lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2020

Mặt Trời cũng là một vì sao



Tác giả: Nicola Yoon. Dịch giả: Ốp La
Thể loại: Tình cảm lãng mạn
.
Ngày Hè, tháng Nắng, năm Xanh
Chào anh, người-mà-ai-cũng-không-biết-là-ai-hết,

Vốn biết đến và yêu thích truyện của tác giả Nicola Yoon qua cuốn sách / bộ phim “Everything, everything” nên khi thấy cuốn “Mặt Trời cũng là một vì sao” được xuất bản tiếng Việt, Biển lập tức canh me đợt giảm giá để rước cuốn này về. Thành thật mà nói thì cuốn này có nhiều đoạn lãng mạn quá mức, Biển không còn nhìn cuộc đời qua lăng kính màu hường nữa nên đọc đôi lúc thấy cũng phi thực tế, nhưng có lẽ tiềm thức của Biển ưa thích sự lãng mạn, nên Biển vừa đọc vừa cười rúc rích, đọc xong chớp nhoáng trong vòng hai buổi tối và một buổi sáng, rồi quyết định viết review dưới dạng một bức thư (tình) gửi anh.

Hai nhân vật chính trong “Mặt Trời cũng là một vì sao” là Natasha Katherine Kingsley và Daniel Jae Ho Bae, cả hai đều ở độ tuổi 17. Natasha là một cô gái gốc Jamaica có gia đình nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ năm cô 8 tuổi, cô thích nghiên cứu khoa học (giống Biển) và không tin vào tình yêu (tự lừa mình thôi, cũng giống Biển). Daniel là người con thứ trong một gia đình Hàn Quốc nhập cư vào Mỹ từ lâu, cha mẹ kinh doanh tiệm phụ kiện làm tóc cho người Mỹ gốc Phi. Natasha gặp Daniel vào ngày cuối cùng cô còn ở lại nước Mỹ trước khi gia đình bị trục xuất về Jamaica. Bằng những yếu tố kỳ diệu siêu nhiên nào đó (hay đơn thuần chỉ là bản năng và phản ứng hóa học của cơ thể), cả hai rơi vào tình yêu say đắm trong vòng vài tiếng đồng hồ, trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc của một đôi tình nhân đang trong thời gian tìm hiểu. Trong ngày cuối cùng còn được ở lại Mỹ, Natasha cố tìm mọi cách để gia đình không bị trục xuất. Trong ngày tình cờ gặp và yêu Natasha, Daniel sắp có cuộc phỏng vấn quan trọng để ghi danh vào ĐH Yale, nhưng tất cả những gì cậu muốn lúc đó là trở thành thi sĩ. Số phận sẽ đối xử ra sao với mối tình của họ?

Nào giờ Biển luôn khẳng định mình ghét đọc ngôn tình sến sẩm, nhưng thỉnh thoảng có vài truyện tình cảm (của Mỹ và Châu Âu) vẫn khiến Biển đọc ngấu nghiến, cảm thấy vui vẻ như thể mình cũng được dự phần vào niềm hạnh phúc của các nhân vật chính. Phải chăng sâu thẳm bên dưới lớp vỏ màu xanh lạnh lùng, Biển vẫn che giấu một trái tim màu đỏ nồng nhiệt? Cũng phải nói rằng Biển thích truyện này có lẽ vì hai nhân vật chính tuy trong độ tuổi cuối teen nhưng suy nghĩ hành động không quá ấu trĩ. Người đọc có thể thấu hiểu được và không bị phản cảm với cách Natasha và Daniel bị cuốn hút về phía nhau như nam châm trái dấu. Tuy nhiên, vì đây là một tác phẩm văn học được viết bởi một nữ tác giả “người lớn” nên lời thoại của nhân vật quá sâu sắc và nhiều lúc không hợp độ tuổi. Đối với những người đến từ nền văn hóa Á Đông như anh và Biển, có lẽ chúng ta sẽ cho rằng mối quan hệ giữa hai cô cậu nhân vật chính tiến triển quá nhanh và mang đậm sức hút bản năng, nhưng thú thật là khi đọc cuốn này, Biển thường xuyên bị xao nhãng khỏi việc đọc vì bận nghĩ đến anh. Nếu xếp độ thân mật theo thang điểm từ 0~10, có lẽ Natasha và Daniel nhanh chóng nhảy vọt từ 0 đến 9, còn anh và Biển thì đang ở mức điểm bao nhiêu vậy anh?

Ngoài nội dung bình dị và thu hút, văn phong tươi sáng hấp dẫn, cách kể chuyện sáng tạo và linh hoạt là một yếu tố nữa khiến cuốn sách này trở nên rất dễ đọc. Sách không có mục lục chương, không đánh số chương cũng không có tựa chương. Thay vì kể lại bằng lời kể của ngôi thứ ba hoặc viết dưới dạng tự truyện của ngôi thứ nhất, “Mặt Trời cũng là một vì sao” được viết xen kẽ bởi lời kể của Natasha, của Daniel, của cả những nhân vật phụ như nữ bảo vệ tòa nhà hoặc người lái tàu điện ngầm. Thỉnh thoảng giữa các lời kể, tác giả xen vào phần chú thích về một vài yếu tố quan trọng được đề cập trong truyện, chẳng hạn “chu kỳ bán rã của một chất” hoặc “định nghĩa về tình yêu”. Những định nghĩa khoa học được viết rõ ràng ngắn gọn góp phần làm vơi bớt yếu tố tình tứ lãng mạng sến súa trong truyện, khiến người đọc vừa lý tính vừa cảm tính như Biển thấy rất hài lòng.

Lời của Natasha: “Đầu tiên là tôi không thích những thứ tạm thời, không chứng minh được, và tình yêu lãng mạn thì vừa tạm thời vừa không chứng minh được”.

“Người ta bỏ cả đời ra để tìm kiếm tình yêu. Người ta đã sáng tác bao nhiêu áng thơ, bài hát và cả những cuốn tiểu thuyết dài về nó. Nhưng làm sao bạn tin được vào một thứ có thể kết thúc đột ngột như khi nó bắt đầu cơ chứ?”.

Ngoài mối tình của hai nhân vật chính, cuốn này cũng kể một chút về tình cảm (được cho phép hay bị cấm đoán) của một số nhân vật phụ, bối cảnh gia đình của hai nhân vật chính, sự day dứt, nỗi đau dai dẳng và sự cứu rỗi bất ngờ. Tuy cuốn này không thuộc thể loại anh thích, cũng KHÔNG thuộc thể loại Biển sẽ-thừa-nhận-là-mình-thích (vì tình cảm hường phấn mà) nhưng hầu như suốt trong khi đọc nó Biển nghĩ đến anh, mơ mộng rằng liệu có khi nào Biển có thể hoàn toàn thu hút được sự chú ý của anh như Natasha đã thu hút Daniel hay không :-p

Từ ngoại hình đến nội dung, cuốn “Mặt Trời cũng là một vì sao” đều khiến Biển hài lòng. Bìa vô cùng đẹp, màu sắc nóng ấm của Mặt Trời và các vì sao tương phản mạnh mẽ với phông nền xanh dương đậm. Nội dung dễ đọc dễ nhớ, trình bày đẹp, không có lỗi chính tả hoặc lỗi in ấn, giữa các đoạn thường xuyên được tác giả chêm vào vài câu triết lý sâu sắc khiến Biển muốn ghi chú lại trong khi đọc. Anh sẽ không bao giờ đọc cuốn này nên Biển không muốn mong ước vô nghĩa rằng ngày nào đó sẽ được cùng đọc / cùng thảo luận cuốn này với anh. Tuy nhiên, Biển cho rằng / mong rằng / tin rằng sẽ còn nhiều sách khác hợp gout của cả hai ta để chúng ta có thể cùng đọc và cùng trò chuyện thật nhiều với nhau, có được không anh? 8-)

(Sea, 9-5-2020)

Thứ Năm, 9 tháng 4, 2020

Học ăn học nấu, thẩm thấu yêu thương


Tác giả: Seigaku. Dịch giả: Hương Linh
Thể loại: Kể chuyện dùng bữa trong Thiền viện
.
.
Khi nhìn thấy bìa cuốn sách này và đọc được bài cảm nhận ngắn về nó, tôi biết ngay mình nhất định phải mua nó. “Học ăn học nấu, thẩm thấu yêu thương” không phải một cuốn sách dạy nấu ăn (dù trong sách có vài công thức nấu ăn), nội dung sách là lời kể của Thiền sư Seigaku về “nghi thức dùng bữa” trong Thiền viện Eihei (Nhật Bản). Hầu như phần quan trọng nhất trong sách là kể chuyện ăn uống của các tăng lữ trong Thiền viện, qua đó nêu lên những bài học cuộc sống, những triết lý sống mà tác giả đã giác ngộ được. Nghe có vẻ rất kỳ lạ, chuyện ăn uống phàm tục lại kết hợp với đời sống tu Thiền thanh cao thoát tục, nhưng qua quyển sách này độc giả sẽ nhận ra và hiểu rõ mối liên kết khít khao và kỳ diệu giữa hai việc này.

Thiền viện Eihei do Thiền sư Dogen thành lập năm 1246, đến thời của tác giả Seigaku thì đã trải qua 700 năm. Mọi cách thức sinh hoạt (đương nhiên kể cả việc nấu + ăn) đều đã được duy trì suốt bảy thế kỷ, chỉ có vài thay đổi nhỏ cho phù hợp với thời đại như thay vì ăn bằng tay thì chuyển sang dùng muỗng đũa. Thiền viện nằm trên núi, các tăng lữ đều không có đồng hồ, mọi sinh hoạt đều dựa vào âm thanh như tiếng chuông chùa, âm thanh đánh vào tấm đồng hình áng mây, chiếc trống trang trí hình con cá, chiếc trống trang trí vân mây khổ lớn… Âm thanh của tấm đồng hình áng mây là tín hiệu báo đã đến giờ ăn.

Khác với hình dung của chúng ta khi xem các bộ phim TQ, Thiền viện ở Nhật không có nhà ăn đầy bàn ghế với cảnh ồn ào náo nhiệt và tràn ngập hương vị kích thích bao tử. Đến giờ ăn, các tăng lữ tập trung tại “Tọa thiền đường”, còn gọi là tăng đường, cũng chính là nơi ngủ nghỉ của họ. Vâng, họ ngồi ăn ngay trên chính chiếc giường của mình, lúc ngủ thì nằm trên một tấm chiếu tatami, lúc ngồi ăn thì ngồi kiểu tọa thiền (tức là quỳ) trên nửa tấm chiếu tatami. Trong lúc chờ đợi các jounin (sư thầy phụ trách dọn dẹp, nấu nướng, phân phát đồ ăn) đem thức ăn đến, các tăng lữ sẽ bình tĩnh ngồi thiền. Trước – trong – sau khi ăn, cả tăng lữ và jounin đều đọc khá nhiều bài kệ và thực hiện nhiều nghi thức cúi chào, cúi lạy, cúi đầu cảm ơn…
“Muỗng cơm thứ nhất vừa ăn
Nguyện cho tất cả ác nhân không còn
Muỗng hai xin nguyện với lòng
Giúp người tu thiện, tâm đồng thái hư
Muỗng ba thực hiện tâm từ
Dắt dìu muôn loại cùng tu đạo mầu”.

Bộ dụng cụ dùng bữa của các tăng lữ thường được bọc trong tay nải (cũng là tấm vải sẽ trải trên giường khi dùng bữa) và được treo ngay đầu giường hoặc đặt trong hộc tủ đầu giường chung với các vật dụng cá nhân. Bộ dụng cụ dùng bữa gồm bộ bát lồng nhau (ba cái từ lớn đến nhỏ), tấm lụa để trải (cũng là tay nải để gói lại), tấm vải kê bát, tấm ngăn thấm nước, khăn lau, thanh lau bát, túi đựng muỗng đũa và muỗng đũa. Các tăng lữ sẽ tự sắp xếp bộ dụng cụ này theo thứ tự quy định, mấy trăm người đều sắp xếp đúng theo trật tự giống hệt nhau. Jounin chỉ làm việc tại nhà bếp và phân phát thức ăn chứ không có nhiệm vụ dọn bàn và rửa chén. Bữa sáng gồm cháo và muối mè, bữa trưa gồm cơm, một món canh, một món rau. Bữa tối gồm cơm và món rau giống bữa trưa (làm một lần ăn cả ngày). Ngày nào cũng như ngày nấy suốt cuộc đời tăng lữ. Tuy trong “Điển tọa giáo huấn” của Thiền sư Dogen không có dòng nào ghi là “Không được sử dụng thịt cá” nhưng các bữa ăn tại Thiền viện đều không dùng động vật.

“Món ăn chay không phải là những món ăn không sử dụng đến thịt, mà là món ăn được tạo ra bởi một trái tim đầy từ bi và ngập tràn tấm lòng khoan dung. Khoan dung là thừa nhận sự thật rằng, tất cả mọi sự trên thế gian này đều tồn tại bằng cách hỗ trợ và lệ thuộc lẫn nhau. Đừng phân biệt nguyên liệu nấu ăn, hãy cùng cố gắng hết mình để tạo ra những món ăn thật ngon lành, làm thỏa mãn trái tim và tâm hồn của những người sẽ ăn món ăn do mình làm nên”.

Khi các tăng lữ ăn xong, jounin sẽ đem nước trà đến để các tăng lữ tự rửa bát bằng thanh rửa bát (là thanh gỗ được quấn vải một đầu), nước trà rửa bát xong sẽ được…uống luôn. Tiếp theo, jounin đem nước nóng đến để rửa bát lần hai, nước nóng này dùng xong sẽ được đổ lại vào xô và mang ra đổ trả lại cho sông suối, không hề lãng phí một giọt nước nào. Bằng cách dùng nước trà và nước nóng để rửa bát, Thiền viện giảm bớt lượng hóa chất cần dùng. Sau khi các tăng lữ ăn xong, gạo sống được đem ra rải trên một tảng đá để chim muông cũng được dùng bữa như con người. Đọc đến chi tiết đó, tôi thắc mắc không biết Thiền viện có nuôi chó mèo không.

Đọc cuốn sách này, có thể nhiều người sẽ cho rằng “nghi thức dùng bữa” của Thiền viện là quá nhiêu khê rắc rối, người bình thường không thể làm theo, đang đói muốn chết mà còn phải quỳ cầu nguyện và cúi lạy chín lần để cảm ơn cho bữa ăn ít ỏi mình nhận được vân vân… nhưng tôi nghĩ mình đã hiểu được phần nào nguyện vọng của tác giả Seigaku khi truyền đạt lại nghi thức dùng bữa này trong một quyển sách. Nguyện vọng ấy đã được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách đến nỗi tôi chắc chắn sẽ nhớ lâu đến mấy mươi năm nữa:
“Cho dù chỉ là việc nhỏ và đơn giản đi nữa, chỉ cần thay đổi cách nhìn dành cho việc dùng bữa, thế giới trước mắt mà bạn vẫn cảm thấy dường như nó quá rộng lớn và đầy rẫy những khó khăn, sẽ thay đổi hoàn toàn”.

Tôi cho rằng ý chính mà tác giả muốn nói là mong mọi người ăn uống chậm rãi với lòng trân trọng và biết ơn. Biết ơn đến cả cái chén gỗ, cái giẻ lau bàn sau khi ăn, cái thùng rác trong bếp (thùng rác được các tăng lữ gọi là “chiếc hộp bảo vệ cái đẹp”); biết ơn những người mình không biết mặt đã nuôi trồng nên thực phẩm trên bàn ăn của mình, biết ơn những người đã đi chợ, nấu và dọn cho mình những bữa ăn nóng sốt đầy đủ dinh dưỡng… Khi tràn ngập lòng biết ơn và tận hưởng những điều tưởng như bình thường nhất, tâm của ta sẽ tìm được chút an yên giữa cuộc đời giông bão này.

Vốn là một người thích nấu ăn, tôi nhận ra từ lâu mình đã thực hiện khoảng 70% những điều được viết trong sách, giờ đọc xong và cố gắng làm theo 30% còn lại thì chắc chứng bệnh OCD của tôi sẽ càng trầm trọng. Thế nhưng, tác giả Seigaku nói rằng sắp xếp vật dụng trật tự sẽ chứng tỏ một tâm hồn thanh tịnh không rối loạn, cho nên tôi sẽ ráng giữ mọi thứ sạch sẽ tinh tươm, để trái tim tôi luôn được thanh khiết.

“Học ăn học nấu, thẩm thấu yêu thương” không phải là một trong những cuốn sách hay nhất tôi từng đọc, cũng không phải một trong những cuốn sách tôi thích nhất, nhưng nó sẽ được xếp vào một trong những cuốn đã bước vào đời tôi đúng thời điểm nhất, lúc tôi cần nó nhất. Cuốn sách này giống như một vị Thiền sư xa lạ với ánh mắt nhân từ thấu hiểu đã đến bên cạnh và cho tôi những lời ủi an khi tôi cảm thấy trống rỗng (trống rỗng như lúc Santiago biết Kim Tự Tháp nằm cách cậu mấy ngàn km sa mạc). Cuốn sách nhỏ chỉ có 220 trang nhưng bìa cứng và có sợi dây đỏ đánh dấu trang, bên trong có những nét vẽ minh họa dễ thương và dễ hiểu của Kikue Tamura. Tôi nghĩ “nghi thức dùng bữa” này cũng giống như tu thiền, ta có thể thực hành suốt nhiều năm tháng nhưng vẫn thấy không có gì thay đổi, nhưng trong lúc ta không hay biết, sự thay đổi theo chiều hướng tích cực đã thấm sâu vào bản chất của ta, đến một lúc nào đó khi ta giác ngộ, thì ta đã hoàn toàn thoát khỏi những điều cũ kỹ buồn phiền và trở thành một phiên bản mới tốt hơn, biết cách hài lòng và tha thứ cho chính mình.

“Hãy sống như thế nào mà mỗi hành động trong ngày của chúng ta đều là những hành động của yêu thương”. (Thích Nhất Hạnh)

(Sea, 9-4-2020)
https://www.youtube.com/watch?v=P_F-7x3UbEM

Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2020

Nhà giả kim - Đá tạo vàng và Thuốc trường sinh là không có thật



Tác giả: Paulo Coelho. Dịch giả: Lê Chu Cầu
Thể loại: Truyện cổ tích kiêm triết lý sống
.
“Nếu những gì ta tìm thấy là thật, là vàng ròng thì chúng sẽ không bao giờ hư hao và bất cứ lúc nào ta quay về thì chúng vẫn còn nguyên vẹn đó; còn nếu chúng chỉ là thoáng qua như ánh sao băng thì khi trở về ta sẽ chẳng tìm thấy gì nữa cả. Nhưng dẫu sao cậu cũng đã được sống cái phút thoáng qua ấy và bấy nhiêu đã là quý rồi”.

“Nhà giả kim” của tác giả Paulo Coelho là cuốn sách mình được tặng vào dịp Tết 2016, tính đến nay mình đã đọc ba lần. Hai lần đầu mình thấy nội dung rất hay và cảm động, đến lần ba thì mình hết thấy hay và hết cảm động, nhưng tình cảm của mình dành cho quyển sách này sẽ vẫn còn mãi nên mình muốn viết vài dòng về nó.

Nội dung sách kể về một đoạn đời của chàng trai chăn cừu Santiago ở Tây Ban Nha. Cậu đã không đi theo con đường trở thành linh mục như cha mẹ mong muốn mà quyết định chăn cừu để có dịp đi đây đi đó. Trong bối cảnh truyện, nghề chăn cừu cũng là một nghề chính đáng và có thu nhập ổn định, Santiago kiếm đủ sống, hằng đêm gối đầu lên một quyển sách dày để ngủ và thỉnh thoảng tơ tưởng đến một cô con gái nhà buôn vải. Trong thời gian trú lại một ngôi nhà thờ cổ hoang phế, cậu hai lần nằm mơ thấy kho tàng được chôn ở Kim Tự Tháp bên Ai Cập. Sau khi nhờ một bà Digan giải mộng và tình cờ gặp một ông vua có cách nói năng rất bí hiểm, Santiago quyết định bán đàn cừu, lên đường đi tìm kho tàng ở Ai Cập. Chuyến đi đem đến cho cậu những trải nghiệm chưa từng tưởng tượng nổi, bị cướp, bị đánh, nhưng cũng gặp được những người hết sức tử tế, trong số đó có cả vị hôn thê tương lai của cậu.

Hai lần đầu đọc cuốn này, mình thích nó vì câu “khi anh quyết chí muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để anh đạt được điều ấy”. Mình thích khái niệm “Tâm Linh Vũ Trụ” đến mức đã tưởng tượng hẳn một hình tượng Tâm Linh Vũ Trụ như một vị thiên thần có mái tóc dài màu bạch kim, sẵn sàng lắng nghe và thỏa mãn mọi nguyện vọng của mình. Nhưng, đến lần thứ ba đọc “Nhà giả kim”, mình chú ý hơn đến “các dấu hiệu”. Phải biết nhận ra các dấu hiệu do vũ trụ gửi đến để biết mình có đang đi lầm đường không. Vậy nếu mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng điều ta đang khao khát là sai lầm hoặc không có khả năng trở thành sự thật thì liệu Tâm Linh Vũ Trụ có chìu theo những mong ước viễn vông đó hay không? Mình nghĩ là không. Mơ tưởng thì màu hồng nhưng thực tế thì màu đen, hầu như luôn là vậy.

Cho nên, thay vì xem quyển sách này như một tập hợp những triết lý sống để noi theo, mình chỉ còn coi nó như một quyển truyện cổ tích mang đậm màu sắc tôn giáo dành cho lứa tuổi dưới 15, đọc để nuôi dưỡng niềm tin ngây thơ và những khát vọng cao đẹp trong cuộc sống. Không phải vì thực tế quá phũ phàng mà ta đành lòng làm ngơ trước mọi lời thì thầm của trái tim, nhưng cũng phải tỉnh táo để hướng trái tim đi theo đường nên đi, tránh để sau này bị thương máu chảy đầm đìa thì khi đó chẳng có băng gạc nào có thể băng bó nổi.

Tuy nhiên, có một đoạn đối thoại mình vẫn sẽ luôn thích trong cuốn “Nhà giả kim”:
“Thế là quá nhiều so với những gì tôi đã làm” – tu sĩ nói.
“Thầy chớ nói thế nữa, kẻo Đời nghe thấy thì lần tới thầy sẽ được ít hơn đấy”.
Tuy biết là “chớ nói thế nữa” nhưng mỗi khi “nhận được quá nhiều so với những gì đã làm” thì lòng mình vẫn rất hân hoan vì cảm nhận được sự ưu ái từ phía đối phương.

Trong cuốn này cũng có nói đến tính cách độc lập mạnh mẽ của người phụ nữ vùng sa mạc. Tình yêu của họ dành cho người đàn ông sa mạc không mang theo sự chiếm hữu, mà họ biết phải để người đàn ông ra đi, rồi ngọn gió sa mạc sẽ mang người ấy quay về. Nếu vì lý do gì đó mà người đàn ông không thể quay về (chiến trận, cướp bóc…) thì người phụ nữ sa mạc sẽ luôn nhìn thấy hình ảnh người yêu quý của mình trong những đám mây, trong những tạo vật của sa mạc, trong dòng nước giếng mát lành của ốc đảo. Đọc đoạn này, mình học được một điều: nếu mình nhớ ai đó mà không thể gặp họ, mình sẽ ngẩng nhìn mây trắng trên trời và coi như đang nhìn thấy họ. Cũng đỡ buồn được một chút!

Chính vì câu quảng cáo “Cuốn sách bán chạy chỉ sau Kinh Thánh” được in trên bìa trước ngay dưới tựa sách khiến nhiều người không thích và không thèm đọc, cho rằng mang nặng tính PR. Khi mình hăm hở đọc “Nhà giả kim” lần đầu không phải vì lời quảng cáo đó, mà vì người đã tặng mình cuốn này khiến mình vui. Cuốn sách này được dịch từ bản tiếng Đức kèm đối chiếu với bản tiếng Anh, mình thích lời lẽ dân dã như một câu chuyện dân gian của truyện này khi được dịch sang tiếng Việt. Bìa sách thật sự chói mắt, nếu có tái bản thì mình mong bìa sẽ theo phong cách màu nước, vẽ một chàng trai mặc áo choàng kiểu Á Rập màu xanh dương đứng nhìn Kim Tự Tháp dưới bầu trời màu vàng cam (trong một lớp hội họa có người đã vẽ như vậy rồi). Tuy không còn tin vào sự ủng hộ tuyệt đối của Tâm Linh Vũ Trụ nữa nhưng mình vẫn sẽ luôn cho rằng “Nhà giả kim” là một quyển sách rất đáng đọc.

(Sea, 4-4-2020)

Thứ Năm, 2 tháng 4, 2020

Thác Lũ - Flood Tide



Tác giả: Clive Cussler. Dịch giả: Phạm Đăng Phụng
Thể loại: Trinh thám Mỹ. Mức độ yêu thích: 22/10
Đánh giá ngắn gọn: Tuyệt phẩm
.
.
“Trong số những con sông lớn của thế giới, sông Nile có một sức quyến rũ thật lãng mạn từ thuở quá khứ xa xôi, sông Amazon gợi lên những hình ảnh phiêu lưu và hiểm nghèo, trong lúc sông Dương Tử ôm ấp linh hồn đầy ắp bí ẩn của người phương Đông. Nhưng chính dòng sông Mississippi mới thực sự gợi óc tưởng tượng của con người”.

Cách đây ít lâu, tôi tình cờ nhìn thấy hình bìa cuốn “Băng cháy” của tác giả Clive Cussler trên hội trinh thám. Bìa sách đó đã quyến rũ tôi, nhưng tôi không tìm được cả sách giấy lẫn ebook, thay vào đó tôi tìm được ebook cuốn “Thác lũ” cũng của Clive Cussler. Với sự tò mò muốn thử đọc truyện của một tác giả lạ, tôi dè dặt ngó vào vài dòng của cuốn “Thác lũ” và lập tức bị trói chặt vào nó suốt gần mười ngày. Tuy bây giờ mới tháng 4-2020 nhưng tôi không do dự cho rằng đây là cuốn sách trinh thám hay nhất mình đọc được trong năm nay (nếu trong năm nay tôi đọc thêm quyển nào khác của Clive Cussler thì không chừng tôi xếp hạng hai cuốn hay bằng nhau)!

Ngay chương đầu, người đọc được tác giả đưa đến dự đám tang của một Công Chúa. Nàng chết đuối, sau cuộc đời oanh liệt cống hiến hết sức mình vì người khác, nàng cố gắng vùng vẫy chiến đấu với luồng gió dữ tợn và những đợt sóng cao 10m, để rồi trút hơi thở cuối cùng và được xây mộ phần dưới đáy nước sâu. Chương tiếp theo là cảnh cô gái Trung Hoa Ling Tai đã trả 30,000USD cho chuyến đi nhập cư bất hợp pháp sang Mỹ trên chiếc tàu Indigo Star. Cô và mấy trăm người nhập cư bất hợp pháp khác đã rơi vào đường dây buôn người của tập đoàn Hàng hải Qin Shang. Thay vì bình yên đến Mỹ, họ bị bỏ đói khát, bị tra tấn để đòi thêm tiền, và bị quẳng xuống biển chẳng khác gì cỏ rác. Sau mấy chục trang, nhân vật chính Dirk Pitt mới xuất hiện. Anh là Giám đốc các Dự án Đặc biệt của NUMA – Cơ quan Hàng hải và Hoạt động dưới nước Quốc gia, thuê một ngôi nhà ven hồ Orion để nghỉ ngơi sau chuyến công tác – điệp vụ đầy bão táp đã khiến anh bị thương không nhẹ. Tưởng rằng sẽ bình yên trải qua kỳ nghỉ dưỡng êm đềm, ngay đêm đầu tiên, anh đã phát hiện một cơ ngơi đáng ngờ bên bờ hồ Orion và quyết định dùng những kỹ năng hàng hải thượng thừa của mình để điều tra. Trùng hợp làm sao, cơ ngơi đáng ngờ ấy lại chính là một trong hàng chục điểm tập kết người nhập cư bất hợp pháp của Tập đoàn Qin Shang.

Nếu ví nội dung cuốn “Thác lũ” như một thác lũ thì phần tóm tắt trên của tôi chỉ mới là vài ngọn sóng bạc đầu, không thể diễn tả hết nội dung hoành tráng và đặc sắc của quyển sách này, nhưng tôi không thể kể nhiều hơn để khỏi tiết lộ những diễn biến bất ngờ của truyện. Là một người yêu thích vô cớ các vùng biển và đại dương, tôi rất vui – gần như hạnh phúc – khi tìm đọc được một quyển trinh thám hấp dẫn vừa có bối cảnh đại dương vừa thường xuyên đề cập đến các loại tàu thuyền, máy bay, vận tốc gió và cường độ sóng nước. Diễn biến truyện như một bộ phim hành động phiêu lưu mạo hiểm mà mỗi lần chuyển cảnh đều đem đến những cảm hứng mới mẻ và lôi cuốn cho độc giả, khiến không thể bỏ sách xuống được (unputdownable). Không hề nói thậm xưng, ngay từ những dòng đầu tôi đã nhận thấy văn phong của Clive Cussler rất hợp với mình, và tôi vui vẻ để “Thác lũ” nhấn chìm mình trong những đợt sóng từ ngữ của nó từ những dòng đầu tiên đến những chữ cuối cùng.

“Nước rơi xuống như những dòng thác từ thân máy bay và phao nổi khi toán thủy thủ tuần dương điều khiển những sợi dây kéo chiếc máy bay vào đúng vị trí thích hợp. Khi công việc hoàn tất, cần trục hạ thấp chiếc máy bay xuống một bãi đáp trên boong ở đuôi tàu cạnh một bãi đáp khác dành cho trực thăng của tàu”.

Truyện rất dài với nhiều chi tiết được miêu tả kỹ nhưng không hề khiến người đọc bị rối. Những đoạn viết về tàu thuyền – máy bay khiến tôi đôi lúc phải đọc lại ba lần (vì nhiều từ ngữ chuyên môn) nhưng vẫn có thể hiểu, có thể hình dung và nhớ rõ những gì đã đọc, để theo kịp diễn biến truyện và ngưỡng mộ sự xuất sắc của truyện. Qua ngòi bút của Clive Cussler, những cỗ máy cơ khí khô khan như được thổi hồn vào, biết nỗ lực để làm hài lòng các vị chủ nhân của chúng.
“Như thể nó cũng có một bộ óc và một trái tim, chiếc xe cố đáp ứng với sự bùng nổ của một lực gia tốc, nhấc mũi xe lên, cản trước đầu xe ló lên khỏi mép ao, rồi những lốp xe lăn trên vách ao cho đến khi chúng vọt qua bên trên mép ao, lọt vào trên mặt đất bằng phẳng”.

Tôi cho rằng cuốn sách này đạt tiêu chuẩn giải trí dành cho các mọt trinh thám thích thể loại phiêu lưu mạo hiểm xen kẽ kiến thức khoa học thường thức (như truyện của Dan Brown hoặc Jeffery Deaver). Sau khi đọc “Thác lũ”, tôi kết luận mình thích truyện của Clive Cussler hơn cả truyện của Dan Brown và Deaver. Vấn nạn buôn người và nhập cư bất hợp pháp trong cuốn này khiến tôi nhớ đến cuốn “The Stone Monkey” nhưng trong “Thác lũ” thì nó được đề cập ở tầm vóc vĩ mô hơn và mức độ vô nhân tính tàn bạo hơn. Hình dung về cảnh giết người hàng loạt được miêu tả trong truyện khiến tôi sợ không dám ngủ.

Trước giờ, nhân vật trinh thám ưa thích nhất của tôi là Jack Reacher trong các tác phẩm của Lee Child, nhưng giờ đọc đến Clive Cussler thì tôi có thêm một nhân vật ưa thích là Dirk Pitt. Có cả một đoạn dài vô cùng chính xác do một nhân vật phụ “xem tướng đoán tính cách” của Dirk Pitt nhưng tôi không gõ lại vào review. Pitt thuộc loại siêu anh hùng có thể làm mọi việc, vượt qua mọi thử thách, thoát chết trong những tình huống không tưởng tượng nổi, và không có anh thì thảm họa giết chết hàng triệu người sẽ xảy ra. Vừa còn sống thoát khỏi một vụ nổ dữ dội dưới nước nhưng Pitt vẫn có thể kể lại một đoạn (dài hơn nửa trang) về chiến công của mình trong lúc vẫn đang ngâm mình trong nước, máu chảy ra từ mũi và nội tạng thì bị chấn thương! Khi đã tiếp xúc với Pitt, phụ nữ cảm nhận một sự rung động không thể cưỡng lại và lao vào anh như lao vào chocolate, thế mà tôi chẳng thấy ghen tỵ gì cả và vẫn thích anh, thậm chí xếp anh ngang hàng với Jack Reacher!

“Pitt không thể tin anh đang tự giết mình để cứu một con chó mà anh nghĩ sẽ bị lũ ruồi tse-tse hút máu tha hồ cắn xé vì chứng bệnh ngủ kinh niên của nó”.
>> một người đàn ông yêu động vật như thế này thì bản thân anh ta cũng đáng yêu!

Không thể quên kể đến nữ chính Julia Marie Lee, cô gái người Mỹ gốc Hoa với công việc nhân viên điều tra đặc biệt của Cục Nhập cư Mỹ. Cô thuộc loại phụ nữ hầu hết đàn ông sẽ muốn cưới làm vợ: xinh đẹp, vô cùng dũng cảm, vừa đảm đang việc nhà vừa lịch thiệp chuyên nghiệp ngoài XH. Tuy đủ gan lì để một mình thâm nhập vào hang ổ bọn buôn người nhưng bên cạnh Dirk Pitt, cô vẫn không đánh mất nữ tính mềm mại của mình. Tôi thích cô và muốn trở nên giống cô.

Để review thêm dài (làm như chưa đủ dài vậy), tôi sẽ viết một chút về tác giả Clive Cussler. Khi còn niên thiếu, Clive Cussler “thường cùng bạn bè tham gia những cuộc phiêu lưu tưởng tượng trên những cánh đồng gần nhà. Sau khi tốt nghiệp ĐH, ông xin làm thợ bảo dưỡng máy bay cho lực lượng Hàng không Mỹ trong suốt cuộc chiến với Triều Tiên”, có lẽ vì vậy mà ông có kiến thức bao la và chính xác về máy bay cũng như tàu biển. “Ông là nhà văn, nhà thám hiểm người Mỹ, say mê khám phá đại dương và tìm kiếm những xác tàu đắm lịch sử. Ông là người sáng lập và đứng đầu tổ chức phi lợi nhuận National Underwater and Marine Agency (NUMA).” Clive Cussler đã qua đời vào tháng 2 năm 2020 ở tuổi 88. ____ Truyện có một chi tiết rất thú vị khi tác giả lấy tên mình đặt cho một nhân vật phụ thuộc phe chính diện. Thật là dễ thương. Hầu hết các nhân vật phụ và cả nhân vật phản diện đều được khắc họa rõ nét nhưng vẫn không khiến các nhân vật chính bị lu mờ. Tôi đặc biệt thích Đô đốc Sandecker (một người lãnh đạo tràn đầy tư chất lãnh đạo) và thuyền trưởng Cabrillo, những nam nhân xuất chúng như thế ngoài đời thực sẽ được nhiều phụ nữ say mê, thế nhưng họ là những người “đàn ông độc thân chỉ có một cô nhân tình là biển cả”.

Dường như truyện “Thác lũ” diễn ra trong bối cảnh chưa có ĐT thông minh nối mạng Internet, nếu không thì một số chi tiết trong truyện sẽ trở nên vô lý. Ngoài ra, những pha thoát thân của nam chính cứ như được thần tiên phù hộ (hay tác giả phù hộ?). Nhưng dù sao thì tôi cũng vẫn mê mẩn văn phong của Clive Cussler. Lần đầu tôi rơi nước mắt khi đọc về cái chết oanh liệt của một chiếc tàu khổng lồ, dài gấp 10 lần và bề ngang gấp 15 lần ngôi nhà của tôi. Tôi cũng xúc động trước hình ảnh người đã lèo lái chiếc tàu đó trong giây phút nó kết thúc cuộc đời. Vốn là một người bị say xe / say sóng và chỉ cảm thấy an toàn khi đặt chân trên mặt đất, nhưng khi đọc cuốn này tôi hình thành một mong muốn cháy bỏng là được tận mắt nhìn thấy / đặt chân lên những chiếc tàu khổng lồ, nhìn ngắm đại dương trải ra mênh mông trước mắt để nhận thấy mình nhỏ bé đến mức nào. Đoạn kết của “Thác lũ” có liên quan rõ rệt đến đoạn đầu, lại khiến tôi cảm động và lần thứ hai rơi lệ khi đọc.

Sau vô số những cuốn sách được dịch tiếng Việt tôi đã đọc qua, “Thác lũ” là cuốn được dịch hay nhất tôi từng gặp, cuốn thứ nhì là “Đại dương biển” của Alessandro Baricco. Tôi chưa đọc nguyên tác nào của tác giả Clive Cussler, nhưng có cảm tưởng dịch giả của cuốn “Thác lũ” đã vừa chuyển ngữ một cách vô cùng chuyên nghiệp vừa đưa vào tác phẩm văn phong riêng của ông. Có những câu văn dài như cả đoạn, đầy những chủ ngữ vị ngữ trạng từ và còn ghép câu nhưng đọc vẫn rất mượt và dễ hiểu. Tôi đọc và lâu lâu phải thốt lên rằng “trời ơi dịch hay quá”! Có những quyển sách khiến tôi cảm tưởng như nó được sinh ra dành riêng cho tôi, “Thác lũ” chính là một quyển sách như vậy.

(Sea, 2-4-2020)

[Những dòng trong ngoặc kép về lai lịch của Clive Cussler được Biển tìm thấy từ website sachkhaitam và từ một bài viết trên báo nld.com.vn]

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2020

Truyện Ngắn Ghép Từ Những Tựa Sách


Tác giả: Biển. Thể loại: Đọc xong sẽ biết
.
.
Vào thời điểm giao giữa năm cũ và năm mới, Cô gái văn chương nói lời tạm biệt với tinh linh nước mang hoa Mặt Trăng để lên đường tìm người trong mộng dù không biết người ấy đã sinh ra chưa, đang ở đâu. Nếu người ấy đã kết hôn thì cô chấp nhận làm Tình nhân không bao giờ đòi cưới. Trên con Đường xa nắng mới, Cô gái văn chương gặp các Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa, Cô gái chọc tổ ong bầu, Cô gái trong mạng nhện đang đi mua máy tính giảm giá để chuẩn bị hack vào các ngân hàng Thụy Sỹ. Các cô này tiết lộ cho Cô gái văn chương biết Bí ẩn chiếc nhẫn ngọc sapphire.

Cô gái văn chương chỉ biết Câm lặng và tiếp tục du hành một mình, cô đi qua Trảng đất trống nơi có Cây thập tự ven đường, dừng lại một chút xem Gánh xiếc quái dị biểu diễn Vũ điệu của thần chết. Đến nhà ga, cô lên chuyến tàu tốc hành phương Đông và tình cờ ngồi cùng toa với Cô gái trên tàu. Họ ăn mừng tình bạn mới quen giữa những Người lạ trên tàu bằng cách đến toa canteen để dùng Bánh mì thơm, cà phê đắng. Đang ăn, hệ thống loa của tàu lửa phát ra âm thanh êm tai của một người tự xưng là Cô gái Brooklyn, đang tìm kiếm một Cô gái mất tích. Cô gái trên tàu tiết lộ cho Cô gái văn chương biết mình thật ra là một Cô gái mù chữ phá bom nguyên tử, đang ngày ngày cố gắng đến từng Hơi thở cuối cùng nhằm thoát khỏi Vòng xoáy tội ác để đi tìm Công lý cho ai.

Tàu lửa dừng lại ở Trạm dừng vô định, Cô gái văn chương nhìn theo bóng lưng thanh tao của người bạn mới quen, chợt nhận ra cô ấy chính là Cô gái mất tích vừa được loa trên tàu thông báo. Cô vừa cất bước định đuổi theo thì người kia đã nhanh chóng hòa lẫn vào đám đông như một Bóng hình của gió. Chẳng còn gì chứng tỏ rằng cô đã từng gặp Cô gái mất tích, giờ có đến đồn cảnh sát khai báo thì người ta cũng sẽ cho rằng cô đang kể một câu chuyện Cổ tích của người điên.

Mang tâm tư thất lạc sâu xa như thể đang ở Giữa lòng tăm tối, Cô gái văn chương tình cờ đi ngang một Khu vườn ngôn từ và nhặt được Vòng hoa cúc của ai đó bỏ quên trên ghế đá. Ngẩng mặt lên, bầu trời chỉ có một Chú chim bay không quay đầu ngoảnh lại. Bỗng một Giai điệu tử thần vọng đến bên tai, Cô gái văn chương dò dẫm theo âm thanh và bắt gặp một Cửa hiệu tự sát, trước hiên nhà có một Cô gái Đan Mạch đang ngồi gảy Đàn cổ cầm khỏa thân, bên cạnh đặt Con búp bê chắp vá. Không muốn Mắc kẹt với Tình thế hiểm nghèo này, Cô gái văn chương bỏ chạy trên Đường đua của những giấc mơ, không cẩn thận ngã vào một đầm nước trồng toàn Hoa súng đen. Đang lóp ngóp bò lên, đầu tóc ướt sũng, trên da bám đầy đỉa, cô được Nhà giả kim vớt lên đưa về Ngôi nhà thạch lựu. Nhà giả kim nhìn đường bay của chim cắt và nói cho Cô gái văn chương biết người trong mộng cô muốn tìm vốn là Cô gái đến từ hôm qua, hiện đang bị Cô gái mang trái tim đá giam trong Căn hầm tối.

Vốn thấu triệt tư tưởng Đời ngắn đừng ngủ dài, Cô gái văn chương không hề nghỉ ngơi mà lập tức làm một chuyến Bạch dạ hành để đi tìm chân mệnh ái nhân. Sau khi đi qua 1367 dặm đường, đôi mắt mệt mỏi của cô được xoa dịu bởi ánh bình minh đang tỏa rạng nơi Chân trời đảo ngược. Cô gái văn chương ghé quán ăn mang tên Kitchen, được chủ quán là Cô gái trong nắng dọn cho một bữa sáng thịnh soạn kiểu Anh. Rời khỏi Kitchen, Cô gái văn chương vừa nghĩ đến Mục tiêu cuối cùng của hành trình vừa cảm thấy Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương.

Xa xa hiện lên cổng vào đe dọa của một nghĩa trang, trên cổng treo bảng Trại hoa đỏ. Cô gái văn chương bước đi giữa những luống Hoa hồng máu, thầm nghĩ mình đã tìm đúng nơi. Thì ra Cô gái đến từ hôm qua không bị giam trong Căn hầm tối mà bị giam trong một chiếc lồng sắt đặt giữa Khu vườn xương. Cô gái đến từ hôm qua quần áo rách mướp, đang thê thảm vật vạ trên mặt đất, toàn bộ đồ vật trong lồng chỉ có một Chiếc ghế trống. Cô gái văn chương định chạy đến gần tìm cách giải thoát cho người đang bị giam thì Cô gái mang trái tim đá dùng Lăng Ba Vi Bộ như một tia chớp phi thân vào, rút ra một khẩu Glock và gào lên “Cô gái trong lồng là của ta, kẻ nào cũng không được cướp nàng”.

Cô gái văn chương nhìn quanh tìm vũ khí, đang lúc định nhào tới rút chiếc cào cỏ của Người làm vườn đêm cắm gần đó, một Tiếng thét vang lên, Cô gái trên tàu vốn đã chia tay từ mấy ngày trước bất ngờ xuất hiện. Đáng tiếc, Cô gái trên tàu tuy có thể phá bom nguyên tử nhưng vì mù chữ nên không nhìn thấy những ý niệm hiểm ác lóe lên trong đôi mắt Cô gái mang trái tim đá. Khi Cô gái trên tàu ném ra quả lựu đạn định phá cửa lồng thì Cô gái mang trái tim đá bật đôi cánh của Kuroba Kaito để bay lên, đồng thời bấm nút điều khiển đang cầm trong tay, từ đôi mắt đen như mực kia rơi xuống một Giọt lệ quỷ. Thuốc nổ chôn thành một vòng quanh chiếc lồng được kích hoạt, tạo nên một trận khói lửa nhân gian vô cùng rực rỡ tang thương. Sợi chỉ số mệnh bị cắt đứt, Cô gái đến từ hôm qua giữa lúc thanh xuân tươi đẹp đành phải trở về hôm qua. Cô gái trên tàu bị thuốc nổ làm cụt một chân, vì hận đời nên trở thành Kẻ tầm xương. Cô gái văn chương bị thổi bay văng ra khỏi nghĩa trang, rơi lên chiếc xe bò đang chở thư đến Cửa tiệm của những lá thư, bất tỉnh. Vụ nổ khiến cô bị rụng mất hai sợi tóc một đen một trắng.

Không biết qua bao lâu, Cô gái văn chương tỉnh lại, thấy mình đang nằm trong một gian phòng trang nhã, trên bàn bên cạnh giường có đặt một chai thủy tinh chứa mô hình thu nhỏ của chiếc tàu Ngọc Trai Đen, ngoài ra còn một cuốn sách đang đóng, bìa sách có dòng chữ Cuốn sách tiên tri. Khi Cô gái văn chương mở sách, một làn khói xanh bay lên, Cô gái trong trang sách hiện ra mỉm cười ôn nhu: “Xin chào Cô gái văn chương, tôi là Cô gái cuối cùng của dòng họ Stanfield. Cô đang ở tại Cửa tiệm của những lá thư”.

Thấy Cô gái văn chương vẫn ngây người nửa ngày không thốt lời nào, Cô gái trong trang sách tiếp tục: “Hãy nén bi thương, mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim. Ai cũng biết Cô gái trong lồng chính là Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi, nhưng cô ấy không phải là chân mệnh ái nhân của cô. Ngày mai, Cô gái quàng khăn đỏ sẽ đến đón cô. Hai người mới đúng là trời sinh một đôi”.

Sáng hôm sau, Cô gái văn chương vừa nhìn thấy Cô gái quàng khăn đỏ cưỡi bạch mã đến, vừa nhìn thì nhất kiến khuynh tâm, lưỡng tình tương duyệt. Họ gặp được nhau giống như gặp được Điểm đến của cuộc đời. Hai người cùng đi qua Cánh cửa Mặt Trăng để đến vùng đất nơi có Hai kinh thành, rồi sống hạnh phúc từ đó mãi mãi về sau.

(Viết bởi Biển, FB Camelllia Phoenix, 31-1-2019)

Mỗi chữ viết hoa là bắt đầu tên của một quyển sách. Các quyển sách này đã – đang được xuất bản, các bạn có thể check lại trên Tiki và Google.

Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

Cô Na 2020



Vừa nhận được tin nhắn từ chính quyền yêu cầu nghiêm túc thực hiện 12 biện pháp phòng chống trong mùa dịch. Sau một thời gian dài (từ trước Tết Dương Lịch đến giờ) thì Biển chợt muốn viết một bài có liên quan nhiều đến dịch bệnh đang hoành hành toàn thế giới hiện nay. Biển không muốn viết tên nó ra (vì sợ xui ấy mà) nên gọi tắt là Cô Na thôi. Có người gửi Biển tấm hình hài hước, bảo rằng 20 năm sau nhìn lại sẽ thấy đây là kỳ nghỉ Tết huyền thoại, nghỉ tới tận tháng 4 chưa đi học đi làm lại, nhưng Biển cho rằng không gọi là huyền thoại nữa mà đã trở thành thảm họa.

Với một người ở nhà nội trợ như Biển thì không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, do Biển không phải tới công ty, không sợ bị lây từ nơi đông người, nhưng tất cả bạn bè và người quen của Biển đều bị ảnh hưởng, phải nghỉ làm hoặc làm tại nhà, ảnh hưởng đến thu nhập. Bên cạnh sự lo lắng dành cho họ, Biển phải thú thật rằng mình rất thích thú với tình trạng vắng vẻ của TP hiện nay. Không còn kẹt xe, không còn luồng giao thông điên rồ ồn ã mỗi giờ tan tầm với bao nhiêu là khói bụi ô nhiễm bay rợp trời. Biển biết rõ rằng suy nghĩ thích thú của mình là vô cùng ích kỷ, nhưng tối qua trước khi đi ngủ, Biển chợt ngạc nhiên nhận ra sự yên tĩnh đang bao quanh mình. Yên tĩnh cứ như trong một khu nghỉ dưỡng cao cấp trên núi nhìn ra biển. Yên tĩnh đến nỗi sau 5 năm mới được một lần Biển không cần dùng nút bịt tai khi ngủ. Sự yên tĩnh này là điều Biển hằng mơ tưởng hai năm nay, giờ đã đạt được, và đạt được do một hoàn cảnh không lấy gì làm tốt đẹp.

Ngoài chuyện là người nội trợ không cần đi ra ngoài, Biển còn là người hướng nội, nên không quá bí bách với chuyện phải ở nhà suốt ngày. Tuy vậy, thỉnh thoảng Biển cũng thấy buồn / ngứa chân vì không thể đi những nơi Biển muốn / cần đi như nhà sách hoặc AEON. Liệu có xảy ra chuyện xa mặt cách lòng không nhỉ.. Đợi đến khi dịch bệnh lui đi, lại có thể ra đường, đến đó thì mọi mối quan hệ vừa manh nha đã bị thui chột từ trứng nước, bạn bè không còn nhớ tới Biển nữa dù Biển vẫn nhớ tới họ. Không biết khi nào chuyện dịch bệnh này sẽ kết thúc, nhưng có thể đoán chắc rằng lần sau gặp lại, mọi người sẽ có chút ngạc nhiên vì tóc Biển đã dài ra một ít.

Giờ nói đến chuyện ở nhà đọc sách trong mùa dịch bệnh. Cách đây 2 năm, Biển cho rằng khi đã có sách trong đời thì Biển chẳng cần tương tác với con người nữa. Sách sẽ xua đi mọi buồn phiền, lấp đầy mọi trống rỗng và đem đến giải pháp cho mọi vấn đề. Nhưng không, nhiều năm trước cứ mỗi khi trời mưa thì Biển cảm thấy cô độc và viết status buồn; lúc bắt đầu đọc nhiều sách thì Biển không buồn vớ vẩn lúc mưa nữa; nhưng đến giờ, sau khoảng 2 năm rưỡi đọc sách, thì Biển nhận ra sách không chữa trị được chứng nhạy cảm tâm lý của Biển. Dù có hướng nội hay ghét đám đông chăng nữa, Biển vẫn thuộc Loài Người, tức là có xã hội tính, vẫn cần giao lưu với cộng đồng chứ không thể chịu nổi cảnh sống trong chùa trên núi như Biển từng mơ ước. (Nhưng hơn 24 tiếng rồi Biển đang tự đưa mình vào một dạng “chùa trên núi” khi deactivate FB của mình). Dù là phượng hoàng biển hay cáo biển thì cũng không thể độc lai độc vãng, bởi vì sự tịch mịch là điều Biển chưa từng và vẫn sẽ không muốn trải qua trong suốt cuộc đời mình.

Thế nhưng, với hoàn cảnh sống + tính cách của mình, Biển không thể đáp ứng nguyện vọng hoặc nhu cầu của bất cứ người nào. Nói theo kiểu Thiền, tùy vào cách mình nhìn vấn đề mà mình sẽ bình thản hay đau khổ. Biển đã luôn cố gắng để bình thản và vẫn luôn tỏ vẻ bình thản, nhưng có khi nào ẩn sâu dưới lớp vỏ bình thản là những giọt nước mắt đã bị Biển thản nhiên bỏ qua và nuốt xuống không nhỉ.

Nói đến nước mắt, con mèo Gừng yêu quý đã gắn bó với Biển suốt từ cuối 2017 tới giờ đã bỏ nhà đi / hay bị mấy con khác đuổi cắn khiến nó chạy ra khỏi nhà – Biển cũng không rõ nữa. Chỉ là Biển vô cùng nhớ và lo lắng cho nó. Nó thuộc loại nhỏ con nên lúc nhỏ chỉ bé bằng bàn tay của Biển. Mới đầu Biển cũng không quan tâm đến nó lắm vì đang bận yêu thương chăm sóc hai bé mèo Xiêm (cũng nhặt ngoài chợ về). Đến khi hai bé Xiêm chết vì bệnh, khi Biển đang ngồi khóc thương thì mèo Gừng đứng ngoài cửa nhìn, rồi từ từ đi tới cọ cọ vào tay Biển. Thế là quen nhau. Giữa bao nhiêu người trong nhà, mèo Gừng chỉ tin tưởng cho một mình Biển bồng bế cưng nựng nó. Bao nhiêu lần Biển nói thành lời với nó rằng đừng bao giờ bỏ đi, hãy sống yên ổn trong sự chăm sóc của chị Biển, chị Biển chỉ mong nó được bình an cả đời, nhưng nó vẫn bỏ đi và chắc sẽ không trở lại. Tất cả những người / con vật từng yêu thương Biển rồi cũng bỏ đi. Biển đâu có đòi hỏi gì nhiều nhặn từ cuộc đời này, Biển chỉ cần tình thương của một con mèo thôi mà, vậy mà cũng không có được.

Thôi kể lể vậy cũng đủ rồi. Dù sao cũng phải kiên cường sống tiếp. Biển sẽ kiên cường. Dù bị coi thường, bị xem nhẹ, bị cho là ngu ngơ khờ khạo, bị đùa bỡn trong tình cảm, bị nói nặng lời ngay trên bàn ăn, hay phải trải qua những đêm lo lắng khó ngủ… Biển cũng sẽ kiên cường, sẽ tích lũy thật nhiều tình yêu thương ấm áp trong lòng để dành cho mình và dành cho những ai có duyên gặp được Biển. Tích cực hay tiêu cực chỉ là một thái độ sống, cách nhau một lằn ranh mỏng manh, bước qua một bước thì mọi chuyện sẽ khác. Biển sẽ làm tốt mọi việc mà, cứ tin như vậy nha.

 (Sea, 28-3-2020)

Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2020

Chùa Bửu Long 080320



Khi tìm lại blog mới thấy đã 2 năm rồi không viết blog, vì mải mê với book reviews trên FB. Chuyện được tương tác trên FB cũng không quan trọng, quan trọng là có thể giới thiệu sách hay nên đọc đến với nhiều người. Nếu vì lý do gì đó mà FB bị dẹp (nhưng chắc không có đâu, vì FB hùng mạnh lắm mà) thì Biển cũng chả lo sẽ không có chỗ viết. Cứ tạo thêm tài khoản Google là sẽ có thêm blog, không thì tạo mục cá nhân trên diễn đàn nào đó rồi viết cho người dưng đọc.

Dạo này Biển đang cảm thấy vui, sẵn hôm qua 8/3 có thêm chuyện vui nên Biển sẽ ghi lại, nhưng Biển không ghi lý do vì sao dạo này Biển cảm thấy vui đâu, để khi 8~10 năm sau đọc lại, Biển chỉ biết “à thì ra lúc đó mình đang vui”, chứ không biết lý do khiến Biển vui. ____ Sau lần đầu đi chùa Bửu Long vào mùng 4 Tết năm 2017, Biển cứ nhớ mãi và muốn trở lại nơi đó, nay bạn Njco đang rảnh nên Biển rủ luôn, thật tuyệt là bạn ấy còn sẵn lòng lái xe cả đường đi lẫn về. Đồng ý rằng ngồi sau thì rất khỏe (cũng hơi mệt ah) nhưng đi đâu cũng toàn người khác chở thì Biển làm sao trở thành tay lái lụa được nhỉ, làm sao đi phượt bằng xe máy được?!

Không thể quên nói rõ rằng khi Biển viết những dòng này thì dịch bệnh Cô Na đang bùng phát tại HN và có nguy cơ lan vào Sài Gòn, thế nhưng Biển vẫn ham vui và không hủy chuyến đi chùa đã hẹn từ trước cả tuần. Đi mà cứ nơm nớp lo sợ, đeo khẩu trang suốt, chỉ gỡ ra lúc chụp hình, vậy mà lại quên xài chai nước rửa tay khô đem theo, cứ hồn nhiên ngồi bệt xuống bất cứ chỗ nào muốn chụp hình, đến trưa thì hồn nhiên lấy lunchbox ra ăn, kết quả là suốt từ trưa hôm qua về đến giờ chắc đã tự sờ trán mình khoảng hơn trăm lần để xem thân nhiệt có tăng không!

Chỗ mà Njco và Biển ngồi ăn trưa ở chùa là ngay trước phòng ở của một vị sư khoảng 40 tuổi. Ông ấy niềm nở trò chuyện với hai đứa, rồi đem cho mỗi đứa bao nhiêu đây quà: 1 gói kẹo chanh muối Hàn Quốc (không rẻ đâu nha), 1 gói rong biển, 1 ổi, 1 mận, 1 quýt, 1 chai LaVie chưa khui và 1 chai nước rễ tranh mía lau rất ngọt ngon. Lúc nhận quà thì Biển hồn nhiên nhận và cảm ơn (hình như hồn nhiên hơi bị nhiều), nhưng khi về nhà mới ái ngại là sao mình lại nhận nhiều quà như thế từ 1 người lạ. Bên cạnh sự ái ngại thì Biển cũng rất biết ơn, cảm thấy 1 sự an yên đối với tấm lòng từ bi hỉ xả của Thầy ấy. Lần sau có dịp quay lại chùa đó, Biển nhất định sẽ đem một ít quà bánh cho Thầy, nếu có duyên thì vài năm sau quay lại vẫn gặp, còn nếu đã vô duyên thì ngay hôm sau quay lại cũng sẽ không gặp.

3 năm trước đi chùa Bửu Long, rất thích, nhớ hoài, muốn quay lại, nhưng khi quay lại được rồi thì thấy sao nó không hoành tráng và đẹp như trong trí nhớ của mình, cây cũng không nhiều hơn bao nhiêu, nắng vẫn nóng như rứa. Biển đâu có lớn thêm nhưng sao lại thấy chùa nhỏ lại nhỉ. Nhưng dù sao so với Suối Tiên ở gần đó thì chùa Bửu Long vẫn là một khung cảnh tươi xanh yên tĩnh lý tưởng để đổi gió cuối tuần cùng gia đình, bạn bè hoặc người yêu. Chỉ cần chuẩn bị chu đáo hành trang + đồ ăn thì có thể thư thả trải qua gần cả ngày ở đó. Có lẽ Biển sẽ còn quay trở lại.

Hôm qua có người khuyên Biển rằng “hãy tập nhìn những thứ mình không thích, không ưa, rồi tập sống chung với nó”, Biển không biết trả lời sao luôn. Một trong 8 cái khổ của giáo lý Phật giáo là phải nghe / nhìn những điều mình ghét, bởi vì nó khiến tinh thần bị tổn thương. Đã vài năm rồi, Biển phát hiện rằng những người sống chung nhà với mình thỉnh thoảng có thể nói ra những câu gây tổn thương đến mức Biển không tưởng tượng nổi. Có lúc sự bất hòa và bất mãn tăng cao đến nỗi Biển muốn chết cho xong hoặc bỏ ra khỏi nhà, sống như người vô gia cư để khỏi phải sống chung với những điều Biển ghét. Cuộc đời ngắn ngủi lắm, nếu tự mình còn không làm cho mình cười được thì làm sao mong người khác khiến mình cười. Biển hiểu rằng người khuyên có ý tốt, vì nếu bất mãn với cả thế gian hoặc không thích nghi nổi với bất cứ ai thì người khổ sẽ là Biển, nhưng ít ra trong khi còn có thể, Biển sẽ nhìn / nghe / nói những gì Biển cho là đẹp, là đúng, là vui.

Nhưng thôi căng thẳng làm gì, khi còn có thể cười thì cứ cười, lúc không thể cười nữa thì tập Thiền để cân bằng thân tâm, và đọc lại cuốn “Dám bị ghét” để tập cho mình mạnh mẽ hơn nữa.  

(Sea, 9-3-2020)