Tác giả: Minato Kanae. Dịch giả: Trần
Quỳnh Anh
Thể loại: Trinh thám Nhật. Điểm: Truyện
rất hay nhưng không biết nên cho điểm ra sao
Có lần đọc review của một bạn, Biển
nghĩ rằng “Thú tội” là một câu chuyện u tối và có kết cuộc không thỏa đáng nên
không muốn đọc, nhưng không hiểu sao tựa sách và bìa sách cứ nấn ná mãi trong
tâm trí Biển. Kiểu đó chắc là Biển có duyên với quyển sách này nên quyết định bỏ
qua mọi thành kiến để đọc. Khi gấp sách lại, Biển chỉ có thể thốt lên “Khủng
khiếp! Nhưng mà hay thiệt!”.
Truyện chia thành 6 chương, cách đặt
tên chương rất đặc biệt. Mở đầu truyện là buổi sinh hoạt lớp cuối cùng của cô
giáo cấp 2 Moriguchi Yuko trước khi cô nghỉ việc. Biển bị lôi cuốn chính từ những
dòng đầu tiên nói về việc học sinh phải uống sữa theo chương trình của Bộ giáo
dục đề ra. Nói đến chuyện uống sữa thì Biển nghĩ ngay đến quyển “Nhân tố enzym”
của bác sĩ Hiromi Shinya! Trở lại với buổi sinh hoạt lớp trong quyển “Thú tội”,
cô giáo Moriguchi nói rằng đã pha máu nhiễm HIV vào sữa cho hai học sinh trong
lớp uống, chính là hai kẻ đã giết đứa con gái 4 tuổi của cô. ____ Từ chương 2
trở đi là lời kể của những nhân vật khác liên quan đến sự việc của cô
Moriguchi, Biển rất muốn tiết lộ luôn ở đây rằng đó là lời kể của những ai
nhưng như vậy sẽ đánh mất sự thú vị của những ai chưa đọc truyện, nên Biển sẽ
không nói gì, để bạn có thể thưởng thức trọn vẹn câu chuyện.
Tuy vậy, Biển xin ghi lại tên của những
nhân vật cần lưu ý trong truyện, để bạn đọc nào không quen với những cái tên Nhật
sẽ dễ nhớ hơn khi đọc. Việc ghi lại tên này sẽ không spoil truyện.
+ Moriguchi Yuko: tên cô giáo
+ Kitahara Mizuki: lớp trưởng; Yusuke:
lớp phó
+ Naoki Shinomuya: học sinh
+ Watanabe Shuya: học sinh
Ngay trong chương 1, tác
giả Minato Kanae đã đưa ra cho độc giả một câu hỏi khó trả lời: “Bạn nghĩ sao về
giới hạn độ tuổi của tội phạm?”. Biển thêm vào một câu nữa là “Nếu dưới tuổi bị
luật pháp xử phạt mà vẫn phạm tội giết người thì phải làm sao với đứa trẻ đó?”.
Biển chưa từng sống chung nhà với đứa trẻ 12;13 tuổi nào để trải nghiệm về những
suy nghĩ của lứa tuổi đó, nhưng lúc Biển 12;13 tuổi thì đầu óc khá đơn giản,
cũng có lúc giận ghét người thân đến mức không muốn sống nữa, nhưng chưa từng
có ý nghĩ giết ai, dù để trả thù hay để gây chú ý. Trong một bộ phim Biển xem
cách đây đã lâu, có 3 đứa trẻ 12 tuổi hợp tác với nhau để giết người. Vụ việc
trót lọt, chúng không bao giờ bị phát hiện cho đến mãi về sau (ít ra thì phim kết
thúc như vậy). Có thể trong xã hội tiến bộ này, con người đã nghiên cứu nhiều
và đưa ra được giải pháp cho các vụ án mà tội phạm còn nhỏ tuổi, nhưng cá nhân
Biển vẫn chưa thể hiểu được / cảm thấy kinh sợ những góc tối trong tâm hồn con
người.
Đến chương 2 thì Biển có
một sự thay đổi cảm xúc rất kỳ lạ: chuyển từ căm ghét sang ưa thích nhân vật phản
diện vì cậu ta có cách hành xử rất thông minh! Nhưng đến chương 4 thì Biển lại
vừa ghét vừa cảm thấy cậu ta rất đáng thương! Cá nhân Biển chưa từng đồng ý với
câu “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đoạn tiếp theo đây có thể khiến những người
cho rằng sự tồn tại của con người là linh thiêng phải tức giận: Biển cho rằng
con người là loài động vật cao cấp, có bộ não phát triển vượt bậc, nhưng khi
còn là trẻ con thì con người cũng giống như con thú nhỏ vô tri, nếu không được
dạy dỗ uốn nắn từ RẤT sớm thì sẽ rất dễ dàng để nói năng / hành xử với người
khác một cách tàn ác, mà ngay chính chúng cũng không biết hành động đó là tàn
ác. Hoàn toàn theo bản năng, một đứa trẻ mẫu giáo có thể giành giật đồ chơi,
đánh hội đồng đứa yếu hơn mình chỉ vì cha mẹ chúng chưa từng nói rằng làm vậy
là sai / là xấu; hoặc trẻ 6 tuổi có thể chơi trò người lớn với trẻ 4 tuổi chỉ
vì tình cờ nhìn thấy cảnh nóng trên TV và bắt chước. Có thể nhiều người nghĩ rằng
trẻ con là tờ giấy trắng, chỉ cần mình viết những điều tốt đẹp lên đó thì đứa
trẻ sẽ lớn lên là người tốt. Biển lại cho rằng tờ giấy trắng thì vô hồn, trẻ
con có nhận thức và nhận định riêng, nếu không thật cẩn thận khi ghi lên tờ giấy
trắng đó thì không thể tưởng tượng nổi người lớn sẽ tạo ra những gì.
Truyện không có cảnh sát
hay điều tra viên, không có nhân vật chính diện, hầu như tất cả nhân vật đều phản
diện nếu nhìn theo một khía cạnh nào đó. Đôi lúc đọc mà cảm thấy nhân vật phản
diện vừa đáng thương vừa đáng trách, cứ nghĩ “nếu từ đầu mọi người liên quan cư
xử theo cách khác thì biết đâu những điều tồi tệ này sẽ không xảy ra”, nhưng “nếu”
chỉ là “nếu” thôi. Sinh mệnh chỉ cần cách 1 giây đồng hồ là đã có thể mất đi
mãi mãi, nếu (lại nếu) những lỗi lầm và hối tiếc đều có thể sửa chữa thì cuộc đời
này đã không bị liên tục gọi là “bể khổ”.
Tuy tựa sách là “Thú tội”
nhưng không hẳn tất cả 6 chương đều là những lời thú tội. Mỗi chương được viết
dưới dạng tự truyện hoặc lời tường thuật của nhân vật. Sau khi đọc hết các
chương (và phải để ý kỹ tên nhân vật nữa nhé) thì người đọc sẽ hiểu rõ hoàn cảnh
phát sinh và tình tiết của các tội ác trong truyện. Dù người bị hại đã tự trả
thù nhưng Biển chắc chắn tâm hồn họ vẫn không được yên ổn, họ vẫn rơi vào cảnh
vạn kiếp bất phục, vì cách mà họ dùng để trả thù đã làm liên lụy đến nhiều người
khác, thậm chí khiến nhiều người vô tội phải chết oan ức. Những nhân vật phản
diện trong truyện vừa là nạn nhân vừa là hung thủ, Biển cảm thấy tội nghiệp họ.
Sinh ra trên thế gian trong hình hài con người, lẽ ra họ có thể trải qua cuộc đời
này một cách bình dị lặng lẽ và có thể có được hạnh phúc, nhưng Số Phận đã đặt
họ vào con đường quá gian nan, những nỗi đau phải chịu đựng đã khiến họ sống
không bằng chết.
Quyển sách mỏng nhỏ
nhưng hay tuyệt. Tuy đôi lúc gặp thất vọng với thể loại trinh thám Nhật nhưng
vì đặc biệt yêu thích nó nên khi gặp được tác phẩm trinh thám Nhật hay thì Biển
thấy rất vui. Bìa sách thiết kế đơn giản nhưng khiến Biển nghĩ ngợi hoài: tấm bảng
sau lưng cô giáo được viết một chữ “Mệnh” rất to. Xuyên suốt nội dung truyện
cũng đặt ra nhiều vấn đề về việc quý trọng sinh mệnh, nhưng chính người lẽ ra
phải quý trọng sinh mệnh thì lại vì một sinh mệnh yêu quý đã mất đi mà không ngần
ngại ra tay hủy diệt những sinh mệnh khác. Biển nghĩ quyển “Thú tội” này nên được
đưa vào chương trình giảng dạy ở các trường cấp 2 và cấp 3, để học sinh đọc rồi
thầy trò cùng phân tích thảo luận, rất có ích cho việc giáo dục đạo đức, góp phần
chặn đứng những tư tưởng xấu xa và khơi gợi những điều tốt đẹp mới mẻ trong tâm
trí con người.
(Sea, 11-7-2018)
(Kem đánh răng) P/S.: Phụ
kiện đi kèm sách không phải là đồng hồ bình thường, nó là máy phát hiện nói dối,
hoặc nghĩ nó là đồng hồ chạy ngược cũng được ^^
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét