lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2018

Review sách: Sát Nhân Mạng




Tác giả: Jeffery Deaver. Dịch giả: Nguyễn Việt Dũng
Thể loại: Trinh thám hiện đại. Điểm: 9.5/10

Trong thời buổi mà những người lao động chân tay cũng dễ dàng sử dụng các thiết bị số và thuần thục Internet, cùng với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và những mật khẩu dài mười mấy ký tự, tưởng như thông tin cá nhân của người dùng là bất khả xâm phạm. Thế nhưng, vẫn luôn tồn tại những bậc thầy công nghệ với tuổi đời có thể còn rất trẻ, đang từng phút từng giây đào xới “Miền xanh thẫm vô định” phía sau Internet, lật lên từng tấc “đất” và gieo rắc đủ thể loại “hạt giống” (virus, phần mềm xấu…) để gây hỗn loạn cho cuộc sống ảo và cả cuộc sống thực.


Jon Patrick Holloway, 27 tuổi, là một thiên tài công nghệ, nghiện tất cả những gì liên quan đến máy tính. Hắn biến cuộc sống thực thành trò chơi ảo, trong đó con người chỉ là những chủ thể vô hồn, có thể bị hắn giết bất cứ lúc nào, độ khó càng tăng thì hắn càng hứng thú. Một trong những vụ sát hại do Holloway gây ra là cắt mạng điện thoại để cách ly / thâm nhập và đọc email, qua đó biết hết thông tin về con mồi / dùng kỹ năng social engineering để tiếp cận / bắt cóc và đâm nạn nhân đến chết. Do hoàn cảnh đưa đẩy, thám tử Frank Bishop thuộc Đội điều tra trọng án của Sở Cảnh sát bang California đã chịu trách nhiệm lãnh đạo Đơn vị điều tra tội phạm máy tính để sớm ngăn chặn những hành vi tàn bạo của Jon Holloway. Công tác điều tra yêu cầu phải trưng dụng đến Wyatt Edward Gillette, một thiên tài máy tính – ngang hàng với Holloway – đang thụ án trong tù. Nhà cung cấp dịch vụ Internet lớn nhất thế giới Horizon Online đã cử Patricia Nolan – chuyên gia từ phòng an ninh mạng của họ đến hợp tác cùng đội điều tra trọng án. Tuy nắm trong tay những thành phần ưu việt và am tường thế giới mạng nhưng họ nhanh chóng nhận ra Jon Holloway là một kẻ thù kinh khủng và cực kỳ khó đối phó.

Tuy đã đọc qua vài quyển khác của tác giả Jeffery Deaver và rất ngưỡng mộ kiến thức sâu rộng của ông trong các lĩnh vực như phân tích nét chữ, phân tích đất đá, kỹ năng sử dụng các loại máy móc phức tạp để phục vụ điều tra, nhưng khi đọc quyển “Sát nhân mạng” này, Biển vẫn thật sự ấn tượng với cách tác giả đưa vào một lượng lớn kiến thức về công nghệ thông tin (theo cách hoàn toàn khác với “Nguồn Cội” của Dan Brown). Đương nhiên là bác Jeffery không đưa vào tác phẩm những ngôn ngữ lập trình khó nhằn, nhưng câu chuyện vẫn chứa đầy những thuật ngữ chuyên môn về lập trình và mạng như “mã nguồn, mã bảo mật, hacker mũ trắng, tái cấu trúc phần mềm…”. Điều khiến Biển nhớ nhất sau khi đọc truyện là thuật ngữ “social engineering” : đóng giả, giả vờ là một người không phải mình, sử dụng ảnh hưởng và sức thuyết phục để đánh lừa người khác nhằm khai thác các thông tin có lợi cho cuộc tấn công hoặc thuyết phục nạn nhân thực hiện một hành động nào đó. Tựa gốc của truyện là “The Blue Nowhere”, nghĩa là “miền xanh thẫm vô định”, ám chỉ thế giới mạng. Cụm từ này khiến ta dễ dàng liên tưởng thế giới mạng như một vũ trụ bao la không có điểm dừng, rất thú vị để khám phá nhưng cũng rất xa lạ để dấn thân. Những kiến thức chuyên môn trong quyển “Sát nhân mạng” không thể dễ dàng lướt qua như trong những quyển trinh thám khác của Jeffery Deaver, vì bất cứ ai biết sử dụng máy tính cũng hiểu được không nhiều thì ít những gì tác giả đang đề cập trong truyện, những kiến thức và thao tác quen thuộc này sẽ thu hút sự chú ý và khiến độc giả khó có thể rời mắt khỏi sách.

Truyện cũng đề cập một ít đến tình trạng đấu đá nội bộ vô nghĩa và quan liêu của chính phủ, chia rẽ nhau trong những giây phút nước sôi lửa bỏng mà lẽ ra phải hợp tác để sớm vô hiệu hóa hung thủ nhằm ngăn chặn những án mạng thảm khốc. Tuy phần lớn quá trình phá án diễn ra trên máy tính nhưng “Sát nhân mạng” vẫn có những pha hành động gay go, ứng biến thần tốc, đấu trí đấu dũng dữ dội. Dù đã biết đến các yếu tố gây bất ngờ trong truyện của Jeffery Deaver nhưng trong quyển này, Biển vẫn sửng sốt với cách xoay chuyển tình huống của tác giả và bị lôi cuốn đến mức phải đọc liên tục đến hết. Truyện không có quá nhiều yếu tố tình cảm ủy mị, không có những bậc phụ huynh phải vừa điều tra vừa canh cánh bên lòng nỗi lo cho con cái, chỉ thuần yếu tố trinh thám nên đọc rất mượt. Có một câu trong truyện khiến Biển khá hứng thú: “Cuộc đời chỉ là một cuộc hack lớn”, câu hỏi mà Biển đặt ra là “Nếu cuộc đời là một cuộc hack lớn thì máy tính và bàn phím sẽ là gì? Và ta sẽ hack vào cái gì?”.

Sau khi đọc “Sát nhân mạng”, Biển quyết định cuốn này sẽ được thêm vào list-sách-nhất-định-muốn-sở-hữu của mình. Quyển trinh thám dày hơn 500 trang này là một ấn phẩm tuyệt vời dành cho các cư dân mạng mê truyện trinh thám.

(Sea, 18-8-2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét