Tác giả: Hugh Howey. Dịch
giả: Nguyễn Thành Long
Thể loại: Sci-fi (Tiểu
thuyết khoa học, có thể kỳ ảo + giả tưởng)
Đánh giá: 9/10
Có những quyển sách đem
về để hơn cả năm chưa đọc, nhưng cũng có những quyển chỉ thoạt nhìn bìa sách hoặc
đọc vài dòng giới thiệu ngắn ngủi thì kiểu như nhất kiến chung tình, chờ đợi
bao lâu cũng phải rước em nó về bằng được, rước về hôm trước thì hôm sau đã cặm
cụi vẽ bookmark rồi giở ra đọc ngay. “Trạm tín hiệu số 23” là một quyển sách
như vậy.
Bối cảnh truyện diễn ra
vào năm 2245. Từ đầu đến cuối truyện, nhân vật chính không hề cho biết tên mà
chỉ xưng “tôi”. “Tôi” là lính giải ngũ do bị thương nặng, vì muốn lánh đời nên
tình nguyện làm trạm viên của trạm tín hiệu ngoài không gian. Đèn cảnh báo trên
bờ biển gọi là hải đăng, đèn cảnh báo trong vũ trụ gọi là trạm tín hiệu. “Tôi”
sống trong một “ngôi nhà” có hình dáng như lon nước ngọt màu bạc cũ mèm sứt sẹo,
đầy vết thương cứ như tâm hồn của “tôi”. Dù đã cố ý chọn một nhiệm vụ cách xa đồng
loại, lao đầu vào nỗi cô đơn khôn cùng, (tự dối lòng rằng) sẽ sống đến hết đời
ngoài vũ trụ và không cần trở về Trái Đất nhưng “tôi” vẫn nuôi một hòn đá làm bầu
bạn, cố chộp lấy bất kỳ cơ hội giao tiếp nào với bất kỳ sinh thể sống nào, và mẫn
cảm đến mức rất dễ khóc. Dù đã lìa xa cuộc đời làm lính, không muốn dính dáng đến
chiến tranh nữa nhưng rốt cuộc “tôi” vẫn bị lôi kéo dính líu đến một cuộc chiến
liên hành tinh..
Câu “Hải đăng làm ảnh hưởng
đến cần câu cơm của bọn đánh đắm tàu”gợi liên tưởng đến truyện “Lữ quán giết
người” nguyên tác của tác giả Daphné Du Maurier do Minh Quân – Mỹ Lan chấp bút
lại. Đại dương trên Trái Đất có những vụ đánh cướp, không gian ngoài vụ trũ cũng
có những vụ đánh cướp với mức độ thiệt hại tính bằng hàng ngàn hàng triệu hàng
tỷ nhân mạng. Truyện có một câu nói khá thực tế, thú vị và mỉa mai về tính vô
nghĩa của chiến tranh như sau: “Bởi vì chiến tranh là trò tiêu khiển. Và nó
cũng là một thị trường tốt. Chúng ta gây chiến với nhau cho đến khi tìm được
người khác để cùng nhau gây chiến”.
Khác với những quyển
sách khẳng định một cách lạc quan về tương lai của Trí tuệ Nhân tạo (AI), trong
“Trạm tín hiệu số 23”, tuy bối cảnh truyện là năm 2245 nhưng NASA vẫn phải dùng
người thật làm trạm viên của trạm tín hiệu ngoài vũ trụ chứ không dùng robot,
vì vẫn phải nhờ đầu óc con người quyết định những điều cảm tính mà máy móc
không thể quyết định. Nhân vật “tôi” chọn cuộc sống cô độc trên trạm tín hiệu để
không phải khơi gợi lại những vết thương quá đau đớn từ khi còn tham chiến,
nhưng bản chất anh ta là một người thiện lương, từng không nỡ xả súng vào một ổ
sâu bọ ngoài hành tinh, không nỡ phản bội người mà anh ta từng có thời ân ái. Sống
một mình trong im lặng suốt hàng năm trời nên anh ta nuôi một hòn đá (chi tiết
này thật sự rất hài hước), tự nói chuyện với chính mình, và cảm thấy người phụ
nữ đầu tiên gặp được ngoài vũ trụ là xinh đẹp nhất trần đời. Tuy anh ta nói
năng bặm trợn, ăn ở không ngăn nắp lắm nhưng Biển vẫn nhận ra anh ta rất có khí
khái nam nhi, thương yêu và bảo vệ động vật, cả quyết khi cần định đoạt những
chuyện trọng đại, và rất dũng cảm.
Tác giả Hugh Howey thỉnh
thoảng đưa vào truyện các câu từ hài hước khiến một quyển tiểu thuyết giả tưởng
khoa học như thế này trở nên mềm mại dễ đọc: “Các bộ dự phòng có bộ dự phòng
cho bộ dự phòng”, và nhiều lần có những yếu tố được triple (nhân 3) để nhấn mạnh,
vừa thú vị vừa gây cười. “Trạm tín hiệu số 23” là một quyển sách có phong vị rất
lạ, câu chuyện tưởng như quen thuộc nhưng lại mới mẻ, nội dung thật sự chạm đến
cảm xúc của người đọc. Ẩn bên dưới những câu chữ tếu táo là thông điệp mong muốn
(các) thế giới có thể chung sống hòa bình với nhau, đối đãi nhau bằng sự thấu cảm
và tình thương yêu.
Trong lúc đọc, Biển có
chút xấu hổ vì đã đợi gần một năm đến Hội Sách Online mới mua. Xấu hổ vì một ấn
phẩm hoàn hảo như vậy mà Biển lại muốn mua được rẻ! Nội dung câu chuyện khiến
Biển rất hài lòng. Bìa sách thiết kế theo trường phái tối giản nhưng đẹp và ấn
tượng, trình bày đẹp, chữ in to rõ. Đặc biệt, phần dịch thuật rất xuất sắc, thật
không dễ để dịch một tác phẩm khoa học giả tưởng đầy những từ ngữ chuyên môn về
tàu không gian và vũ trụ. Đọc xong thì đã hiểu vì sao “Trạm tín hiệu số 23” được
đề cử hạng mục “Tác phẩm Khoa học Viễn tưởng Hay nhất 2015” trên Goodreads.
(Sea, 10-10-2018)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét