lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Năm, 18 tháng 10, 2018

81 Án Tây Du (Đại Đường Nê Lê Ngục)



Tác giả: Trần Tiệm. Dịch giả: Losedow
Thể loại: Trinh thám cổ đại TQ
Đánh giá: Xuất sắc

Sau bộ Trâm, bộ Liên Hoa Lâu và “Nữ ngỗ tác họa cốt”, Biển vẫn chờ để gặp được một bộ trinh thám cổ đại hay tương tự như vậy. Cứ đọc sách cũ hoài nên lâu lâu tự thưởng cho mình quyển sách mới tinh, thế là phát hiện một câu chuyện còn hay hơn cả Liên Hoa Lâu. Biển xếp “81 Án Tây Du – Đại Đường Nê Lê Ngục” là sách hay nhất đọc trong tháng 10/2018 và là một trong những quyển sách ưa thích nhất của mình.

Bối cảnh câu chuyện diễn ra ở đời Đường phồn hoa thịnh thế, Lý Thế Dân đang cai trị, lấy niên hiệu là Trinh Quán – nghĩa là dẹp yên thiên hạ, mở rộng chính đạo. Nhà sư Huyền Trang đã một lần dâng biểu xin đi Tây Trúc thỉnh kinh nhưng vì biên cương còn loạn lạc nên nguyện vọng của ngài chưa được chuẩn tấu. Trước khi dấn thân vào chuyến vân du không biết khi nào trở lại, Huyền Trang muốn truy tìm tung tích nhị ca là Trần Tố, xuất gia chùa Tịnh Thổ ở Lạc Dương với pháp danh Trường Tiệp, đã giết sư phụ Huyền Thành rồi bỏ trốn, sau đó còn dùng lời lẽ yêu mị xúi giục Huyện lệnh Hoắc Ấp là Thôi Giác treo cổ tự vẫn. Manh mối đưa đến huyện Hoắc Ấp, tại đây Huyền Trang được nhờ chữa bệnh cho phu nhân của tân Huyện lệnh Quách Tể. Chưa ở lại nội trạch của Quách Tể được một ngày thì Huyền Trang đã mấy lần gặp nguy hiểm tính mạng, vì vậy quyết định cùng người hầu Ba La Diệp đến chùa Hưng Đường cách huyện Hoắc Ấp vài dặm đường để trú lại. Những sự kiện thần bí cứ liên tục xảy ra xung quanh khiến Huyền Trang không thể không nghĩ rằng mình đang vướng vào một âm mưu rất lớn nào đó...

Trong phần 1 của “81 Án Tây Du”, những độc giả từng say mê “Tây Du Ký” sẽ được thấy một Huyền Trang rất mới mẻ khác biệt, dùng tư duy của một vị cao tăng nhiều năm nghiên cứu kinh luận để làm thám tử, thật là đặc sắc! Ngài luôn bình tĩnh (có lúc cười nhạt lạnh lùng), suy luận nhạy bén, ý chí sắt đá và can đảm có thừa, không hề giống nhân vật Đường Tăng yếu yếu đuối đuối cứ phải trông chờ sự bảo vệ và giải cứu của Tôn Ngộ Không. Tác giả Trần Tiệm cũng không tả nhân vật của mình anh tuấn tiêu sái mỹ mạo tuyệt luân như trong những truyện TQ khác, tuy vậy Huyền Trang vẫn được khắc họa rất rõ nét qua suy nghĩ của các nhân vật khác về ngài: “… vị hòa thượng trẻ tuổi thoạt nhìn ngu ngơ ngốc nghếch này có lòng dạ thâm trầm, ý chí kiên cường, ánh mắt nhạy bén, rất dễ khiến người khác thấu khó xử. Dường như ở trước mặt ngài, người nào cũng không thể che giấu điều gì, dường như hết thảy sự vụ trên đời đều hiển hiện rõ trong đôi mắt từ bi mà bình thản của ngài”. Còn nhiều đoạn tả hay hơn nữa nhưng Biển để dành cho các bạn tự đọc và thưởng thức.

Vị mỹ nữ Lục La trong truyện khiến Biển nhiều lần nghĩ đến Tử Tây trong “Ngọc xuyến án”. Cùng là thiếu nữ mà hai người một trời một vực, cách biệt không tưởng. Tử Tây xuất thân bần hàn nhưng duyên dáng tinh tế, hiểu người hiểu chuyện, còn Lục La bất kỳ lời nào hành động nào cũng khác Biển ê buốt cả răng, chỉ hận không thể bỏ qua những đoạn có nàng để đọc tiếp! Tuy hoàn cảnh và cuộc đời Lục La quả thật đáng thương nhưng Biển nghĩ nàng có thể lựa chọn một tâm thế hoàn toàn khác để quyết định số phận của mình. Dù sao thì “một gáo nước chứa ba ngàn phù du, trong hạt cát có thế giới vô tận”, giữ chấp niệm quá sâu thì kẻ đau khổ nhất vẫn là chính mình.

Dù đọc truyện với một tấm lòng hết sức trong sáng vô tư nhưng Biển vẫn nhìn ra chút hint đam mỹ giữa Huyền Trang và Ba La Diệp: tên người hầu Thiên Trúc này nhiều lần bảo vệ che chở, thậm chí là cứu mạng Huyền Trang; còn vị cao tăng này lúc gặp nạn ngã lên người Ba La Diệp thì tay chạm đâu không chạm lại cứ phải chạm trúng điểm nhạy cảm (kaka). Nhưng nghiêm túc mà nói thì Biển nghĩ tác giả không cố tình đưa hint đam mỹ vào, chỉ viết như vậy để tăng thêm độ thú vị cho câu chuyện thôi. ____ Chi tiết cảm động nhất trong truyện là khi một nam nhân vai năm tấc rộng thân mười thước cao, là dũng tướng nơi sa trường giết giặc như rạ lại bằng lòng yêu thương một góa phụ, sau lại bằng lòng thả cho góa phụ đó - cũng là thê tử của mình - chạy trốn cùng tình lang. Đối với Biển, đoạn ấn tượng nhất trong truyện là: “Trời đất bao la, phu nhân của lão tử là lớn nhất! Kẻ nào dám tổn thương phu nhân của lão tử, dù có to lớn đến đâu lão tử cũng một đao chém thành hai đoạn!”. Vẫn biết đó chỉ là nhân vật trong sách, nam nhân như vậy không thể tồn tại ngoài thực tế, nhưng đôi lúc đọc được những chi tiết ngôn-tình-giả-tưởng như vậy thì vẫn có thể mỉm cười.

Tuy biết không được xem nhẹ tài trí của người xưa nhưng những cơ quan mật đạo được miêu tả trong “81 Án Tây Du” quả thật hơi hoang đường: xây những “buồng thang máy” bằng gỗ chạy bằng sức gió + nước để lên xuống núi, hoặc lắp ròng rọc để di chuyển cả những công trình nặng hàng trăm tấn… Tuy nói là hơi hoang đường nhưng trong lúc đọc vẫn không thấy có điểm nào vô lý, chỉ thầm tán thưởng đầu óc của tác giả Trần Tiệm đã tưởng tượng ra và dùng bút lực trác tuyệt để diễn tả lại tất cả những khung cảnh hoành tráng đó. Truyện không có những đoạn khiến người đọc phải cười lăn lộn nhưng vẫn có thể cảm nhận sự hài hước ngấm ngầm, làm dịu đi những yếu tố đáng sợ. Đọc truyện mà Biển nhớ đến bộ phim hoạt hình 3D TQ từng xem là “Họa giang hồ chi bôi mạc đình” và “Họa giang hồ chi bất lương nhân”. Nay mới biết “Bất lương nhân” là một tổ chức tình báo – sát thủ do Lý Thế Dân sáng lập ra.

Trong bộ Trâm từng có câu “Nhất thế Trường An”, trong quyển “81 Án Tây Du” này cũng nhiều lần miêu tả Trường An như một “kinh đô ánh sáng”. Biển thắc mắc không biết thành phố này hoa lệ cỡ nào mà được nhiều người ca ngợi nên đã tìm hiểu được chút thông tin sau: “Trong thời hoàng kim của mình, Trường An từng là thành phố lớn nhất và đông dân nhất thế giới. Dưới thời nhà Đường, kinh đô Trường An là thành phố đông dân nhất bấy giờ” (theo wikipedia).

Đây là lần đầu Biển đọc truyện TQ chứa đựng rất nhiều điển tích lịch sử Trung Hoa mà không chán, đọc nhiều kiến thức Phật pháp mà không buồn ngủ, thậm chí còn hiểu biết thêm nhiều điều mới lạ. Từng câu từng chữ trong quyển sách dày này đều như châu như ngọc, xứng đáng nuốt vào bụng, thu vào tâm. Trong thời gian ngắn (khoảng 11 tiếng) liên tục đọc khá nhiều từ Hán-Việt khiến Biển hơi choáng váng, tuy nhiên vì thích sử dụng từ Hán-Việt nên đã cố gắng đọc và ghi chú lại. Quyển “81 Án Tây Du -  Đại Đường Nê Lê Ngục” có thiết kế bìa rất đẹp, giấy sạch chữ rõ, đặc biệt KHÔNG CÓ một lỗi chính tả hay lỗi đánh máy nào. Tuy được biết dịch giả Losedow đã nổi danh trong giới dịch thuật nhưng Biển vẫn xin phép khen ngợi phần chuyển ngữ của bác ấy trong quyển sách này, đọc vô cùng mượt mà dễ hiểu, những đoạn giữ nguyên từ Hán-Việt thì tao nhã thi vị. Mọt sách đọc được quyển sách hoàn hảo cũng giống như người sành ăn được thưởng thức món ăn ngon lành tinh tế. Cuốn sách khổ lớn 542 trang này sẽ là một tuyệt phẩm đối với các bạn thích thể loại trinh thám cổ đại, riêng Biển thì đọc xong sẽ đem tặng. Cái gì mình yêu thích mà không sở hữu được thì sẽ càng thương nhớ nó nhiều hơn.

(Sea, 18-10-2018)

P.S.: Truyện có đề cập đến cách cứu người chết đuối rất hay ho, không rõ có thể áp dụng ngoài thực tế không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét