Tác giả: John Grisham. Dịch
giả: Nguyễn Bá Long
Thể loại: Trinh thám
pháp lý, hiện đại. Điểm: 9.5/10
Ấn tượng với tiểu thuyết
của John Grisham sau quyển “Luật sư nhí” phần 1 nên Biển tìm đọc thêm truyện “Đồng
đạo” của ông. Câu chuyện lôi cuốn từ những dòng đầu tiên đến những câu cuối
cùng.
Gã luật sư Patrick
Lanigan do chán chường với người vợ ngoại tình và bất mãn do bị gạt ra khỏi một
vụ làm ăn lớn ở hãng luật nơi gã là cổ đông nên quyết định giả chết để mai danh
ẩn tích, đồng thời cuỗm luôn số tiền 90 triệu dollars. Chủ số tiền và các bên
liên quan phải bỏ ra thêm nhiều triệu dollars khác để tìm kiếm Patrick. Trong
lúc đó, hắn học thêm nhiều ngoại ngữ khác, chu du khắp thế giới rồi lẩn trốn ở
một thị trấn nhỏ bé thuộc Brazil, gặp được tình yêu của đời mình là Eva
Miranda. Bốn năm rưỡi sau, một số manh mối được cung cấp cho công ty thám tử ở
Washington và FBI, họ tìm ra Patrick Lanigan, bắt và tra tấn gã nhưng vẫn không
moi được thông tin về số tiền – lúc này đã sinh lợi thêm nhiều chục triệu nữa. Trudy
Lanigan – vợ góa của Patrick – bị hãng bảo hiểm đòi lại hai triệu rưỡi dollars
trước đây đã trả cho cái chết của chồng cô. Bạn cũ của Patrick là Sandy
McDemortt – năm xưa học chung trường Luật – được Eva nhờ giúp Patrick thoát khỏi
mớ bòng bong này. Cả Patrick, Sandy và Eva đều là những luật sư thượng thừa nên
họ lao vào giải quyết lần lượt từng vấn đề với tinh thần thép, tư duy hết sức khôn
khéo và khả năng đáng nể trong ngành luật.
Lúc đọc “Căn hầm tối” của
Robert Dugoni, Biển thích thú những đoạn tranh cãi trước tòa của anh Daniel
O’Leary như thế nào thì khi đọc “Đồng đạo” của John Grisham, Biển càng thán phục
khả năng của cả Patrick lẫn Sandy. Câu chuyện khắc họa một thế giới tội phạm +
quyền lực tin tưởng 130% vào các luật sư của mình, đụng chuyện gì cũng giữ im lặng
và muốn gặp luật sư. Có lẽ Biển quá ngây ngô khi không hiểu làm thế nào người
ta có thể đánh cắp rất nhiều tiền ngay trong những thao tác chuyển tiền của
ngân hàng, hoặc làm thế nào giả mạo danh tính để lên máy bay. Đồng ý là phải phục
khả năng của con người có thể làm giả hộ chiếu một cách quá cao siêu, nhưng
hành vi phạm tội như thế liệu có đáng ngưỡng mộ không? Biển cũng không hiểu rõ
về tài chính / kinh tế / kinh doanh nên không mường tượng được những khoản tiền
lên đến chục triệu dollars được đề cập trong truyện, tuy vậy khi đọc vẫn thấy rất
hấp dẫn, thuyết phục, không hề buồn chán, còn có cảm giác học hỏi được nhiều thứ!
Truyện có nhiều nhân vật
được đề cập với tần suất hợp lý, vừa đủ nhấn mạnh các nhân vật chính đồng thời
không thiếu đất diễn cho các nhân vật phụ. Toàn bộ quá trình phạm tội của
Patrick Lanigan phải nói là rất khôn ngoan, tài trí xuất chúng. Gã cũng là một
người không thiếu lòng nhân đạo, tuy những hành động của gã bị đặt trên lằn
ranh mong manh giữa thông minh và tàn nhẫn. Tuy vậy, Biển không thể ghét gã, thậm
chí còn đồng cảm và có chút thương cảm. Quan hệ giữa Patrick với bạn cũ–luật sư
Sandy McDemortt, với người tình Eva Miranda, với bạn cũ–thẩm phán Karl Huskey đều
là những mối nhân duyên kỳ lạ. Mỗi người họ đều là một cá thể riêng biệt, có
người thì thân thiết từ thời trẻ, có người vừa gặp hai ngày đã yêu, nhưng họ đều
gắn bó với nhau bằng tình người và lòng tin, cố gắng hết sức để giúp Patrick
thoát khỏi giai đoạn đen tối trong đời gã. Đọc mà phải tấm tắc tán thưởng những
tình cảm chân thành đó.
Các nhân vật trong “Đồng
đạo” không phân rõ chính diện hay phản diện, ai cũng cố gắng vật lộn giữa sóng
gió cuộc đời để đạt được những mục tiêu mình muốn, dù phải bất chấp thủ đoạn. Tác
giả John Grisham cũng đưa vào truyện những mong mỏi, mơ ước thông thường của
con người là được biến mất để bắt đầu một cuộc đời mới: “Ai cũng muốn chạy trốn,
Karl ạ. Vào một lúc nào đó trong cuộc đời, ai cũng đã từng có lần tính đến chuyện
chạy trốn. Cuộc sống ở vùng biển hay vùng núi luôn luôn dễ chịu hơn. Những rắc
rối có thể được bỏ lại đằng sau. Điều đó nằm sẵn trong mỗi con người chúng ta.
Chúng ta là con cháu của những người nhập cư, những người đã bỏ lại đằng sau những
hoàn cảnh khốn khổ và tới mảnh đất này để tìm kiếm một cuộc đời tốt đẹp hơn”.
Những đoạn đối thoại
trong truyện “Đồng đạo” gợi liên tưởng đến các quyển trinh thám của Harry
Dolan, có cảm tưởng từng lời thoại được viết và biên tập rất kỹ, vừa thể hiện
cá tính của nhân vật vừa tạo sức hấp dẫn cho câu truyện. Nội dung truyện vô
cùng cuốn hút, kết thúc khá bất ngờ nhưng Biển có thể đoán được. Sau khi đọc,
Biển cảm nhận một sự thỏa mãn đáng kể (vì truyện quá hay) và một thoáng buồn +
bàng hoàng trước sự đổi trắng thay đen của lòng người. Phần dịch thuật rất tốt,
dùng từ ngữ giang hồ vừa đủ để tạo kịch tính, không quá thô thiển gây phản cảm.
Gọn lại là một câu truyện RẤT đáng đọc.
Tiểu thuyết “Đồng đạo”
đã hết hàng sách giấy, chỉ có thể đọc online.
(Sea, 15-10-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét