lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Review sách: Dữ Liệu Tử Thần



Tác giả: Jeffery Deaver. Dịch giả: Lê Đình Chi
Thể loại: Trinh thám hiện đại
Đánh giá: Gay cấn, hồi hộp, tinh tế, đáng đọc


Anh họ của Lincoln Rhyme là Arthur Rhyme bị buộc tội sát hại và cướp của một cách dã man. Những thứ bị cướp tuy không đáng tiền nhưng có giá trị sưu tầm đối với một kẻ mắc bệnh “ưa tích trữ”. Vợ của Arthur nhờ Lincoln xử lý vụ án để trả lại trong sạch cho chồng mình, bất chấp mối quan hệ lạnh nhạt đã mười mấy năm giữa hai anh em. Cùng khoảng thời gian đó, nhóm điều tra của Lincoln cũng đang hợp tác với cảnh sát London để truy tìm tên sát nhân Richard Longan. Quá trình điều tra về vụ Arthur Rhyme dẫn họ đến công ty cung cấp dịch vụ thông tin SSD, kẻ sát nhân bị tình nghi nằm trong nội bộ công ty này. Cảm thấy bị đe dọa, tên sát nhân đã trả đũa nhóm điều tra một cách tàn khốc. Như mọi khi, cô cảnh sát tóc đỏ Amelia Sachs vẫn nỗ lực phá án với tất cả năng lực bẩm sinh + kỹ năng được rèn luyện nhiều năm trong ngành, điều đó khiến cô bị lọt vào tầm ngắm của tên tội phạm. Bên cạnh đó, Amelia còn phải xử lý chuyện tình cảm của Pamela Willoughby – thiếu nữ mà nhóm của Lincoln đã cứu được từ một vụ án trước kia. Giữa thế cục nước sôi lửa bỏng như vậy, nhóm điều tra còn bị gây khó dễ bởi các cơ quan cấp cao, mọi chuyện càng trầm trọng khi lại có thêm người bị sát hại..

Có chút tương đồng với quyển “Sát nhân mạng”, quyển “Dữ liệu tử thần” chứa đựng nhiều thuật ngữ chuyên môn về mạng máy tính như “đầu cơ và khai thác dữ liệu nhằm mục đích thương mại; thông tin điện tử bí mật cá nhân; Luật tự do thông tin; sự bất tử của dữ liệu”. Cũng biết rằng nhà văn chuyên nghiệp phải tìm hiểu về rất nhiều lĩnh vực khi viết sách nhưng mỗi khi đọc truyện của bác Jeffery Deaver, Biển đều ngạc nhiên ngưỡng mộ trước lượng kiến thức chuyên ngành khổng lồ được đưa vào các câu truyện trinh thám. Câu văn khiến Biển nhớ nhất trong quyển này là “HIỂU BIẾT LÀ SỨC MẠNH”. Ngoài ra, sau khi đọc các chương về công ty SSD thì hội chứng OCD của Biển càng trầm trọng hơn kakaka.

Hầu như lần nào đọc truyện của bác J.D., Biển cũng kinh hoàng trước mức độ tàn bạo của những tên tội phạm trong truyện. Biết rằng đầu óc con người cũng có lúc hỏng hóc, nhưng hỏng hóc đến mức biến thái, không còn tính người, không còn biết coi trọng sinh mệnh thì thật đáng sợ. Nhân vật phản diện trong truyện này được miêu tả theo cách khiến độc giả (là Biển) chỉ muốn hắn bị bắn chết thật nhanh.

Một lần nữa, Biển không biết là các thám tử / cảnh sát quá dũng cảm hay quá bất cẩn khi đi điều tra một mình trong các vụ án đặc biệt nguy hiểm. Rất nhiều lần Amelia Sachs (và các nhân vật chính diện trong các tiểu thuyết trinh thám khác) tự mình đến nhà một ai đó liên quan đến vụ án để rồi rơi vào tình cảnh nguy hiểm tính mạng. Những người tu đạo trong các thiền viện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh có một quy định là: khi online luôn phải có hai người ngồi cạnh nhau để bảo vệ nhau kịp thời trước những rủi ro, những tổn thương trong thế giới mạng. Chỉ sử dụng Internet còn phải cẩn trọng đến vậy, chuyện điều tra tội ác chẳng phải cần thận trọng hơn gấp nhiều lần sao. Nhưng phải công nhận các cộng sự trong nhóm của Lincoln Rhyme đều là những người rất dũng cảm, có người thậm chí đã hy sinh tính mạng trong quá trình truy lùng hung thủ. Có lẽ chính nghĩa cũng giống như Mặt Trời, dù ta không nhìn thấy nó không có nghĩa là nó không tồn tại.

Biển xin phép ghi ra đây những đoạn mà Biển cho là hay trong truyện này:

“Người ta nghĩ: Nếu bạn không đi được, chắc chắn đôi chân của bạn có gì đó không bình thường. Nhưng chúng hoàn toàn ổn. Rắc rối nằm ở việc sai bảo chúng”.

“Phần lớn những kẻ cưỡng dâm bị kết tội do để lại những dấu vết của một trong ba thứ dịch sinh học: tinh dịch, nước bọt hay mồ hôi”.

“Dữ liệu không có biên giới, giúp chúng ta thoát bệnh tiểu đường, mua quà Giáng Sinh cho lũ trẻ và giúp cảnh sát giải quyết các vụ án”.

“Chỉ với tiếng click của một chiếc máy điện thoại bị dập xuống, một điều gì đó đáng lẽ sẽ trở thành hiện thực rốt cuộc lại không xảy ra”.

“Dữ liệu tử thần” có cốt truyện hấp dẫn, văn phong lôi cuốn – gọn gàng – súc tích. Dù có nhiều từ ngữ chuyên môn thuộc ngành phân tích dữ liệu và mạng Internet nhưng tác phẩm vẫn được chuyển ngữ mượt mà, đọc dễ hiểu. Lúc tìm tên dịch giả để viết vào review, thấy dịch giả là bác Lê Đình Chi thì Biển cười tán thưởng, sau đó tìm thêm được vài quyển của bác này dịch. Từ sau quyển “Công lý thảo nguyên” thì Biển ấn tượng tốt + có thiện cảm với những quyển do bác Đình Chi dịch :)

Truyện “Dữ liệu tử thần” của tác giả Jeffery Deaver đã đạt rất nhiều giải thưởng, khi biết điều này thì có thể đầu óc Biển sẽ tự “mặc định” là “truyện chắc chắn rất hay”, ảnh hưởng đến việc chấm điểm cho sách, nhưng trong và sau khi đọc thì Biển thấy nó hay thật, có lẽ chính vì vậy mà truyện đạt nhiều giải thưởng :D Bác J.D. thật sự là người có tài năng thiên bẩm trong việc viết truyện trinh thám: những tác phẩm của bác khi đọc có thể nhờ văn phong mà đoán được tác giả, nhưng mỗi truyện đều hoàn toàn khác nhau, không hề có sự trùng lặp nhàm chán. Tuy khác nhau nhưng nếu độc giả đọc nhiều sách của bác J.D. lại có thể nhận ra mối dây xuyên suốt giữa một số quyển. Biển cũng gặp lại thủ thuật viết xuất sắc này khi đọc loạt truyện về Tracy Crosswhite của tác giả Robert Dugoni, nhưng so về mức độ hấp dẫn thì cá nhân Biển đánh giá rằng truyện của bác Deaver lôi cuốn hơn truyện của bác Dugoni. Dù sao thì Biển nhất định đọc hết toàn bộ sách của hai tác giả này. Cuối truyện, bác Deaver có “dặn” để hiểu rõ hơn về một số nhân vật phụ trong truyện “Dữ liệu tử thần” thì có thể tìm đọc thêm “Kẻ Tầm Xương” và “Trăng Lạnh”. Những quyển sách xuất sắc của tác giả cột trụ trong dòng tiểu thuyết trinh thám này chắc chắn sẽ luôn làm hài lòng các mọt.

(Sea, 5-10-2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét