lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

Review sách: Sát thủ lạnh lùng (STONE COLD)



Tác giả: David Baldacci. Dịch giả: Khang Vinh
Thể loại: Trinh thám hiện đại. Điểm: 9.5/10

Nhờ một chị trên Hội Trinh Thám cho biết quyển STONE COLD đã được dịch sang tiếng Việt, Biển đã tìm đọc quyển “Sát thủ lạnh lùng” – vốn là tập tiếp theo của “Bộ sưu tập tội ác” – và kết luận rằng mình yêu thích sách của tác giả David Baldacci hơn cả sách Robert Dugoni luôn rồi!

Trong quyển “Sát thủ lạnh lùng” này, Hội Camel gồm 4 thành viên Oliver Stone, Milton Farb, Reuben Rhodes, Caleb Shaw và cả thành viên danh-dự-nhưng-không-chính-thức là đặc vụ FBI Alex Ford đã cùng nhau giúp cô nàng Annabelle Conroy thoát khỏi sự truy đuổi điên cuồng của tên tội phạm Jerry Bagger. Cùng lúc đó, vài người được xem như đồng đội cũ cách đây 30 năm của Oliver Stone trong nhóm “sát thủ của chính phủ” đã lần lượt qua đời theo những cách bí ẩn, nghi ngờ là bị ám sát bởi một sát thủ giấu mặt. Annabelle Conroy và Oliver Stone, một người sắp bước vào tuổi trung niên, một người đã hơn 60, cả hai đều vướng vào những vấn đề cá nhân nguy hiểm đến tính mạng nhưng họ vẫn hợp tác và hỗ trợ nhau bằng tất cả sự quan tâm, lòng dũng cảm và kỹ năng điêu luyện của bản thân, dù họ biết nhau chưa lâu. Truyện cũng xuất hiện một nhân vật mới là Harry Finn, một người đàn ông vừa bước qua tuổi 30, sống hai cuộc đời khác xa nhau, làm việc trong những lĩnh vực rất thú vị mang lại thu nhập cao ngất ngưỡng.

Cá nhân Biển cho rằng quyển STONE COLD này còn hay hơn cả “Bộ sưu tập tội ác”. Câu chuyện lôi cuốn ngay từ những dòng đầu tiên của chương đầu tiên, thật sự đậm chất điện ảnh (nếu quay thành phim chắc không cần chỉnh sửa nhiều) nhưng vẫn hợp tình hợp lý. Vài chi tiết diễn tiến hơi quá nhanh nhưng vì tổng thể truyện rất hay nên Biển bỏ qua những điều nhỏ nhặt. Tác giả Baldacci không đưa vào truyện những đoạn phân tích tâm lý dài dòng nhưng qua các câu từ miêu tả hành động của nhân vật một cách ngắn gọn tài tình, người đọc vẫn dễ dàng hiểu và đồng cảm với nhân vật. Tuy loạt truyện về Hội Camel vẫn còn hai quyển nhưng phần kết của STONE COLD vẫn thỏa đáng và khiến Biển hài lòng.

Biển nghĩ dịch tên truyện thành “Sát thủ lạnh lùng” nghe không đáng sợ mà còn dễ gợi liên tưởng / bị đánh đồng với những quyển trinh thám “mì ăn liền” khác, nếu là Biển thì sẽ dịch STONE COLD thành “Tảng đá lạnh”. Cách đặt tựa sách của tác giả Baldacci cũng khá hay và phù hợp với nội dung truyện, vừa chứa đựng tên của nhân vật chính vừa thể hiện phong thái lạnh lùng tàn nhẫn của những sát thủ trong truyện. Giọng văn hài hòa lưu loát, không cố tình viết theo kiểu giựt gân hồi hộp nhưng vẫn khiến độc giả (là Biển) không thể rời mắt khỏi những dòng chữ. Tuy nhìn mục lục sách 99 chương thì nghĩ chắc quyển sách phải to dày lắm nhưng thật ra có những chương chỉ ngắn khoảng một trang, truyện lại rất lôi cuốn nên Biển đã tập trung đọc hết trong hai ngày. Biển thấy cuốn này còn hấp dẫn hơn cả “Biểu tượng thất truyền” + “Hỏa ngục” của Dan Brown nữa cơ. Càng ngày càng phát hiện thêm nhiều sách hay, mơ ước có một ngôi nhà nhỏ nhỏ bên trong có một thư viện to to không biết bao giờ mới thành hiện thực..

(Sea, 26-8-2018)

TÓM TẮT “BỘ SƯU TẬP TỘI ÁC”:
Cô nàng Annabelle Conroy xinh đẹp là một cao thủ lừa đảo, cô tìm những tay cộng sự cứng cựa để thực hiện các phi vụ đem lại hàng triệu dollars. Với sự tài giỏi của Annabelle, các phi vụ diễn ra trót lọt nhưng nhóm của cô phải mai danh ẩn tích nếu không muốn bị giết để trả thù. Cùng khoảng thời gian đó, người lãnh đạo Thư viện Quốc Hội là Jonathan DeHaven bị đột tử trong Phòng Sách Hiếm. Theo sự ủy quyền qua giấy tờ đã được thực hiện từ trước, Phó giám đốc Caleb Shaw – vốn là thành viên của Hội Camel – trở thành người tiếp theo chịu trách nhiệm về Thư viện Quốc Hội. Các thành viên của Hội Camel gồm Oliver Stone, Reuben Rhodes, Caleb Shaw, Milton Farb không tin rằng Jonathan bị đột tử và bắt đầu cuộc điều tra của riêng họ. Số phận xếp đặt một cách lạ lùng: Annabelle Conroy lại tình cờ từng có mối quan hệ khăng khít với Jonathan DeHaven, nên khi biết ông bị ám sát, cô không thể bỏ qua. Bất chất hoàn cảnh nguy hiểm tính mạng, Annabelle hợp tác với Hội Camel để làm sáng tỏ sự thật quanh cái chết của Jonathan.

Loạt sách về Hội Camel gồm có (kể theo thứ tự): The Camel Club / The Collectors / Stone Cold / Divine Justice / Hell’s Corner

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Review sách: Việc máu



(cuốn sách thứ 110 Biển đọc trong năm 2018)

Tác giả: Michael Connelly. Dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng
Thể loại: Trinh thám hiện đại. Điểm: 8.5/10

Đây là quyển sách đến với Biển do có duyên. Một buổi trưa trời mưa âm u tình cờ ghé đường sách TPHCM, bước vào gian hàng sách cũ sách lỗi của Nhã Nam, sau khi cân nhắc hồi lâu thì mua được em nó giảm 50%. Lúc mua cũng hơi lo sách bị thiếu trang hoặc khuyết điểm nào khác, nhưng tổng thể còn mới 95%, nội dung khiến Biển ưa thích nên mức độ hài lòng càng tăng lên.

Terry McCaleb là cựu đặc vụ FBI hơn 40 tuổi, đã ra khỏi ngành vì vấn đề sức khỏe. Chưa đầy một tháng sau cuộc phẫu thuật thay tim của ông, một vị khách không mời mà đến – cô Graciela Rivers – đã đến gặp ông để đề nghị ông tiến hành cuộc điều tra về cái chết của em gái cô. Gloria Torres – em gái của Graciela – bị bắn chết oan uổng khi đang mua kẹo trong cửa hàng. Ban đầu, McCaleb rất miễn cưỡng với vụ việc, vì ông vẫn đang trong giai đoạn điều trị nghiêm ngặt hậu phẫu, nhưng khi biết trái tim mà ông nhận được do chính Gloria đã hiến tạng, ông biết mình nhất định phải làm sáng tỏ vụ việc đã xảy ra với ân nhân gián tiếp của ông. Càng điều tra sâu, McCaleb càng vấp phải sự chống đối và bất hợp tác của các đặc vụ đảm trách vụ án, đồng thời cũng phát hiện ra không ít những lỗi tắc trách của họ. Trong tình trạng sức khỏe ngặt nghèo và hoàn cảnh khó khăn như vậy, Terry McCaleb biết mình chỉ có thể dựa vào ý chí và sức mạnh bản thân để đi tiếp con đường nguy hiểm và đau đớn này.

Không hiểu sao khi nhìn tên tác giả Michael Connelly, Biển cảm nhận một sự quen thuộc khó hiểu, trong khi sách của ông được dịch ra tiếng Việt chỉ mới có mỗi cuốn “Việc máu”. Bìa sách thiết kế đơn giản nhưng đủ ấn tượng, phù hợp với nội dung sách. Cốt truyện khá hay, diễn tiến của tình tiết và tâm lý nhân vật đều hợp lý. Nhịp điệu không quá giựt gân nhưng cũng đủ lôi cuốn để độc giả muốn đọc liên tục đến cuối. Phần dịch thuật tốt, chỉ có vài lỗi đánh máy, được biên tập khá kỹ và trình bày đẹp. Nghĩ lại thì từ trước đến giờ hình như Biển chưa từng thất vọng với sách trinh thám Nhã Nam.

Nhân vật chính Terry McCaleb có thể được xem như một hình tượng anh hùng trong thế giới bình thường nhưng không khiến độc giả cảm thấy quá “ảo”. Ông mang nhóm máu hiếm AB nên phải chờ đợi nhiều năm mới có được quả tim tương thích để cấy ghép. Ghép tim xong, ông tuân thủ nghiêm ngặt chế độ hậu phẫu, uống thuốc, đo nhiệt độ, không uống chất cồn, không hút thuốc… Có thể đó chỉ là bản năng sinh tồn, nhưng Biển đánh giá cao người nào biết quý trọng sinh mệnh chính mình + quý trọng những nỗ lực của người khác dành cho mình, không viện cớ này nọ để buông thả bản thân. Vết sẹo phẫu thuật còn chưa lành thì McCaleb đã dành hết tâm tư cho cuộc điều tra, nhiều lần dấn thân vào nguy hiểm, chịu đựng sự khinh miệt và sỉ nhục của những đồng nghiệp bất tài. Chỉ có một chi tiết khiến Biển phải bật cười nghĩ rằng tác giả đã xây dựng hình ảnh McCaleb quá hoàn hảo: ông biết thôi miên. Chuyện thôi miên này cũng khiến Biển biết thêm một điều (không rõ có chính xác ngoài thực tế không), đó là cảnh sát phải cân nhắc kỹ trước khi thôi miên nhân chứng, vì dù buổi thôi miên đó có kết quả tích cực hay tiêu cực thì nhân chứng đó cũng sẽ không được phép làm chứng trong các phiên tòa hình sự.

Nhân vật phản diện trong truyện không được khắc họa rõ nét lắm nhưng cũng đủ để đem lại không khí hồi hộp cho truyện. Kẻ khiến Biển ghét nhất lại là một người-được-xem-như-đồng-nghiệp của McCaleb. Biển đồng ý là ai cũng cần kiếm sống, Biển hiểu rằng thể hiện bản thân vốn là một trong những đặc tính bản năng của phái nam, thế nhưng công việc điều tra án mạng không phải là nơi để bộc lộ cái tôi, tuyệt đối không phải là nơi để ganh tỵ ghen ghét khi thấy người khác giỏi hơn mình. Điều quan trọng đối với những tay cớm tồi tệ đó không phải là trả lại công lý cho nạn nhân và cứu thoát nhiều người khác, mà là ỷ lại vào vị thế chỉ để tìm hư danh. Những kẻ như vậy góp phần khiến thế giới không thể tốt đẹp hơn.

Quyển “Việc máu” cũng có một ít phân đoạn về tình cảm lãng mạn (tương tự tiểu thuyết của Robert Dugoni), vừa đủ để dẫn dắt mạch truyện và thêm gia vị cho tổng thể nhưng không làm loãng không khí trinh thám. Gọn lại thì Biển rất hài lòng với quyển sách này.

(Sea, 24-8-2018)

Review sách: Thú tội



Tác giả: Minato Kanae. Dịch giả: Trần Quỳnh Anh
Thể loại: Trinh thám Nhật. Điểm: Truyện rất hay nhưng không biết nên cho điểm ra sao
Có lần đọc review của một bạn, Biển nghĩ rằng “Thú tội” là một câu chuyện u tối và có kết cuộc không thỏa đáng nên không muốn đọc, nhưng không hiểu sao tựa sách và bìa sách cứ nấn ná mãi trong tâm trí Biển. Kiểu đó chắc là Biển có duyên với quyển sách này nên quyết định bỏ qua mọi thành kiến để đọc. Khi gấp sách lại, Biển chỉ có thể thốt lên “Khủng khiếp! Nhưng mà hay thiệt!”.

Truyện chia thành 6 chương, cách đặt tên chương rất đặc biệt. Mở đầu truyện là buổi sinh hoạt lớp cuối cùng của cô giáo cấp 2 Moriguchi Yuko trước khi cô nghỉ việc. Biển bị lôi cuốn chính từ những dòng đầu tiên nói về việc học sinh phải uống sữa theo chương trình của Bộ giáo dục đề ra. Nói đến chuyện uống sữa thì Biển nghĩ ngay đến quyển “Nhân tố enzym” của bác sĩ Hiromi Shinya! Trở lại với buổi sinh hoạt lớp trong quyển “Thú tội”, cô giáo Moriguchi nói rằng đã pha máu nhiễm HIV vào sữa cho hai học sinh trong lớp uống, chính là hai kẻ đã giết đứa con gái 4 tuổi của cô. ____ Từ chương 2 trở đi là lời kể của những nhân vật khác liên quan đến sự việc của cô Moriguchi, Biển rất muốn tiết lộ luôn ở đây rằng đó là lời kể của những ai nhưng như vậy sẽ đánh mất sự thú vị của những ai chưa đọc truyện, nên Biển sẽ không nói gì, để bạn có thể thưởng thức trọn vẹn câu chuyện.

Tuy vậy, Biển xin ghi lại tên của những nhân vật cần lưu ý trong truyện, để bạn đọc nào không quen với những cái tên Nhật sẽ dễ nhớ hơn khi đọc. Việc ghi lại tên này sẽ không spoil truyện.
+ Moriguchi Yuko: tên cô giáo
+ Kitahara Mizuki: lớp trưởng; Yusuke: lớp phó
+ Naoki Shinomuya: học sinh
+ Watanabe Shuya: học sinh

Ngay trong chương 1, tác giả Minato Kanae đã đưa ra cho độc giả một câu hỏi khó trả lời: “Bạn nghĩ sao về giới hạn độ tuổi của tội phạm?”. Biển thêm vào một câu nữa là “Nếu dưới tuổi bị luật pháp xử phạt mà vẫn phạm tội giết người thì phải làm sao với đứa trẻ đó?”. Biển chưa từng sống chung nhà với đứa trẻ 12;13 tuổi nào để trải nghiệm về những suy nghĩ của lứa tuổi đó, nhưng lúc Biển 12;13 tuổi thì đầu óc khá đơn giản, cũng có lúc giận ghét người thân đến mức không muốn sống nữa, nhưng chưa từng có ý nghĩ giết ai, dù để trả thù hay để gây chú ý. Trong một bộ phim Biển xem cách đây đã lâu, có 3 đứa trẻ 12 tuổi hợp tác với nhau để giết người. Vụ việc trót lọt, chúng không bao giờ bị phát hiện cho đến mãi về sau (ít ra thì phim kết thúc như vậy). Có thể trong xã hội tiến bộ này, con người đã nghiên cứu nhiều và đưa ra được giải pháp cho các vụ án mà tội phạm còn nhỏ tuổi, nhưng cá nhân Biển vẫn chưa thể hiểu được / cảm thấy kinh sợ những góc tối trong tâm hồn con người.

Đến chương 2 thì Biển có một sự thay đổi cảm xúc rất kỳ lạ: chuyển từ căm ghét sang ưa thích nhân vật phản diện vì cậu ta có cách hành xử rất thông minh! Nhưng đến chương 4 thì Biển lại vừa ghét vừa cảm thấy cậu ta rất đáng thương! Cá nhân Biển chưa từng đồng ý với câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đoạn tiếp theo đây có thể khiến những người cho rằng sự tồn tại của con người là linh thiêng phải tức giận: Biển cho rằng con người là loài động vật cao cấp, có bộ não phát triển vượt bậc, nhưng khi còn là trẻ con thì con người cũng giống như con thú nhỏ vô tri, nếu không được dạy dỗ uốn nắn từ RẤT sớm thì sẽ rất dễ dàng để nói năng / hành xử với người khác một cách tàn ác, mà ngay chính chúng cũng không biết hành động đó là tàn ác. Hoàn toàn theo bản năng, một đứa trẻ mẫu giáo có thể giành giật đồ chơi, đánh hội đồng đứa yếu hơn mình chỉ vì cha mẹ chúng chưa từng nói rằng làm vậy là sai / là xấu; hoặc trẻ 6 tuổi có thể chơi trò người lớn với trẻ 4 tuổi chỉ vì tình cờ nhìn thấy cảnh nóng trên TV và bắt chước. Có thể nhiều người nghĩ rằng trẻ con là tờ giấy trắng, chỉ cần mình viết những điều tốt đẹp lên đó thì đứa trẻ sẽ lớn lên là người tốt. Biển lại cho rằng tờ giấy trắng thì vô hồn, trẻ con có nhận thức và nhận định riêng, nếu không thật cẩn thận khi ghi lên tờ giấy trắng đó thì không thể tưởng tượng nổi người lớn sẽ tạo ra những gì.

Truyện không có cảnh sát hay điều tra viên, không có nhân vật chính diện, hầu như tất cả nhân vật đều phản diện nếu nhìn theo một khía cạnh nào đó. Đôi lúc đọc mà cảm thấy nhân vật phản diện vừa đáng thương vừa đáng trách, cứ nghĩ “nếu từ đầu mọi người liên quan cư xử theo cách khác thì biết đâu những điều tồi tệ này sẽ không xảy ra”, nhưng “nếu” chỉ là “nếu” thôi. Sinh mệnh chỉ cần cách 1 giây đồng hồ là đã có thể mất đi mãi mãi, nếu (lại nếu) những lỗi lầm và hối tiếc đều có thể sửa chữa thì cuộc đời này đã không bị liên tục gọi là “bể khổ”.

Tuy tựa sách là “Thú tội” nhưng không hẳn tất cả 6 chương đều là những lời thú tội. Mỗi chương được viết dưới dạng tự truyện hoặc lời tường thuật của nhân vật. Sau khi đọc hết các chương (và phải để ý kỹ tên nhân vật nữa nhé) thì người đọc sẽ hiểu rõ hoàn cảnh phát sinh và tình tiết của các tội ác trong truyện. Dù người bị hại đã tự trả thù nhưng Biển chắc chắn tâm hồn họ vẫn không được yên ổn, họ vẫn rơi vào cảnh vạn kiếp bất phục, vì cách mà họ dùng để trả thù đã làm liên lụy đến nhiều người khác, thậm chí khiến nhiều người vô tội phải chết oan ức. Những nhân vật phản diện trong truyện vừa là nạn nhân vừa là hung thủ, Biển cảm thấy tội nghiệp họ. Sinh ra trên thế gian trong hình hài con người, lẽ ra họ có thể trải qua cuộc đời này một cách bình dị lặng lẽ và có thể có được hạnh phúc, nhưng Số Phận đã đặt họ vào con đường quá gian nan, những nỗi đau phải chịu đựng đã khiến họ sống không bằng chết.

Quyển sách mỏng nhỏ nhưng hay tuyệt. Tuy đôi lúc gặp thất vọng với thể loại trinh thám Nhật nhưng vì đặc biệt yêu thích nó nên khi gặp được tác phẩm trinh thám Nhật hay thì Biển thấy rất vui. Bìa sách thiết kế đơn giản nhưng khiến Biển nghĩ ngợi hoài: tấm bảng sau lưng cô giáo được viết một chữ “Mệnh” rất to. Xuyên suốt nội dung truyện cũng đặt ra nhiều vấn đề về việc quý trọng sinh mệnh, nhưng chính người lẽ ra phải quý trọng sinh mệnh thì lại vì một sinh mệnh yêu quý đã mất đi mà không ngần ngại ra tay hủy diệt những sinh mệnh khác. Biển nghĩ quyển “Thú tội” này nên được đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường cấp 2 và cấp 3, để học sinh đọc rồi thầy trò cùng phân tích thảo luận, rất có ích cho việc giáo dục đạo đức, góp phần chặn đứng những tư tưởng xấu xa và khơi gợi những điều tốt đẹp mới mẻ trong tâm trí con người.

(Sea, 11-7-2018)

(Kem đánh răng) P/S.: Phụ kiện đi kèm sách không phải là đồng hồ bình thường, nó là máy phát hiện nói dối, hoặc nghĩ nó là đồng hồ chạy ngược cũng được ^^

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

Review sách: Bộ sưu tập tội ác



Tác giả: David Baldacci
Thể loại: Trinh thám hiện đại. Điểm: 9.5/10

Có lần Biển đọc được quyển “Hoa hồng máu” của David Baldacci và ấn tượng với truyện của tác giả này dù ít thấy sách của ông được đề cập trên các diễn đàn sách. Nay Biển rất vui vì tình cờ phát hiện thêm bốn quyển khác đã được dịch sang tiếng Việt, tiếc rằng ông còn nhiều cuốn khác vẫn chưa được dịch.

Cô nàng Annabelle Conroy xinh đẹp là một cao thủ lừa đảo, cô tìm những tay cộng sự cứng cựa để thực hiện các phi vụ đem lại hàng triệu dollars. Với sự tài giỏi của Annabelle, các phi vụ diễn ra trót lọt nhưng nhóm của cô phải mai danh ẩn tích nếu không muốn bị giết để trả thù. Cùng khoảng thời gian đó, người lãnh đạo Thư viện Quốc Hội là Jonathan DeHaven bị đột tử trong Phòng Sách Hiếm. Theo sự ủy quyền qua giấy tờ đã được thực hiện từ trước, Phó giám đốc Caleb Shaw – vốn là thành viên của Hội Camel – trở thành người tiếp theo chịu trách nhiệm về Thư viện Quốc Hội. Các thành viên của Hội Camel gồm Oliver Stone, Reuben Rhodes, Caleb Shaw, Milton Farb không tin rằng Jonathan bị đột tử và bắt đầu cuộc điều tra của riêng họ. Số phận xếp đặt một cách lạ lùng: Annabelle Conroy lại tình cờ từng có mối quan hệ khăng khít với Jonathan DeHaven, nên khi biết ông bị ám sát, cô không thể bỏ qua. Bất chất hoàn cảnh nguy hiểm tính mạng, Annabelle hợp tác với Hội Camel để làm sáng tỏ sự thật quanh cái chết của Jonathan.

Ban đầu, nội dung của “Bộ sưu tập tội ác” gồm hai câu chuyện diễn ra song song với nhau, sau đó tác giả khéo léo kết hợp chúng lại tạo thành một cốt truyện nhất quán và hợp lý. Các đoạn đối thoại được viết một cách mượt mà đáng kinh ngạc, thể hiện tài năng vượt bậc của tác giả Baldacci. Hội Camel gồm bốn thành viên, sau được bổ sung thêm Annabelle Conroy, tất cả đều có đất diễn, không có vai trò của ai bị mờ nhạt. Trong các quyển tiếp theo của David Baldacci có nhân vật chính là Hội Camel, sẽ có thêm hai nhân vật nữa được gia nhập. Tuổi tác của các nhân vật chính dao động trong khoảng 40~60 nên truyện hầu như không có tình cảm lãng mạn hoặc cảnh nóng, thay vào đó, giữa những pha hành động căng thẳng là các khoảnh khắc trò chuyện đầy thấu hiểu và hợp tác ăn ý giữa các nhân vật chính diện, khiến “Bộ sưu tập tội ác” không chỉ là một tác phẩm trinh thám giải trí mà còn là một câu chuyện rất hấp dẫn và giàu tính nhân văn.

Bối cảnh những vụ án mà Hội Camel điều tra diễn ra chủ yếu ở Thư viện Quốc Hội nên trong truyện đề cập rất nhiều đến sách: sách hiếm, sách cổ giá hàng chục triệu dollars, quy tắc mượn sách trong thư viện, phòng bảo quản và các công việc liên quan đến bảo quản sách… Tuy vậy, truyện không hề hàn lâm mà cũng đầy máu lửa như các bộ phim James Bond, vì có đề cập đến cả chuyện lừa đảo ở sòng bạc, ngân hàng; điệp viên nhị trùng; những đòn thù tàn bạo của mafia Ý… Các nhân vật của David Baldacci đều được miêu tả có ngoại hình bình thường, không xinh đẹp long lanh như trong truyện TQ nhưng độc giả phải tấm tắc tán thưởng tài trí và khả năng hành động nhạy bén của họ.

Sau đây là những đoạn Biển thích trong quyển “Bộ sưu tập tội ác”:
“Các chính trị gia tin rằng tên lửa mới đảm bảo an toàn cho chúng ta, trong khi thật ra những cuốn sách mới làm được điều ấy vì một lý do đơn giản: Sự ngu dốt là nguyên nhân gây ra chiến tranh, và những ai đọc nhiều thì hiếm khi nào ngu dốt”.
“Cô cảm nhận cái chết và nỗi buồn dưới lớp đất lạnh kia, còn tôi, tôi lại thấy cuộc đời đã toàn vẹn, và những gì thế hệ đi trước đã làm có ảnh hưởng sâu sắc đến lớp trẻ tương lai”.
Chi tiết khiến Biển nhớ nhất là tính thiếu kiên nhẫn được tác giả viết dưới một cụm từ hết sức văn vẻ + hài hước là “hội chứng không thể chờ lâu”

Cách dịch từ tựa gốc “The Collectors” sang “Bộ sưu tập tội ác” đã diễn tả đúng nội dung truyện. Con người có nhiều sở thích sưu tập khác nhau, nhưng bộ sưu tập của nhân vật phản diện trong truyện này quả thật rất tàn ác và biến thái. Câu chuyện 68 chương này chắc chắn sẽ làm hài lòng các mọt trinh thám. Hiện giờ (2018) ngoài quyển “Hoa hồng máu” có bán online thì sách của David Baldacci chỉ còn bán rải rác trong các tiệm sách cũ, nếu tìm đọc online thì khá đầy đủ. Mong rằng các nhà phát hành sẽ sớm tái bản và dịch thêm nhiều cuốn nữa của tác giả tài năng này.

Loạt sách về Hội Camel gồm có (kể theo thứ tự): The Camel Club / The Collectors / Stone Cold / Divine Justice / Hell’s Corner

(Sea, 22-8-2018)

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Review sách: Nhân Chứng Ẩn Mình



Tác giả: Nora Roberts. Dịch giả: Xuân Hồng. Điểm: 6/10
Thể loại: 30% trinh thám, 60% lãng mạng, 10% ba chấm

Sau gần 1 năm bị cuốn hút bởi bìa sách nhưng chưa mua được vì Tiki ngừng kinh doanh, Biển tình cờ hốt được cuốn “Nhân chứng ẩn mình” giảm 60% ở hội sách, lúc đọc xong mới biết tại sao Tiki không bán nữa.
Sau 16 năm sống dưới sự kiềm cặp của 1 người mẹ áp dụng kiểu giáo dục cứ như kỷ luật quân đội, cô bé Elizabeth Fitch quyết định thay đổi hoàn toàn cuộc sống của mình. Bước khỏi con đường được định sẵn cho cô là vào trường Y Harvard, không tham dự khóa học hè, nhân lúc người mẹ đi công tác, Elizabeth kết bạn mới, mua quần áo theo sở thích, làm giả căn cước và cùng cô bạn mới đến vũ trường. Sự ngây thơ tươi trẻ của hai cô gái đã thu hút các tay chủ vũ trường, vốn là những tên tội phạm tàn bạo. Mê trai và nhẹ dạ, hai cô nhỏ 16 tuổi hân hoan cho rằng mình đã quyến rũ được những người đàn ông lịch lãm, thỏa thích uống rượu miễn phí và không do dự đến nhà riêng của bọn hắn để tiếp tục cuộc vui. Tại đó, vụ thảm sát đã xảy ra..

Những chương mở đầu được viết với văn phong và nhịp điệu tạm ổn, không nhanh không chậm, cách xây dựng tình tiết cũng hợp lý, đủ để cuốn hút độc giả. Nhưng càng vào giữa truyện thì nội dung càng bị kéo dài lê thê, những đoạn đối thoại giữa nam chính nữ chính cứ miên man không dứt, khiến câu truyện vừa chán vừa không còn chất trinh thám. Tổng thể ý tưởng về cốt truyện khá hay nhưng vì bị kéo dài quá đáng nên làm mất giá trị của cuốn sách, thêm vào đó là cái kết rất mơ hồ, dường như viết đến đó tác giả đã bị đuối và không xử lý câu chuyện cho rõ ràng được. Dịch thuật ổn, bìa đẹp nhưng truyện không hay nên hơi đáng tiếc.

Đây là lần đầu tiên đọc truyện mà Biển không thích cả hai nhân vật chính. Nữ chính Elizabeth Fitch / sau đổi tên thành Abigail Lowery, là một cô nàng quá dễ tán đổ, chỉ vì không biết kiềm chế những ý muốn thuộc về bản năng mà cô không kiên định trong việc bảo vệ chính tính mạng của mình. Trái với những mô tả tính cách như điềm đạm, thích tĩnh lặng, cô không có một sự tĩnh lặng trong nội tâm, suy nghĩ và hành động có quá nhiều điểm mâu thuẫn. ____ Nam chính Broocks Gleason thì trơ trẽn, nói nhiều, tuy được tác giả xây dựng hình tượng như một trang nam tử nhưng cá nhân Biển cho rằng anh chàng này không có gì đặc sắc.

Dù sao thì đã chờ đợi gần cả năm để đọc được quyển “Nhân chứng ẩn mình”, mua được giảm giá nhiều, đọc lướt trong vòng 1 ngày nên Biển không tiếc xiềng cũng không tiếc thời gian đọc. Điều duy nhất Biển tiếc là mình đã đọc trúng một câu chuyện không có gì ấn tượng. Quyển sách thuộc thể loại trinh thám dày hơn 630 trang lẽ ra phải đem đến quãng thời gian đọc vô cùng thú vị nhưng rốt cuộc chẳng có gì đọng lại cả. Lẽ ra quyển nào Biển không thích thì sẽ không viết review nhưng vì cuốn này nhìn hấp dẫn, lại được bán thường xuyên ở các hội sách giảm giá nên Biển viết để các bạn có thể tham khảo nếu muốn mua.

(Sea, 20-8-2018)

Review sách: Sát Nhân Mạng




Tác giả: Jeffery Deaver. Dịch giả: Nguyễn Việt Dũng
Thể loại: Trinh thám hiện đại. Điểm: 9.5/10

Trong thời buổi mà những người lao động chân tay cũng dễ dàng sử dụng các thiết bị số và thuần thục Internet, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và những mật khẩu dài mười mấy ký tự, tưởng như thông tin cá nhân của người dùng là bất khả xâm phạm. Thế nhưng, vẫn luôn tồn tại những bậc thầy công nghệ với tuổi đời có thể còn rất trẻ, đang từng phút từng giây đào xới “Miền xanh thẫm vô định” phía sau Internet, lật lên từng tấc “đất” và gieo rắc đủ thể loại “hạt giống” (virus, phần mềm xấu…) để gây hỗn loạn cho cuộc sống ảo và cả cuộc sống thực.


Jon Patrick Holloway, 27 tuổi, là một thiên tài công nghệ, nghiện tất cả những gì liên quan đến máy tính. Hắn biến cuộc sống thực thành trò chơi ảo, trong đó con người chỉ là những chủ thể vô hồn, có thể bị hắn giết bất cứ lúc nào, độ khó càng tăng thì hắn càng hứng thú. Một trong những vụ sát hại do Holloway gây ra là cắt mạng điện thoại để cách ly / thâm nhập và đọc email, qua đó biết hết thông tin về con mồi / dùng kỹ năng social engineering để tiếp cận / bắt cóc và đâm nạn nhân đến chết. Do hoàn cảnh đưa đẩy, thám tử Frank Bishop thuộc Đội điều tra trọng án của Sở Cảnh sát bang California đã chịu trách nhiệm lãnh đạo Đơn vị điều tra tội phạm máy tính để sớm ngăn chặn những hành vi tàn bạo của Jon Holloway. Công tác điều tra yêu cầu phải trưng dụng đến Wyatt Edward Gillette, một thiên tài máy tính – ngang hàng với Holloway – đang thụ án trong tù. Nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất thế giới Horizon Online đã cử Patricia Nolan – chuyên gia từ phòng an ninh mạng của họ đến hợp tác cùng đội điều tra trọng án. Tuy nắm trong tay những thành phần ưu việt và am tường thế giới mạng nhưng họ nhanh chóng nhận ra Jon Holloway là một kẻ thù kinh khủng và cực kỳ khó đối phó.

Tuy đã đọc qua vài quyển khác của tác giả Jeffery Deaver và rất ngưỡng mộ kiến thức sâu rộng của ông trong các lĩnh vực như phân tích nét chữ, phân tích đất đá, kỹ năng sử dụng các loại máy móc phức tạp để phục vụ điều tra, nhưng khi đọc quyển “Sát nhân mạng” này, Biển vẫn thật sự ấn tượng với cách tác giả đưa vào một lượng lớn kiến thức về công nghệ thông tin (theo cách hoàn toàn khác với “Nguồn Cội” của Dan Brown). Đương nhiên là bác Jeffery không đưa vào tác phẩm những ngôn ngữ lập trình khó nhằn, nhưng câu chuyện vẫn chứa đầy những thuật ngữ chuyên môn về lập trình và mạng như “mã nguồn, mã bảo mật, hacker mũ trắng, tái cấu trúc phần mềm…”. Điều khiến Biển nhớ nhất sau khi đọc truyện là thuật ngữ “social engineering” : đóng giả, giả vờ là một người không phải mình, sử dụng ảnh hưởng và sức thuyết phục để đánh lừa người khác nhằm khai thác các thông tin có lợi cho cuộc tấn công hoặc thuyết phục nạn nhân thực hiện một hành động nào đó. Tựa gốc của truyện là “The Blue Nowhere”, nghĩa là “miền xanh thẫm vô định”, ám chỉ thế giới mạng. Cụm từ này khiến ta dễ dàng liên tưởng thế giới mạng như một vũ trụ bao la không có điểm dừng, rất thú vị để khám phá nhưng cũng rất xa lạ để dấn thân. Những kiến thức chuyên môn trong quyển “Sát nhân mạng” không thể dễ dàng lướt qua như trong những quyển trinh thám khác của Jeffery Deaver, vì bất cứ ai biết sử dụng máy tính cũng hiểu được không nhiều thì ít những gì tác giả đang đề cập trong truyện, những kiến thức và thao tác quen thuộc này sẽ thu hút sự chú ý và khiến độc giả khó có thể rời mắt khỏi sách.

Truyện cũng đề cập một ít đến tình trạng đấu đá nội bộ vô nghĩa và quan liêu của chính phủ, chia rẽ nhau trong những giây phút nước sôi lửa bỏng mà lẽ ra phải hợp tác để sớm vô hiệu hóa hung thủ nhằm ngăn chặn những án mạng thảm khốc. Tuy phần lớn quá trình phá án diễn ra trên máy tính nhưng “Sát nhân mạng” vẫn có những pha hành động gay go, ứng biến thần tốc, đấu trí đấu dũng dữ dội. Dù đã biết đến các yếu tố gây bất ngờ trong truyện của Jeffery Deaver nhưng trong quyển này, Biển vẫn sửng sốt với cách xoay chuyển tình huống của tác giả và bị lôi cuốn đến mức phải đọc liên tục đến hết. Truyện không có quá nhiều yếu tố tình cảm ủy mị, không có những bậc phụ huynh phải vừa điều tra vừa canh cánh bên lòng nỗi lo cho con cái, chỉ thuần yếu tố trinh thám nên đọc rất mượt. Có một câu trong truyện khiến Biển khá hứng thú: “Cuộc đời chỉ là một cuộc hack lớn”, câu hỏi mà Biển đặt ra là “Nếu cuộc đời là một cuộc hack lớn thì máy tính và bàn phím sẽ là gì? Và ta sẽ hack vào cái gì?”.

Sau khi đọc “Sát nhân mạng”, Biển quyết định cuốn này sẽ được thêm vào list-sách-nhất-định-muốn-sở-hữu của mình. Quyển trinh thám dày hơn 500 trang này là một ấn phẩm tuyệt vời dành cho các cư dân mạng mê truyện trinh thám.

(Sea, 18-8-2018)