79 ~ 113: Hiện tại
Chương 114 ~ 124: Các phiên ngoại
Trong lúc làm mục lục này thì chợt nghĩ chắc sẽ sớm đọc lại Ma Đạo Tổ Sư lần thứ 3, hoặc có lẽ đọc N lần nữa đến khi nào có thể nhớ được cốt truyện. Trước giờ chưa từng có bộ truyện nào khiến Biển muốn nhớ kỹ cốt truyện như bộ này, liệu tư tưởng có ấu trĩ quá không nhỉ..

Không thể không nói 1 chút về phiên ngoại “Lư hương”. Chời ơi, Biển đã đọc nhiều bộ đam mỹ có H rất nặng đô nha, nhưng cái phiên ngoại Lư Hương này quả thật khiến người ta “máu mũi đầm đìa”, đấy là trong trường hợp mũi có máu *haha* . Biển đọc phiên ngoại này trong một buổi tối ngủ không được, mở ĐT đọc trong bóng đêm, không hiểu sao chỉ có 2 chương mà đọc gần 1 tiếng rưỡi mới xong, mà đọc nhanh chứ không phải focus on từng chữ để thưởng thức đâu. Có lẽ để bù lại cho 100 chương chính truyện không có H nên cái phiên ngoại này thật sự khủng khiếp (terrific), S&M đủ hết. Đọc mới thấy bạn Ngụy Anh thật sự là thụ, thụ đứt đuôi luôn, thụ từ nhỏ đến lớn, thụ trong từng hơi thở. Bất cứ trong hoàn cảnh nào thì Ngụy Anh cũng rất NGOAN (phải viết hoa mới diễn tả đủ cái sự ngoan) và vô cùng kính yêu Lam Trạm. “Kính yêu” ở đây là vừa yêu thương vừa trân quý, xem trọng người ta hơn cả tính mạng mình, sủng lên tận trời. ____ Còn Lam Vong Cơ trong phiên ngoại này thì quá khác biệt so với trong chính truyện, vẻ ngoài lãnh tỉnh che giấu một nội tâm DỮ DỘI, che giấu tình cảm mãnh liệt và ham muốn nồng nàn đối với Ngụy Anh, thậm chí từ khi cả hai còn nhỏ tuổi.

Lại nói 1 chút về tác giả, Biển đoán Mặc Hương Đồng Khứu phải là 1 đại tỷ trên 30 tuổi, mới có bút lực kinh người và am hiểu tâm lý như thế, không chỉ tâm lý nhân vật trong truyện mà còn cả tâm lý độc giả. Ngay trong những đoạn đang đau lòng rơi lệ thì tác giả chen vào 1 câu khiến Biển lăn ra cười. Cả phần chính truyện chắc là ngược đãi nhân vật chính quá nhiều nên phiên ngoại được nêm thêm bao nhiêu là mật ngọt, đọc mà cười không khép miệng được! Khiến độc giả mãn nguyện thì tác giả đã thành công phần lớn rồi. Ngoài ra, trong truyện thỉnh thoảng được đưa vào những câu triết lý rất hay, thí dụ như “Con phải nhớ chuyện tốt người khác làm cho con, chứ đừng nhớ chuyện tốt con làm cho người khác”. Nói về phân tích tâm lý nhân vật và các bài học đối nhân xử thế thì bộ “Đế Vương Công Lược” cũng có nhiều đoạn đáng lưu lại, nhưng cá nhân Biển thích bộ MĐTS hơn nhiều.

Đọc xong bộ Ma Đạo Tổ Sư, có lẽ Biển đã hiểu được 1 ít lý do tại sao thể loại truyện phàm nhân tu tiên được nhiều người ưa thích. Sống trong thời đại văn minh nhưng trong một góc nào đó của tâm hồn, 1 số người vẫn mơ mộng đến cuộc sống có bối cảnh cổ trang, mặc những bộ trang phục tuy không hiện đại nhưng vẫn rất đẹp đẽ, di chuyển bằng động vật hoặc những phương tiện do động vật kéo, hành tẩu giang hồ, mang tài năng + tu vi ra thi thố với đời. Biển chợt có suy nghĩ thế này: thay vì mơ ước viễn vông rằng mình sẽ xuyên không đến thế giới đó (nếu mà xuyên thật chưa chắc là chuyện tốt) thì Biển sẽ nhìn thế giới hiện tại bằng đôi mắt như thể nhìn thế giới cổ đại: những góc phố bê tông khói bụi Biển đi qua cũng từng có những đôi tình nhân (có thể có cả tình nhân đam mỹ hoặc bách hợp) đi qua, những con đường trơ trọi nắng gắt cũng từng có những con người mang trong lòng tình cảm rộng lớn cao đẹp đi qua. Thế giới hiện đại hay cổ đại đều có điều tốt lẫn điều xấu, quan trọng là mắt mình muốn nhìn thấy gì, lòng mình muốn nhận những gì và cho đi những gì.

Hiện giờ, có 2 bộ đam mỹ Biển rất muốn mua sách giấy là Ma Đạo Tổ Sư và Vương Bất Kiến Vương, nhưng lo lắng các điều sau
+ chất lượng in không tốt, chữ nhỏ mờ
+ không in đầy đủ chính truyện và phiên ngoại
nên vẫn ngần ngại chưa muốn mua. Vương Bất Kiến Vương nếu không mua sợ rằng sau này sẽ hết hàng, còn Ma Đạo Tổ Sư nghe nói cuối 2018 đầu 2019 mới xuất bản sách giấy. Tuy Biển đã tâm niệm rằng cái gì mình thích thì sẽ khắc sâu vào não nhưng vẫn muốn có sách giấy! Thật là, tham sân si quá nên mới lâm vào bể khổ đó mà.

Ma Đạo Tổ Sư là bộ truyện hay nhất Biển đọc được trong năm 2018. Tuy biết rằng thiên ngoại hữu thiên nhưng Biển vẫn có chút mong muốn rằng nó sẽ là bộ đam mỹ hay nhất từng đọc được trong đời. Sau khi đọc xong lần 2 thì tâm trạng trở nên khá vui vẻ, cảm thấy có vài điều đã thay đổi trong suy nghĩ của mình, đồng thời có hứng thú đọc tiếp nhiều nhiều sách nữa. Đối với 1 mọt sách nghiện chữ như Biển mà nói, đọc được bộ truyện này quả thật là có duyên kỳ ngộ và là 1 niềm vui lớn.

Biển xin cảm ơn những ai đã đọc hết từ đầu đến cuối review này ^_^

(Sea, 4-11-2018)