lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018

Review: Cửa tiệm của những lá thư



Tác giả: Yasushi Kitagawa. Dịch giả: Đỗ Nguyên
Thể loại: Light novel, self-help
Đánh giá: Thú vị, bổ ích, nên đọc

Đã lâu sau khi đọc “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, Biển mới phát hiện một quyển sách có nội dung tương tự, đó là “Cửa tiệm của những lá thư”. Dù đã tham khảo trên mạng, biết được rằng những quyển của tác giả Yasushi Kitagawa vốn thích hợp cho lứa tuổi 20 nhưng Biển vẫn muốn đọc thử. Đánh giá riêng của Biển là “Cửa tiệm của những lá thư” sẽ có đối tượng độc giả rộng hơn quyển “Nếu ngày mai không bao giờ đến”, vì Biển sắp trung niên rồi nhưng đọc “Cửa tiệm…” vẫn thấy hay và bổ ích.

Nội dung sách nói về cậu bé Nishiyama Ryouta, đang học năm cuối ĐH đồng thời đang tìm việc. Được chị gái giới thiệu cho một quán café sách mang tên “Thư lạc”, Ryouta đã trở thành khách quen của quán. Tại đó, cậu phát hiện dịch vụ trao đổi thư với một người giấu mặt gọi là “Quán chủ”. Trải qua suốt thời gian sử dụng dịch vụ trao đổi thư này, Ryouta đã từ từ trưởng thành, từ một cậu nhỏ ngây ngô đang tìm việc trở thành một người chăm chỉ, mang hoài bão nhiệt huyết, có giá trị cao trên thị trường lao động. Dịch vụ trao đổi thư là ngành kinh doanh chính của “Quán chủ” nên Ryouta cũng phải trả lại điều gì đó xứng đáng. Nhiều năm sau khi nhận được lá thư đầu tiên, rốt cuộc cậu cũng đủ năng lực để bắt đầu thực hiện lời hứa của mình.

Khác với quyển “Nếu ngày mai không bao giờ đến”, nơi những câu hướng dẫn dành cho giới trẻ được chèn quá nhiều vào cốt truyện khiến cả quyển sách trở nên buồn chán, quyển “Cửa tiệm của những lá thư” này có cốt truyện nhẹ nhàng nhưng bí ẩn nên khá lôi cuốn. Thông qua những lá thư giữa “Quán chủ” và Nishiyama Ryouta gửi cho nhau, người đọc có thể giác ngộ nhiều điều. Nội dung những lá thư của “Quán chủ” tuy chứa đựng nhiều câu hướng dẫn dạy dỗ nhưng vì đối tượng nhận những lời hướng dẫn đó là Ryouta chứ không phải bản thân độc giả, có lẽ vì bớt đi tư tưởng giáo điều nên độc giả dễ dàng tiếp nhận hơn. Cá nhân Biển nghĩ rằng những bức thư của “Quán chủ” không chỉ thích hợp với độ tuổi sinh viên bắt đầu tìm việc mà còn hữu ích cho cả những người dù đã đi làm nhưng chưa tìm được động lực trong công việc của mình. Nghe thì có vẻ quyển sách này toàn nói đến công việc công việc nhưng thật sự nó không khô khan chút nào. Thư của “Quán chủ” được viết chuẩn theo phong cách viết thư của người Nhật, đầu thư luôn có những dòng viết về thời tiết và tả cảnh rất thơ mộng. Sau mỗi lá thư, “Quán chủ” ký tên khác nhau, điều đó khiến phần kết của bức thư trở nên thú vị đồng thời cũng thể hiện cá tính của người viết thư. Suốt lúc đọc, Biển không ngừng đoán mò về thân phận của ”Quán chủ” nhưng rốt cuộc vẫn đoán sai :)

“Không được nhiều người cần đến thì không thể sống thọ được.
Mức doanh thu đủ để duy trì hoạt động”.
Biển diễn giải hai câu trên thành: Nói tóm lại là sống ở đời vừa cần có TÌNH vừa cần có TIỀN *kaka*

Ngay từ lá thư đầu tiên của “Quán chủ”, Biển đã giật mình nhận ra rằng xưa giờ mình làm công việc gì hầu như cũng muốn nhận lại tiền, không hề nghĩ đến những giá trị khác mình sẽ có được từ công việc mình làm. Qủa thật là một sai lầm to lớn. Nói theo “Quán chủ”, nếu ta nhìn nhận một người như một công ty, và nhìn nhận một công ty như thể một con người, ta sẽ ngộ ra rất nhiều điều mới mẻ. Trong một lá thư khác, “Quán chủ” viết rất hay về việc vượt qua thử thách như sau:

“Để sống được với ước mơ trong tay và không có bức tường nào ngăn cản, em phải vượt qua hàng đống trở ngại trước mắt đã. Nói thế nghĩa là những người vẽ nên cho mình ước mơ lớn thì sẽ phải đối mặt với bức tường lớn. Khi có bức tường trước mắt mình, nếu muốn vượt qua nó bằng mọi giá, con người cần phải có một sức tập trung rất đáng nể. Thật ra, làm cách nào để vượt qua được bức tường quan trọng hơn nhiều lần so với hành động trèo qua bức tường, nhưng nhiều người với tầm nhìn hạn hẹp lại bất chấp thủ đoạn để trèo qua được nó”.

Quyển “Cửa tiệm của những lá thư” tuy nhỏ mỏng nhưng hoàn toàn không phải là một ấn phẩm dễ chuyển ngữ. Biển có thể hình dung được những câu văn gốc tiếng Nhật khó dịch như thế nào, câu ghép và Hán tự rất nhiều. Tuy vậy, dịch giả đã xử lý rất tốt, sách đọc không có chút nào gượng ép, chỉ có vài câu hơi khó hiểu chút xíu nhưng vẫn chấp nhận được. Khuyết điểm duy nhất là font chữ không chân và in khá mờ, đọc mệt mắt, nếu nhiều năm sau sách cũ đi và chữ càng mờ hơn thì không đọc được luôn. Đây là một quyển sách dễ thương và hữu ích cho độ tuổi từ 14~25.

(Sea, 7-11-2018)

1 nhận xét: