lovely dog's work-art

lovely dog's work-art
Sống thế nào để có thể mỉm cười với nhau, & sau khi xa nhau rồi cũng có thể mỉm cười một mình. . .

Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

Review: Giai Điệu Tử Thần



Tác giả: Jeffery Deaver. Dịch giả: Nguyễn Quang Huy
Thể loại: Trinh thám hiện đại. Đánh giá: Hay, đáng đọc

Đặc vụ CBI kiêm chuyên gia phân tích ngôn ngữ cơ thể Kathryn Dance đến vùng Fresno để thu âm một số ca khúc nhạc đồng quê, đồng thời hẹn gặp một người bạn trẻ là nữ ca sĩ Kayleigh Towne. Khá trùng hợp, khi Kathryn đến nơi cũng là lúc ban nhạc của Kayleigh đang gặp rắc rối bởi một fan hâm mộ cuồng nhiệt. Tình trạng khó chịu chuyển thành hoảng sợ khi có người trong ban nhạc bị sát hại, đó lại là bạn thân của Kayleigh. Sau quãng thời gian ngắn bị chống đối bởi lực lượng hành pháp địa phương, Kathryn Dance đã chính thức được gia nhập nhóm điều tra. Nghi phạm chính của họ là Edwin Stanton Sharp – fan cuồng kiêm kẻ rình mò – là một gã dường như mắc bệnh hoang tưởng, cho rằng gã và Kayleigh là cặp đôi trời sinh.

Tuy đã đọc qua vài cuốn của bác Jeffery Deaver nhưng Biển phải tấm tắc tán dương rằng không có nội dung cuốn nào trùng cuốn nào, trong khi hầu hết các cuốn đều có liên quan với nhau trong một vài chi tiết nào đó. Ngoài nghề viết văn thì bác JD cũng là một ca sĩ hát nhạc dân ca nên đã đưa vào quyển tiểu thuyết này vô vàn kinh nghiệm sân khấu kết hợp với kỹ năng viết lách điêu luyện, đem đến cho độc giả một tác phẩm vừa hồi hộp vừa lãng mạn, có cả tiếng súng và tiếng nhạc.

Không muốn spoil nhưng Biển vui mừng thông báo rằng trong quyển “Giai điệu tử thần” này, Kathryn Dance sẽ mời cả nhóm của Lincoln Rhyme đến Fresno hợp tác để truy lùng hung thủ. Kathryn cũng đã hình thành mối quan hệ nghiêm túc và lãng mạn với Jon Boling – vị giáo sư từng xuất hiện trong quyển “Giọt lệ quỷ”, tuy vậy cô vẫn trải qua nhiều khoảnh khắc say nắng (hoặc nói trầm trọng hơn là “ngoại tình tư tưởng”) với anh chàng đồng sự Michael O’Neil. Bác JD luôn xây dựng nhân vật rất đời thường và phân tích tâm lý nhân vật rất xuất sắc. Nhân vật trong truyện của JD không phải là thánh nhân hoặc anh hùng, tuy hầu hết thời gian thì các nhân vật chính diện đều hành động tràn đầy khí phách, thậm chí đôi khi can đảm đến mức ngu ngốc, đơn thương độc mã lao thẳng vào nguy hiểm chết người. Nói riêng một chút về cô ca sĩ Kayleigh Towne  trong truyện: có thể cuộc sống + cách sống của cô ấy là hết sức bình thường đối với một cô gái Mỹ, nhưng Biển cho rằng cô ấy hơi nhẹ dạ và nhu nhược.

Quyển trinh thám khổ lớn dày 545 trang này không có lỗi in ấn, giấy sạch chữ rõ, Biển chỉ hơi chú ý đến vài lỗi dịch thuật:
+ trang trước ghi Myra nhưng trang sau viết thành Mary (tên đúng của nhân vật là Myra)
+ Michael O’Neil được dịch lúc là “anh ta”, lúc là “ông ta”, có khi trong cùng một trang mà đại từ nhân xưng khác nhau (trang 331). Michael là đồng sự của Kathryn, cũng là người đàn ông mà cô thầm cảm mến, nên chỉ cần gọi bằng “anh” là đủ.
+ Kathryn và Kayleigh đôi lúc đều được gọi bằng “nàng”, nghe có vẻ cổ trang và chưa phù hợp lắm với tiểu thuyết trinh thám hiện đại nhưng Biển chưa nghĩ ra cách dịch nào khác thích hợp hơn.

Ngoài các điều nhỏ nhặt nêu trên thì đây là một câu truyện hay, có vẻ dễ đọc hơn “Hang dã thú”, có lẽ sẽ làm hài lòng các mọt trinh thám.

(Sea, 26-10-2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét